(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù, không bắt buộc giáo viên tham gia xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi (tăng bậc lương, tăng hệ số lương tối thiểu và tối đa...), giáo viên đều “đua nhau” tham gia xét thăng hạng. Tốn kém trong quá trình học, thế nhưng việc được thăng hạng hay không còn tùy thuộc vào chỉ tiêu được giao khiến không ít giáo viên còn nhiều băn khoăn, lo lắng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi giáo viên thi thăng hạng

Mặc dù, không bắt buộc giáo viên tham gia xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi (tăng bậc lương, tăng hệ số lương tối thiểu và tối đa...), giáo viên đều “đua nhau” tham gia xét thăng hạng. Tốn kém trong quá trình học, thế nhưng việc được thăng hạng hay không còn tùy thuộc vào chỉ tiêu được giao khiến không ít giáo viên còn nhiều băn khoăn, lo lắng.

Khi giáo viên thi thăng hạng

Thăng hạng chức danh nghề nghiệp không chỉ tăng thu nhập mà còn khẳng định năng lực của giáo viên, khiến phần đông giáo viên đều muốn tham gia xét thăng hạng.

“Chật vật” thi chứng chỉ

Ngày 30-11-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BGDĐT về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Cùng với đó, theo Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT quy định về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn để xét thăng hạng giáo viên như trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, đạt các danh hiệu thi đua... là không hề đơn giản.

Để thăng hạng, giáo viên phải dự thi 4 môn, gồm kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học. Trong đó, môn ngoại ngữ sẽ kiểm tra các kỹ năng đọc hiểu, viết ở trình độ ngoại ngữ tương đương với khung 6 bậc của Bộ GD&ĐT ban hành. Giáo viên muốn thi từ hạng IV lên hạng III, hoặc từ hạng III lên hạng II phải thi môn ngoại ngữ trình độ bậc 2 (A2), thi thăng hạng II lên hạng I phải thi môn ngoại ngữ trình độ bậc 3 (B1).

Từ quy định này, giáo viên phải đăng ký đi học chứng chỉ tin học và ngoại ngữ để đủ điều kiện xét thăng hạng. Cô giáo L.T.T., giáo viên trên địa bàn huyện Lang Chánh cho biết: Hè năm nay, tôi cùng nhiều giáo viên trong trường đăng ký xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II. Để đủ điều kiện xét thăng hạng, tôi đã đăng ký học chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Trong đó, việc đăng ký học chứng chỉ tin học và ngoại ngữ còn chưa thống nhất, mỗi trung tâm có giá học phí khác nhau. Cùng thi chứng chỉ A2, tôi nộp học phí 4 triệu đồng, nhưng nhiều thầy cô lại phải nộp 4,5 - 5 triệu đồng.

“Cũng từ nhu cầu học, thi chứng chỉ để đủ điều kiện xét thăng hạng mà nhiều các dịch vụ khác “ăn theo” để hỗ trợ giáo viên thi đạt yêu cầu và giáo viên đành cắn răng chạy theo. Trong khi đó, nhiều giáo viên bỏ tiền đi học nhưng chưa chắc đã được thăng hạng do còn phụ thuộc vào việc xét chỉ tiêu cho từng trường” - Cô giáo L.T.T. cho biết thêm.

Ngoài ra, việc đăng ký đi học chứng chỉ ngoại ngữ cũng khá chật vật khi nhiều giáo viên chưa tìm hiểu kỹ thông tin các trung tâm ngoại ngữ được phép cấp chứng chỉ. Thầy giáo L.V.T. giáo viên THCS trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, cũng cho biết: Tôi cùng nhiều giáo viên trên địa bàn nộp tiền và đăng ký học chứng chỉ ngoại ngữ để xét thăng hạng. Những thầy cô thi chứng chỉ A2, nộp học phí 4,5 triệu đồng, còn tôi thi B1, học phí 6,5 triệu đồng. Ban đầu chúng tôi đăng ký học ở Công ty TNHH Đào tạo và Phát triển giáo dục Big Ben, nhưng sau đó công ty này thông báo không tổ chức thi được, khiến chúng tôi vất vả khi đòi lại tiền và lại phải tìm học ở trung tâm khác.

“Nhiều giáo viên đã ra trường gần 20 năm, kỹ năng tiếng Anh nhiều năm không sử dụng đến. Nay đi học chỉ trong thời gian ngắn mà thi theo khung châu Âu là vô cùng khó, chưa kể đến những giáo viên đã nhiều tuổi. Nếu thi nghiêm túc, số người vượt qua chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, khi giáo viên đăng ký học và thi ở các trung tâm đều ngầm có bao gồm phí “chống trượt” - thầy L.V.T. chia sẻ.

Cũng theo nhiều giáo viên, để đủ điều kiện xét thăng hạng, giáo viên cũng khá tốn kém cho việc học nâng cao trình độ, ngoại ngữ, tin học... Riêng tiền nộp học, chi phí đi lại, ăn ở (đặc biệt là giáo viên miền núi xuống thành phố học) cũng mất từ 15 triệu đồng trở lên. Thế nhưng, khi đủ điều kiện xét, nhiều giáo viên vẫn chưa chắc đã được thăng hạng.

Thấp thỏm chờ thăng hạng

Theo thống kê của Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cuối năm 2018, tỉnh Thanh Hóa mới có đợt thi thăng hạng đầu tiên cho giáo viên THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức. Toàn tỉnh mới có 143 người được thăng hạng từ hạng II lên hạng I, trong đó có 140 giáo viên THCS và 3 giáo viên THPT. Đối với mầm non, tiểu học và THPT từ hạng III lên hạng II (hạng II lên hạng I do Bộ GD&ĐT tổ chức), năm nay mới là năm đầu tiên Thanh Hóa tổ chức xét thăng hạng.

Để tiến hành xét thăng hạng cho giáo viên trên địa bàn tỉnh, ngày 16-4-2019, UBND tỉnh có kế hoạch tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS công lập năm 2019. Theo đó, thông qua việc tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên để đánh giá, lựa chọn được đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của chức danh hạng II, hạng III các cấp học. Hiện nay, Sở Nội vụ đang tổ chức xét thăng hạng cho giáo viên cấp mầm non, tiểu học và THCS. Riêng cấp THPT, Sở GD&ĐT cũng đang tổng hợp danh sách đăng ký để báo cáo Sở Nội vụ xây dựng đề án trình Bộ Nội vụ. Sau khi có phê duyệt đề án của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh mới ban hành quy định xét hoặc thi thăng hạng cho giáo viên và chỉ tiêu xét thăng hạng.

Cô giáo L.T.T. cho biết thêm: Việc thăng hạng gắn liền với lương và thu nhập nên khá quan trọng với giáo viên. Cùng trong một trường nhưng người có tuổi nghề 5 năm được thăng hạng sẽ có mức lương cao hơn những người có thâm niên công tác hơn 20 năm. Cũng vì vậy mà giáo viên “đua nhau” đăng ký học thi xét thăng hạng. Năm nay, trường cô L.T.T. có 12 giáo viên đăng ký nộp hồ sơ xét thăng hạng nhưng theo dự đoán của giáo viên trong trường thì chỉ có khoảng 5-6 người đạt tiêu chuẩn.

Cũng theo Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT thì tính đến thời điểm hiện nay, riêng cấp THPT đã có khoảng hơn 1.000 người đăng ký xét thăng hạng. Bên cạnh việc đủ tiêu chí, điều kiện thì việc xét thăng hạng phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế của địa phương nên không phải giáo viên nào nộp hồ sơ cũng đạt yêu cầu thăng hạng.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT cho biết: Việc thăng hạng giáo viên, bên cạnh quyền lợi về kinh tế giúp tăng thêm thu nhập cho giáo viên còn khẳng định năng lực về chuyên môn của giáo viên. Vì vậy, dù không bắt buộc nhưng nhiều giáo viên vẫn tham gia xét thăng hạng. Ngay khi có quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã triển khai đến các đơn vị trực thuộc, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố về tiêu chí, điều kiện xét thăng hạng... để giáo viên tham gia nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của giáo viên. Hiện nay, các sở, ban, ngành chức năng có liên quan đang tiến hành các quy trình, thủ tục để xét thăng hạng cho giáo viên. Việc xét thăng hạng sẽ thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, bảo đảm bình đẳng, công khai minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Bài và ảnh: Hoàng Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Thị Hạnh - 21:30 15/09/19

 Trả lời

Tôi là 1 trong những gv chưa được thăng hạng, chúng tôi quá thiệt thòi. Mong UBND tỉnh và sở nội vụ sớm giải quyết cho chúng tôi được thăng hạng.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]