(Baothanhhoa.vn) - Cùng với các tiết học chính khóa, tiết sinh hoạt cuối tuần là quy định bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với chương trình giáo dục phổ thông, từ bậc tiểu học cho đến THPT. Trong những năm gần đây, nhiều nhà trường trên địa bàn tỉnh đã quan tâm nâng cao chất lượng giờ sinh hoạt cuối tuần, qua đó góp phần duy trì tốt nền nếp và chất lượng giáo dục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất lượng giờ sinh hoạt cuối tuần ở các trường học

Cùng với các tiết học chính khóa, tiết sinh hoạt cuối tuần là quy định bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với chương trình giáo dục phổ thông, từ bậc tiểu học cho đến THPT. Trong những năm gần đây, nhiều nhà trường trên địa bàn tỉnh đã quan tâm nâng cao chất lượng giờ sinh hoạt cuối tuần, qua đó góp phần duy trì tốt nền nếp và chất lượng giáo dục.

Nâng cao chất lượng giờ sinh hoạt cuối tuần ở các trường học

Nhờ đổi mới, sáng tạo trong cách tổ chức, giờ sinh hoạt cuối tuần của mỗi lớp học tại Trường THPT Hoàng Lệ Kha (Hà Trung) được học sinh hào hứng đón nhận.

Trường THPT Hoằng Hóa 2 (huyện Hoằng Hóa) là một trong những đơn vị trường được đánh giá là duy trì tốt sinh hoạt 15 phút đầu giờ hàng ngày và giờ sinh hoạt cuối tuần. Đã thành nền nếp, hầu hết giáo viên chủ nhiệm (GVCN) ở tất cả các lớp sẽ có mặt tại lớp trong 15 phút đầu buổi học hàng ngày và các giờ sinh hoạt cuối tuần. Theo quy định chung của nhà trường, GVCN có trách nhiệm nắm bắt thông tin, tình hình, diễn biến của tập thể lớp. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở hoặc uốn nắn những lệch lạc, hạn chế; đồng thời biểu dương, khen ngợi việc làm hay, kết quả tốt của tập thể lớp cũng như cá nhân học sinh.

Nhờ sự sâu sát, quản lý chặt chẽ của các thầy, cô giáo chủ nhiệm nên tình hình học tập, rèn luyện đạo đức của học sinh ở các khối lớp đạt kết quả tốt, đóng góp vào thành tích chung của nhà trường.

Cô Hoàng Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoằng Hóa 2, cho biết, Hiện nay nhà trường có 30 lớp ở 3 khối lớp 10, 11 và 12. Cùng với các tiết học chính khóa, nhà trường xác định giờ sinh hoạt cuối tuần là một trong những nội dung quan trọng, góp phần vào kết quả thi đua, học tập chung của nhà trường. Theo đó, trong các buổi sinh hoạt, ban giám hiệu (BGH) nhà trường cũng thường xuyên quán triệt, trao đổi đến GVCN các lớp việc tổ chức các giờ sinh hoạt cuối tuần sao cho hiệu quả. Đồng thời định hướng các chủ đề hàng tuần để GVCN tổ chức tốt giờ sinh hoạt. Đối với một số học sinh ý thức học tập, tu dưỡng hạnh kiểm chưa tốt cần được đặc biệt quan tâm, uốn nắn kết hợp với động viên kịp thời. BGH nhà trường cũng lưu ý GVCN tránh sa đà vào việc chỉ trích, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của học sinh.

Nhớ lại thời điểm còn làm công tác GVCN, đứng lớp giảng dạy, cô Hoàng Thị Thúy cho biết thêm, Làm công tác chủ nhiệm lâu năm, bản thân cô rút ra một điều rằng, chính những buổi sinh hoạt cuối tuần hiệu quả đã góp phần quan trọng trong việc “thắp lửa” cho học sinh. Qua đó, tạo sự gần gũi, gắn kết giữa GVCN với học sinh trong lớp. Giờ đây, khi các thế hệ học trò trở lại thăm trường, thăm thầy, cô vẫn thường xuyên nhắc lại những câu chuyện mà cô đã kể trong những buổi sinh hoạt. Có thể chỉ là những mẩu chuyện vui về thời đại học của cô giáo mà học sinh đã tự đề ra cho mình mục tiêu để phấn đấu khi bước vào giảng đường.

Thực tế, cùng với những buổi sinh hoạt cuối tuần hiệu quả, vẫn còn không ít những giờ sinh hoạt chỉ để GVCN kiểm điểm, phê bình khiến cho những học sinh “cá biệt” cảm thấy sợ hãi, lo lắng. Có thể những sai sót nhỏ hoặc đã được nhắc nhở ở những tuần trước, nhưng mỗi khi đến giờ sinh hoạt GVCN đều nhắc đi nhắc lại, khiến cho học sinh cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, thậm chí phải viện lý do để nghỉ tiết sinh hoạt cuối tuần.

Theo cô Đoàn Thị Ân, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Lệ Kha (huyện Hà Trung), việc tổ chức tiết sinh hoạt lớp có hiệu quả đòi hỏi rất nhiều kỹ năng giáo dục và sự khéo léo của mỗi GVCN. Và mỗi GVCN tại Trường THPT Hoàng Lệ Kha đều ý thức được tiết sinh hoạt lớp cuối tuần là vô cùng quan trọng trong quản lý lớp học cũng như giáo dục nhân cách cho học sinh. Ở các giờ sinh hoạt cuối tuần, GVCN không chỉ có vai trò là người thầy mà còn phải là một người bạn. Ý nghĩa thực sự của giờ sinh hoạt cuối tuần không chỉ nằm ở tiếng nói của GVCN, mà cần sự đóng góp của mọi thành viên trong lớp. Do đó, học sinh cần được khuyến khích để trình bày các vấn đề mà bản thân gặp phải, cần được giải đáp và cần được tôn trọng.

Có thể nói rằng, giờ sinh hoạt cuối tuần giúp GVCN nắm bắt được tâm lý, đặc điểm của học sinh, cũng thông qua đó tạo sự gần gũi, hứng thú trong học tập, hoàn thiện kỹ năng sống, định hướng tương lai cho các em... Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở một số đơn vị trường học, giờ sinh hoạt cuối tuần chưa thực sự được chú trọng; hoặc giờ sinh hoạt trở thành giờ để “kiểm điểm” học sinh. Mặc dù thầy, cô đều hướng đến mục đích là quan tâm, nhắc nhở để học sinh trở nên tốt hơn, tuy nhiên nếu cứ lặp đi lặp lại điều này trong hầu hết các buổi sinh hoạt sẽ vô tình khiến cho học sinh cảm giác căng thẳng, áp lực. Do đó, làm thế nào để tiết sinh hoạt cuối tuần có tính định hướng tốt, tạo được tâm lý thoải mái cho học sinh sau một tuần học tập căng thẳng, mỗi GVCN cần chủ động, sáng tạo cả về nội dung và hình thức tổ chức giờ sinh hoạt.

Bài và ảnh: Hoài Anh


Bài và ảnh: Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]