(Baothanhhoa.vn) - Chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là môn tiếng Anh ở các cấp học, bậc học trong tỉnh vẫn ở mức thấp, chưa đồng đều giữa các vùng miền. Đây là đánh giá của ngành chức năng trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong khó khăn, thách thức, nhiều trường học ở bậc THCS đã không ngừng vươn lên, đổi mới hoạt động dạy và học, tạo hiệu ứng tích cực trong chất lượng dạy và học môn học này.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở bậc THCS

Chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là môn tiếng Anh ở các cấp học, bậc học trong tỉnh vẫn ở mức thấp, chưa đồng đều giữa các vùng miền. Đây là đánh giá của ngành chức năng trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong khó khăn, thách thức, nhiều trường học ở bậc THCS đã không ngừng vươn lên, đổi mới hoạt động dạy và học, tạo hiệu ứng tích cực trong chất lượng dạy và học môn học này.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở bậc THCS

Một giờ học tiếng Anh của thầy, trò Trường THCS Nguyễn Chích (Đông Sơn).

Nhìn vào bảng thành tích những năm học gần đây của Trường THCS Nguyễn Chích (Đông Sơn) như mỗi năm có từ 8-10 học sinh (HS) đạt giải HS giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh; 1 - 3 em thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lam Sơn lớp chuyên tiếng Anh; điểm thi môn tiếng Anh vào lớp 10 THPT đạt từ 7 điểm trở lên... cho thấy, chất lượng dạy học môn tiếng Anh đã có sự chuyển biến tích cực. Cô giáo Nguyễn Thị Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chích, chia sẻ: Xác định tiếng Anh là môn học khó, khó cả ở chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Thế nhưng, nhiều năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cũng như Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025” của tỉnh, chất lượng dạy học môn học này của nhà trường đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Nhà trường không chỉ được chính quyền địa phương, ngành chức năng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, HS, phụ huynh HS quan tâm đến việc học tiếng Anh mà bản thân mỗi giáo viên cũng không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để đạt hiệu quả tốt nhất. Trước đây việc dạy học chỉ chú trọng về ngữ pháp và viết, nhưng hiện nay kỹ năng giao tiếp, sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp đã được quan tâm và tăng cường. Qua khảo sát, đánh giá, hiện tỷ lệ HS nhà trường bảo đảm tốt 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đã chiếm hơn 30%.

Nhiều năm qua Trường THCS Nguyễn Du (Quảng Xương) cũng đã phát huy lợi thế đội ngũ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu, có năng lực chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề để không ngừng nâng cao chất lượng dạy, học môn tiếng Anh. Theo cô giáo Lê Thị Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, để thực hiện mục tiêu đề ra, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học, như hệ thống tivi thông minh ở các phòng học, trang bị máy trợ giảng cho giáo viên, nhà trường còn tạo điều kiện cho giáo viên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, trong quá trình dạy học, ngoài những giờ học chính khóa, nhà trường tăng cường rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, thuyết trình cho HS thông qua các hoạt động ngoại khóa bổ ích, như: Thi “Rung chuông vàng” với các câu hỏi là nội dung kiến thức bằng tiếng Anh; thi thuyết trình bằng tiếng Anh theo chủ đề; sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh... Hoạt động này đã tạo hứng thú cho cả HS và giáo viên, góp phần hình thành, phát triển tốt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Kết quả đánh giá những năm học gần đây cho thấy, số lượng HS khá, giỏi môn tiếng Anh năm sau luôn cao hơn năm trước, HS yếu, kém giảm dần. Điều này cũng đồng nghĩa chất lượng dạy học và sự quan tâm của HS đối với môn tiếng Anh đã được nâng lên đáng kể.

Thực tế, trong thời kỳ phát triển và hội nhập như hiện nay, ngoại ngữ được xác định có vai trò hết sức quan trọng. Vì lẽ đó, bản thân các nhà trường cũng như các bậc phụ huynh HS đều quan tâm đến việc dạy và học bộ môn này. Qua thống kê, toàn tỉnh có hơn 620 trường THCS, 100% trường tổ chức dạy, học tiếng Anh theo chương trình 7 năm và 10 năm. Ngoài dạy theo phân phối chương trình, nhiều trường còn tăng cường tiếng Anh cho HS thông qua sử dụng ISMART - chương trình học tiếng Anh thông qua toán và khoa học để khuyến khích HS mở rộng kiến thức khoa học, tự nhiên - xã hội. Một số trường còn phối hợp với trung tâm ngoại ngữ tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, góp phần tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Anh cho HS, giúp các em rèn luyện, trau dồi kỹ năng trong hoạt động và làm việc nhóm...

Tại huyện Lang Chánh, mặc dù gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thế nhưng, để tạo phong trào thi đua góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, địa phương này cũng đã phát động và duy trì nhiều hoạt động thiết thực tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh, “Ngày hội nói tiếng Anh” cho HS trên địa bàn. Không dừng lại ở đó, ngành giáo dục huyện thường xuyên mời giáo viên tiếng Anh cốt cán của các huyện bạn về giao lưu, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm và đánh giá năng lực giáo viên của huyện, qua đó, xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp giảng dạy. Hiện, 100% HS các khối lớp 6, 7, 8, 9 của các trường THCS trên địa bàn huyện đều học chương trình tiếng Anh theo hệ 7 năm và 10 năm. Tuy nhiên, theo thầy giáo Lê Minh Thư, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, việc dạy và học tiếng Anh của HS THCS trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế đó là tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; điều kiện, khả năng tiếp cận của HS còn hạn chế, một bộ phận HS chưa ý thức được tầm quan trọng của môn học... Đây cũng là thực trạng chung của nhiều trường học khu vực miền núi khi triển khai dạy và học môn tiếng Anh.

Ngoại ngữ vẫn được ví là “chìa khóa vàng” để hội nhập quốc tế, nên việc dạy học ngoại ngữ hiện nay là rất cần thiết và quan trọng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít. Song, với sự nỗ lực, cố gắng của các nhà trường, giáo viên và HS, sự quan tâm, đầu tư kịp thời của ngành chức năng, hy vọng trong những năm học tới, quy mô, chất lượng, hiệu quả dạy và học môn tiếng Anh ở các trường THCS trong toàn tỉnh sẽ không ngừng nâng lên. Qua đó góp phần thực hiện thành công Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025” với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông đạt mức khá so với mặt bằng chung cả nước; 100% HS lớp 9 đạt trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định chuẩn đầu ra của Bộ GD&ĐT.

Bài và ảnh: Lê Hữu Sắc


Bài và ảnh: Lê Hữu Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]