(Baothanhhoa.vn) - Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hết năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 252/635 trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) có giáo viên biệt phái. Số xã, phường, thị trấn còn lại không có giáo viên biệt phái đã được thay bằng công chức văn hóa xã phụ trách hoặc có đơn vị không bố trí công chức khác kiêm nhiệm thay thế. Kết quả, nhiều trung tâm HTCĐ không có giáo viên biệt phái hoạt động cầm chừng hoặc kém hiệu quả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Không có giáo viên biệt phái, nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động cầm chừng

Không có giáo viên biệt phái, nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động cầm chừng

Lớp học xóa mù chữ cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của cô giáo Nguyễn Thị Thông tại Trung tâm Học tập cộng đồng xã Ngư Lộc (Hậu Lộc). Ảnh: Hoàng Giang

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hết năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 252/635 trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) có giáo viên biệt phái. Số xã, phường, thị trấn còn lại không có giáo viên biệt phái đã được thay bằng công chức văn hóa xã phụ trách hoặc có đơn vị không bố trí công chức khác kiêm nhiệm thay thế. Kết quả, nhiều trung tâm HTCĐ không có giáo viên biệt phái hoạt động cầm chừng hoặc kém hiệu quả.

Do thiếu giáo viên, nhiều đơn vị rút giáo viên biệt phái đang làm việc tại trung tâm HTCĐ về giảng dạy khiến nhiều trung tâm HTCĐ gặp khó khăn trong tổ chức hoạt động các lớp học, nhiều nơi hoạt động cầm chừng hoặc hoạt động không hiệu quả.

Thiếu người tham mưu, giúp việc

Theo Công văn số 1865/HD/LN/GD&ĐT-NV-TC, ngày 29-10-2012 của liên ngành Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ và Sở Tài chính về việc điều động giáo viên làm việc tại các trung tâm HTCĐ, thì trung tâm HTCĐ là một tổ chức giáo dục hoạt động mang tính chuyên môn, khoa học cao thuộc nhiều lĩnh vực nên việc bố trí, tăng cường giáo viên cho trung tâm HTCĐ là cần thiết. Giáo viên tăng cường cùng với đội ngũ cán bộ quản lý trung tâm, giáo viên, báo cáo viên, cộng tác viên có vai trò quyết định đến mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của trung tâm HTCĐ, góp phần tích cực nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực và xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Giáo viên được tăng cường làm việc tại trung tâm HTCĐ có nhiệm vụ giúp ban giám đốc trung tâm HTCĐ tổ chức điều tra, thống kê nhu cầu học tập của người dân tại cộng đồng; xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động giáo dục của Trung tâm; tham gia công tác giảng dạy, đánh giá kết quả, chất lượng hoạt động giáo dục, quản lý và giảng dạy, cập nhật hồ sơ sổ sách theo quy định... Mỗi trung tâm HTCĐ được bố trí 1 giáo viên làm việc theo chế độ biệt phái từ các trường tiểu học, THCS. Tuy nhiên, một vài năm lại đây, do tình trạng thiếu giáo viên nên nhiều địa phương đã rút giáo viên biệt phái tại các trung tâm HTCĐ về giảng dạy tại trường (do những giáo viên này đã hết thời gian biệt phái 3 năm), hoặc nhiều giáo viên biệt phái về nghỉ hưu và không bố trí giáo viên biệt phái khác về làm việc ở trung tâm HTCĐ, khiến nhiều trung tâm hoạt động gặp khó khăn.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, hết năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 252/635 trung tâm HTCĐ có giáo viên biệt phái. Số xã, phường, thị trấn còn lại không có giáo viên biệt phái đã được thay bằng công chức văn hóa xã phụ trách hoặc có đơn vị không bố trí công chức khác kiêm nhiệm thay thế. Kết quả, nhiều trung tâm HTCĐ không có giáo viên biệt phái hoạt động cầm chừng hoặc kém hiệu quả.

Là một trong những đơn vị không còn giáo viên biệt phái làm việc tại trung tâm HTCĐ, Trung tâm HTCĐ xã Hoằng Anh (TP Thanh Hóa) hoạt động gặp nhiều khó khăn do thiếu người giúp việc, tham mưu cho ban giám đốc trung tâm. Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Anh kiêm giám đốc trung tâm HTCĐ xã, cho biết: Trước đó, Trung tâm HTCĐ xã Hoằng Anh có 1 giáo viên biệt phái về làm việc, tuy nhiên từ đầu năm 2018, giáo viên biệt phái này về nghỉ hưu nên trung tâm cũng chưa có giáo viên biệt phái thay thế và cũng chưa bố trí cán bộ, công chức nào kiêm nhiệm nhiệm vụ này.

Theo ông Thanh, hàng năm, Trung tâm HTCĐ xã Hoằng Anh tổ chức nhiều lớp học về chuyển giao công nghệ kỹ thuật, giống cây trồng, an toàn thực phẩm... giáo viên biệt phái có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ban giám đốc tổ chức các lớp học, quản lý sổ sách, tài liệu, báo cáo kết quả hoạt động... của trung tâm. Từ đầu năm học 2018-2019 đến nay, trung tâm tổ chức được 4 lớp học chuyên đề về chuyển giao khoa học - kỹ thuật và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi với 400 học viên tham gia. Không có người hỗ trợ cho ban giám đốc, mọi hoạt động của trung tâm chủ yếu do phó giám đốc kiêm chủ tịch hội khuyến học đảm nhiệm, khiến quá tải về công việc. Bên cạnh đó, phó giám đốc trung tâm tuổi đã cao, việc sử dụng máy tính, công tác điều tra nhu cầu học tập trong nhân dân, tìm kiếm tài liệu, quản lý sổ sách... sẽ có những hạn chế khiến hiệu quả hoạt động của trung tâm có những ảnh hưởng.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Trịnh Anh Thau, Ủy viên Thường trực Hội Khuyến học tỉnh cho biết thêm: Nhiều địa phương sau khi rút giáo viên biệt phái về không bố trí người thay thế, như: TP Thanh Hóa, Hoằng Hóa... Việc rút giáo viên nhưng không bố trí người thay thế hoặc bố trí không phù hợp sẽ khiến trung tâm hoạt động không hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân; không phát huy hết chức năng, nhiệm vụ của trung tâm HTCĐ.

Thay thế người đủ năng lực, trình độ

Một số địa phương, sau khi rút giáo viên biệt phái về đã bố trí một cán bộ, công chức văn hóa kiêm nhiệm thay thế có đủ năng lực, trình độ để triển khai nhiệm vụ của trung tâm HTCĐ. Người được bố trí kiêm nhiệm phải nắm vững nhiệm vụ giáo dục địa phương để triển khai, đảm bảo trung tâm HTCĐ hoạt động như một cơ sở giáo dục.

Huyện Nông Cống có 32 trung tâm HTCĐ với 674 cán bộ quản lý, báo cáo viên và không còn giáo viên biệt phái. Tuy nhiên, huyện đã bổ sung 22 cán bộ, viên chức kiêm nhiệm của xã làm thay nhiệm vụ của giáo viên biệt phái. Năm học 2017-2018, toàn huyện có 1.521 lớp với 169.428 lượt học viên tham gia.

Ông Lê Trọng Thử, Chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Nông Cống, cho biết: Mặc dù hiện nay 100% trung tâm HTCĐ không còn giáo viên biệt phái làm việc tại trung tâm, nhưng đã được bố trí một viên chức có trình độ phù hợp để đảm nhiệm một phần công việc của giáo viên biệt phái. Huyện Nông Cống có 22/32 trung tâm có cán bộ kiêm nhiệm giúp việc cho ban giám đốc trung tâm (đạt 69%). Vì vậy, các trung tâm vẫn hoạt động ổn định, các lớp học ngày càng nâng cao chất lượng.

Cũng theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 635 trung tâm HTCĐ xã, phường, thị trấn. Các trung tâm hoạt động theo mô hình phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, nhà văn hóa, thư viện xã để tổ chức các lớp học tập, tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề cho người dân có nhu cầu. Từ đầu năm học 2018-2019 đến nay, các trung tâm HTCĐ đã tổ chức được gần 3.000 lớp học chuyên đề (chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ngoại ngữ, tin học, dạy nghề cho lao động nông thôn...) với gần 763 nghìn lượt người tham gia.

Ông Lý Đình Thịnh, Phó trưởng Phòng Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT, cũng cho biết: Hoạt động của trung tâm HTCĐ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người, mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời; được phổ biến kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất và cuộc sống góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong cộng đồng. Trung tâm là nơi tổ chức thực hiện hiệu quả công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục... Việc các trung tâm HTCĐ không còn giáo viên biệt phái để làm tham mưu, giúp việc cho ban giám đốc trung tâm sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của trung tâm. Giáo viên biệt phái làm việc tại trung tâm là người có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm nên việc tổ chức lớp học cho trung tâm sẽ thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt là công tác xóa mù chữ, tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ, phổ cập giáo dục... Vì vậy, khi không còn giáo viên biệt phái các đơn vị phải có phương án bổ sung người thay thế để giúp việc cho ban giám đốc trung tâm.

“Trước tình trạng trống giáo viên làm việc tại các trung tâm HTCĐ khiến nhiều trung tâm hoạt động không hiệu quả, ngành chức năng đã và đang chấn chỉnh, tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách để họ chủ động, sáng tạo trong việc lập kế hoạch hoạt động của trung tâm; đề nghị các trung tâm không còn giáo viên biệt phái bổ sung cán bộ, công chức khác thay thế và gắn trách nhiệm cụ thể cho cán bộ này để họ làm việc đúng chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của nhân dân” – ông Thịnh cho biết thêm.

Hoàng Giang


Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]