(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, phương pháp kỷ luật tích cực đã và đang là phương pháp giáo dục tiến bộ được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam nói chung, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng, không chỉ môi trường gia đình mà ngay cả môi trường học tập vẫn còn tình trạng trẻ em phải chịu những hình thức kỷ luật mang tính xâm hại đến thân thể, tinh thần.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ luật trẻ cần trên cơ sở không xúc phạm, tổn hại trẻ

Hiện nay, phương pháp kỷ luật tích cực đã và đang là phương pháp giáo dục tiến bộ được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam nói chung, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng, không chỉ môi trường gia đình mà ngay cả môi trường học tập vẫn còn tình trạng trẻ em phải chịu những hình thức kỷ luật mang tính xâm hại đến thân thể, tinh thần.

Kỷ luật trẻ cần trên cơ sở không xúc phạm, tổn hại trẻ

Việc áp dụng các phương pháp kỷ luật tích cực góp phần quan trọng trong chất lượng dạy và học tại Trường Tiểu học Điện Biên 1 (TP Thanh Hóa).

Vào tháng 8 vừa qua, chương trình “Vì tầm vóc Việt” phát sóng trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, đề cập đến vấn đề mà nhiều bậc cha mẹ và giáo viên tiểu học quan tâm: Không đặt nặng áp lực lên con khi trẻ bắt đầu vào lớp 1, đặc biệt khi trẻ bắt đầu hành trình mới bằng hình thức học online trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Để rèn luyện thói quen học tập cho trẻ, một chuyên gia khách mời đã bày tỏ quan điểm rằng: “Trong thời gian học online, khi trẻ chưa có thói quen thức dậy đúng giờ, chuẩn bị đồng phục vào học thì nên “phạt” nhẹ, ví dụ như khi cả nhà ăn kẹo thì con không được ăn...”.

Ngay sau khi chương trình phát sóng, nhiều chuyên gia tâm lý trẻ em cũng như các bậc phụ huynh đã bày tỏ ý kiến bất bình về hình phạt này. Phân tích về hình thức kỷ luật phản giáo dục, một số chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, hình phạt kinh khủng nhất trong gia đình, làng xóm, cộng đồng chính là tách cá nhân đó ra, “ly khai” ra khỏi cộng đồng. Nếu hình phạt không ăn kẹo thì cả nhà cùng không ăn, chứ không đặt ra tình huống mọi người ăn, phạt trẻ đứng nhìn. Điều này là vi phạm nguyên tắc quyền trẻ em vì đã làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của trẻ và không tuân thủ nguyên tắc về kỷ luật tích cực.

Thực tế, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, phương pháp giáo dục bằng trừng phạt, dù là lời nói hay tác động lên thân thể trẻ cũng không chứng minh được mức độ hiệu quả trong quá trình giáo dục con trẻ. Tuy nhiên, sự lầm tưởng giữa kỷ luật và trừng phạt đã khiến một số giáo viên cũng như các bậc cha mẹ vận dụng sai phương pháp.

Bà Phạm Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên 1 (TP Thanh Hóa) bày tỏ quan điểm: “Đã là trẻ là phải có tính kỷ luật. Tuy nhiên, kỷ luật ở mức độ nào, biện pháp ra sao thì cần dựa vào độ tuổi và đúng quy định. Ở bậc tiểu học, vẫn còn có trường hợp một số thầy, cô giáo hơi nóng tính, khó tính cấm trẻ chạy nhảy, nô đùa... Tuy nhiên, đặc điểm của trẻ bậc tiểu học rất hiếu động, nhanh quên và “ưa nhẹ”, trẻ rất thích được khen, được khuyến khích và gần gũi để trẻ cảm nhận được sự yêu thương, bộc lộ quan điểm cá nhân. Do đó, giáo viên cần khéo léo đưa ra những yêu cầu vừa sức đối với trẻ, giáo dục kỷ luật đối với trẻ thông qua những câu chuyện để trẻ dễ dàng tiếp thu như: không vứt rác bừa bãi, kể chuyện về cuộc sống ở Nhật Bản, Singapore... Tại Trường Tiểu học Điện Biên 1, ban giám hiệu thường xuyên quán triệt đến đội ngũ giáo viên về các phương pháp kỷ luật học sinh, trong đó hướng đến các phương pháp kỷ luật tích cực, tránh làm tổn hại đến cơ thể cũng như tinh thần của trẻ”.

Với triết lý xuyên suốt “Giáo dục để phục vụ cuộc sống hạnh phúc của mỗi em bé trong ngày hôm nay và mỗi con người trưởng thành trong tương lai”, tại môi trường giáo dục theo phương pháp Montessori của Trường Mầm non Sakura (TP Thanh Hóa), tính kỷ luật trong lớp học được áp dụng bằng cách trò chuyện và dành cho trẻ thêm thời gian để trẻ hiểu những vấn đề mà trẻ gặp phải. Cô giáo sẽ là người khơi gợi để trẻ tìm ra được cách giải quyết vấn đề của mình như: nói lời xin lỗi, thể hiện sự yêu thương đối với bạn (khi mình phạm lỗi) bằng những cái ôm, nắm tay...

Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Sakura Nguyễn Minh Hằng cho biết, ngay từ bậc học mầm non trẻ cần được giáo dục kỷ luật tích cực, dựa trên nguyên tắc tôn trọng trẻ và dựa trên lợi ích của trẻ. Kỷ luật tích cực không mang tính bạo lực, nhằm hướng đến việc rèn luyện cho trẻ tính tự giác tuân theo các quy định và các quy tắc đạo đức ở thời điểm trước mắt cũng như về lâu dài. Tuy nhiên, do không phải trường lớp nào cũng triệt để áp dụng kỷ luật tích cực, cũng không phải giáo viên nào cũng có thể hiểu rõ về kỷ luật tích cực, cách vận dụng hàng ngày trong môi trường giáo dục và những lợi ích mà kỷ luật tích cực mang lại.

Cũng theo bà Nguyễn Minh Hằng, trong môi trường giáo dục, giáo viên được quyền áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với trẻ, song không được làm tổn tại đến thân thể và tinh thần của trẻ. Đặc biệt, việc dùng bạo lực trong giáo dục học sinh về lâu dài sẽ gây ra những hậu quả như: sự tự ti, căng thẳng, tội lỗi, trẻ thiếu sự thấu cảm và tạo nên khoảng cách lớn đối với giáo viên. Cùng với vai trò của nhà trường, các bậc cha mẹ nên tránh dùng các biện pháp mang tính “trừng phạt”, thay vào đó nên dùng các phương pháp mang tính “kỷ luật”. Tuy nhiên, muốn trẻ tự nhận thức được khuyết điểm, khắc phục hậu quả (nếu có), bố mẹ cũng cần phải học các phương pháp giáo dục tích cực, dành thời gian để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của trẻ... Đây là một hành trình đồng hành cùng con đòi hỏi sự kiên trì, hướng đến hình thành nên nếp sống có tính kỷ luật đối với con trẻ.

Bài và ảnh: Hoài Anh


Bài và ảnh: Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]