(Baothanhhoa.vn) - Đội ngũ giáo viên dạy nghề (GVDN) có chất lượng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) luôn quan tâm, tạo điều kiện để GVDN được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy đạt chuẩn.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề

Đội ngũ giáo viên dạy nghề (GVDN) có chất lượng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) luôn quan tâm, tạo điều kiện để GVDN được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy đạt chuẩn.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghềBuổi học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Nghi Sơn.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ GVDN, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN. Trong giai đoạn 2015-2020, đã có trên 1.300 nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học, biên soạn giáo án, giảng dạy tích hợp, kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, đào tạo theo tín chỉ; 297 cán bộ cấp huyện, xã tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về GDNN. Ngoài ra, các cơ sở GDNN cũng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; tạo điều kiện cho nhà giáo, cán bộ quản lý tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm; trình độ tin học, ngoại ngữ...

Theo số liệu thống kê, hiện các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh có 2.031 nhà giáo. Trong đó có 565 người có trình độ chuyên môn trên đại học, chiếm 27,8%; đại học 1.126 người, chiếm 55,4%; cao đẳng 135 người, chiếm 6,7%; trung cấp 210 người, chiếm 9,9%; công nhân kỹ thuật 4 người, chiếm 0,2%. Nhà giáo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm là 1.929 người, chiếm 95%...

Để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ Khu Kinh tế Nghi Sơn, Trường Cao đẳng Nghề Nghi Sơn xác định phát triển, nâng cao chất lượng GVDN là yêu cầu cấp bách. Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trước sự phát triển nhanh về khoa học công nghệ, nếu GVDN không tiếp cận kịp với công nghệ cao, đặc biệt là đáp ứng cuộc cách mạng 4.0 hiện nay sẽ dẫn đến đào tạo học viên sai định hướng và không giải quyết tốt vấn đề việc làm đối với người học. Vì vậy, hằng năm nhà trường phối hợp với các trường đại học uy tín như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Xây dựng... đào tạo nâng cao kiến thức lý thuyết cho giáo viên. Về kỹ năng tay nghề, nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp có công nghệ cao để tiếp cận với máy móc, thiết bị, từ đó nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình. Hiện tại, nhà trường đang hợp tác với trên 40 doanh nghiệp trong tỉnh và các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Việc liên kết với doanh nghiệp giúp giáo viên tích lũy được kinh nghiệm nghề nghiệp và thực tiễn sản xuất để truyền đạt cho học sinh những kiến thức, kỹ năng sát với thực tiễn. Bên cạnh đó, nhà trường tạo môi trường làm việc thuận lợi, chăm lo đời sống cho giáo viên dạy nghề để họ yên tâm công tác.

Tương tự, để cho “ra lò” đội ngũ người lao động có tay nghề cao, Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn luôn xác định vị trí, vai trò của đội ngũ giáo viên là lực lượng quyết định trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo. Chia sẻ về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Ngọc Minh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Xã hội luôn vận động không ngừng nghỉ và do đó các ngành nghề cũng luôn thay đổi để bắt kịp xu thế vận động của xã hội. Nếu các đơn vị GDNN nói chung, Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn nói riêng không kịp thời cập nhật, nắm bắt sẽ dẫn đến lạc hậu, đào tạo sai định hướng. Vì vậy, nhà trường đã chủ động cập nhật, tích cực đổi mới, sẵn sàng hòa nhập vào sự phát triển của xã hội; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề có chuyên môn vững, tay nghề cao, coi đây là nhiệm vụ cấp bách. Để làm được điều này, trường khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên tham gia các hoạt động đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng. Mỗi giáo viên trong trường tự lựa chọn những hình thức, nội dụng đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với năng lực của mình và điều kiện của nhà trường.

Khách quan nhìn nhận, mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý về GDNN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được cải thiện; song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Còn thiếu nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng thực hành tốt, do chế độ lương, thưởng, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, tôn vinh nhà giáo... chưa được quan tâm đúng mức, chưa khuyết khích, thu hút nhà giáo yên tâm công tác tại các cơ sở GDNN. Kỹ năng thực hành của nhà giáo tại một số cơ sở GDNN còn hạn chế, chưa bảo đảm thực hiện việc dạy học tích hợp, nhất là nhà giáo tại các trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên cấp huyện. Chưa làm thay đổi căn bản về chất của cán bộ quản lý; đa số cán bộ quản lý GDNN chưa được đào tạo một cách có hệ thống, bài bản về công tác quản lý; trình độ và năng lực điều hành quản lý còn bất cập, chưa chuyên nghiệp; làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân...

Nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, các cơ sở GDNN cần tiếp tục xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ GVDN. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng tài liệu, chương trình bồi dưỡng phù hợp. Tạo điều kiện để giáo viên tham gia các đợt hội giảng nhà giáo GDNN. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước cho giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực theo chương trình tiên tiến của nước ngoài; bao gồm đào tạo kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề quốc tế, ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Các trường cũng cần hợp tác tốt với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao trong các dây chuyền sản xuất, để giáo viên cập nhật thường xuyên về khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới. Đồng thời thực hiện tốt chế độ, chính sách, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ GVDN để họ yên tâm công tác và nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy, học và công tác truyền thông; vận hành, tổ chức và quản lý các hoạt động GDNN nhằm bảo đảm phát triển nhà trường theo sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu đào tạo.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]