(Baothanhhoa.vn) - Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nhiệm vụ đặt lên vai mỗi cán bộ, giáo viên (CBGV) là không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải có năng lực sư phạm, năng lực giáo dục, hơn thế nữa phải có khả năng truyền động lực về việc học tập, tu dưỡng đạo đức, nhân cách tới mỗi học sinh và cộng đồng xã hội.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới

Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nhiệm vụ đặt lên vai mỗi cán bộ, giáo viên (CBGV) là không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải có năng lực sư phạm, năng lực giáo dục, hơn thế nữa phải có khả năng truyền động lực về việc học tập, tu dưỡng đạo đức, nhân cách tới mỗi học sinh và cộng đồng xã hội.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới

Cô, trò Trường Mầm non Tân Phong 2, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) trong giờ học.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhiều năm qua, cùng với sự chủ động của mỗi CBGV, để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, ngành giáo dục tỉnh nhà đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp; rà soát, sắp xếp lại cán bộ, giáo viên; triển khai đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; tăng cường thăm lớp, dự giờ, viết sáng kiến kinh nghiệm, tổ chức thi giáo viên giỏi các cấp, đánh giá xếp loại cán bộ quản lý... Kết quả thực hiện các giải pháp cũng cho thấy, mỗi năm có hàng trăm lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tập trung vào chương trình dạy học, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá và sử dụng thiết bị dạy học được ngành giáo dục tổ chức; 100% cán bộ quản lý (CBQL) được tổ chức bồi dưỡng về lý luận chính trị, nâng cao nghiệp vụ quản lý giáo dục...

Trong giai đoạn 2015 - 2020, toàn ngành đã có 11.540 lượt CBQL được bồi dưỡng tiêu chuẩn nghề nghiệp, chức danh quản lý; 67.500 lượt CBGV các cấp được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng phương pháp dạy. Trong đó, khối mầm non có 3.108 CBGV, khối tiểu học có 16.225 CBGV, khối trung học có 45.904 CBGV và khối giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng có 2.270 CBGV. Trong học kỳ I, năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã phối hợp với các cơ sở đào tạo, tổ chức 7 lớp bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý cho 421 học viên. Trong đó, bồi dưỡng cấp chứng chỉ CBQL trường mầm non, tiểu học, THCS trước khi bổ nhiệm cho 210 giáo viên thuộc nguồn kế cận; bồi dưỡng cập nhật kiến thức quản lý giáo dục cho 200 CBQL...

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo được nâng lên, tỷ lệ CBQL và giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng tăng. So với năm 2015, hiện nay, trình độ trên chuẩn của CBQL và giáo viên toàn ngành tăng 15,6%. Qua rà soát, thống kê, giáo viên có trình độ đạt chuẩn (đại học) trở lên trong toàn ngành chiếm 90,63%, trong đó có 5,4% đạt trình độ trên chuẩn (thạc sĩ, tiến sĩ); đội ngũ nhà giáo và CBQL có tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, luôn nỗ lực vượt khó, tích cực đổi mới phương pháp dạy. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay vẫn còn 8,55% CBGV phổ thông chưa có trình độ đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019; đội ngũ giáo viên chất lượng không đồng đều do được đào tạo từ nhiều loại hình khác nhau; một bộ phận giáo viên cao tuổi có trình độ đào tạo ban đầu thấp, chậm thích nghi với đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt là hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin. Chất lượng giáo viên giữa các môn học cũng chưa đồng đều, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Một số CBQL giáo dục năng lực hạn chế, làm việc bằng kinh nghiệm, thiếu kiến thức về pháp luật, quản lý, tài chính dẫn đến lúng túng trong thực thi nhiệm vụ, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nói chung...

Từ những tồn tại, hạn chế, cùng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững và phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm dẫn đầu cả nước, hiện tại, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Đề án được xây dựng dựa trên quan điểm phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục là nhiệm vụ then chốt nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nâng cao nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông gắn liền với bố trí, sử dụng và phát huy có hiệu quả năng lực cá nhân; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, ngành và toàn xã hội để huy động nguồn lực nhằm phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Mục tiêu đặt ra của đề án là trong giai đoạn 2021 - 2025 là 100% CBQL cơ sở giáo dục phổ thông, 96% giáo viên tiểu học, 98% giáo viên THCS, 100% giáo viên THPT có trình độ đạt chuẩn trở lên. Định hướng đến năm 2030 đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Thực tế cho thấy, ở bất kỳ thời điểm nào, giai đoạn nào, trong sự nghiệp “trồng người” đội ngũ nhà giáo luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, là khâu “then chốt”, là nền tảng cho sự phát triển. Do vậy, việc chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm bảo đảm chất lượng GD&ĐT suốt quá trình xây dựng và phát triển của các nhà trường nói riêng của toàn ngành giáo dục nói chung. Điều này đã được minh chứng trong kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế các môn văn hóa 5 năm gần đây, Thanh Hóa liên tục trong tốp đầu của giáo dục cả nước. Bên cạnh đó, toàn ngành đã duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Ngoài ra, chất lượng giáo dục khu vực miền núi cũng có bước chuyển rõ rệt, với nhiều học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh các môn văn hóa, qua đó, từng bước giảm sự chênh lệch giữa miền núi với miền xuôi về chất lượng giáo dục...

Bài và ảnh: P.S


Bài và ảnh: P.S

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]