(Baothanhhoa.vn) - "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là hoài bão lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã dành trọn cả cuộc đời cho việc thực hiện hoài bão ấy. Ngay sau khi tuyên bố nước nhà được độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Người chỉ ra là “diệt giặc dốt” và Người đã phát động phong trào “Bình dân học vụ” (BDHV). Thực hiện phong trào này Thanh Hóa không chỉ là địa phương xóa xong nạn mù chữ từ rất sớm mà hiện nay phong trào học tập suốt đời, sự nghiệp “trồng người” của tỉnh không ngừng phát triển về mọi mặt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khắc ghi lời dạy của Bác, nỗ lực đưa sự nghiệp “trồng người” ngày càng phát triển

"Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là hoài bão lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã dành trọn cả cuộc đời cho việc thực hiện hoài bão ấy. Ngay sau khi tuyên bố nước nhà được độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Người chỉ ra là “diệt giặc dốt” và Người đã phát động phong trào “Bình dân học vụ” (BDHV). Thực hiện phong trào này Thanh Hóa không chỉ là địa phương xóa xong nạn mù chữ từ rất sớm mà hiện nay phong trào học tập suốt đời, sự nghiệp “trồng người” của tỉnh không ngừng phát triển về mọi mặt.

Khắc ghi lời dạy của Bác, nỗ lực đưa sự nghiệp “trồng người” ngày càng phát triển

Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao thưởng cho học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2020-2021.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ tháng 9-1945, Thanh Hóa đã thành lập Ty Thanh tra tiểu học và Nha BDHV. Các địa phương trong tỉnh đều lập Ban BDHV; phong trào thi đua diệt dốt, BDHV phát triển mạnh mẽ. Ngày 20-2-1947, trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ trao tặng Thanh Hóa 10 vạn đồng để làm quỹ phát triển BDHV. Trong hai năm 1948-1949, toàn tỉnh đẩy mạnh thi đua thanh toán nạn mù chữ, phổ biến phong trào BDHV và phát triển các trường phổ thông. Đại hội BDHV tháng 2-1950 chủ trương chiến dịch diệt dốt, mở đầu là tuần lễ toàn dân diệt dốt, tiếp đến là các tuần lễ diệt dốt do các đoàn thể, tổ chức đảm nhiệm như phụ lão diệt dốt, thanh niên diệt dốt, dân quân diệt dốt... Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực hết mình, giáo dục Thanh Hóa đã có những tiến bộ đáng kể, đạt 102% về nhiệm vụ BDHV. Xã Vĩnh Khang, nay là xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc) dẫn đầu phong trào thanh toán nạn mù chữ toàn miền Bắc, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, được Hồ Chủ tịch gửi thư tuyên dương. Ngày 13-6-1957, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ hai. Nói chuyện với các đại biểu Nhân dân toàn tỉnh, Bác khen ngợi “bước đầu là BDHV, đồng bào Thanh Hóa cố gắng có kết quả tốt, ví dụ như xã Vĩnh Khang đã xóa xong nạn mù chữ, được Chính phủ khen ngợi”. Người căn dặn “nhưng phải cố gắng hơn nữa” và đạt “Giải thưởng thi đua của Hồ Chủ tịch dành cho BDHV”.

Khắc ghi lời dạy của Người, phát huy truyền thống “Đất Thanh - Đất học”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sự quan tâm, chăm lo, đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, không ngừng đổi mới về mọi mặt đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc CNH, HĐH quê hương, đất nước. Từ một tỉnh còn nhiều khó khăn, năm 1998, Thanh Hóa đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập và xóa mù chữ; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2004; hoàn thành phổ cập giáo dục THCS năm 2006; năm 2018 đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3. Hiện, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi... Đặc biệt, từ năm học 2014-2015 - năm đầu tiên thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, của ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, toàn ngành giáo dục tỉnh nhà đã chủ động, tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục; khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong đánh giá chất lượng dạy học, trong thi cử và đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. 5 năm gần đây, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng nhiều đề án, chính sách và đã được HĐND tỉnh thông qua thực hiện có hiệu quả, như: chế độ, chính sách cho học sinh (HS) theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh; chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non đến năm 2033; sắp xếp mạng lưới các trường THPT công lập hiện có đến năm 2025; Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025; chính sách khuyến khích đối với HS, giáo viên, cán bộ quản lý Trường THPT chuyên Lam Sơn và các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...

Cùng với công tác tham mưu, ngành giáo dục Thanh Hóa đã để lại nhiều dấu ấn với hàng loạt đổi mới trong công tác quản lý, dạy và học ở tất cả các cấp học, bậc học. Ngành chủ động giảm dần áp lực thi cử, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực, tư duy và khả năng vận dụng kiến thức để HS giải quyết các vấn đề trong thực tế; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS; tăng cường công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS và THPT. Đặc biệt, ngành đã có những đổi mới mang tính chất bước ngoặt trong việc tổ chức các kỳ thi vào lớp 10 THPT, lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, thực chất, được cán bộ, giáo viên, HS đồng tình ủng hộ, xã hội đánh giá cao.

Khắc ghi lời dạy của Bác, nỗ lực đưa sự nghiệp “trồng người” ngày càng phát triển

Một giờ học của thầy, trò Trường THPT Hàm Rồng.

Từ quan điểm, chủ trương, công tác chỉ đạo, điều hành, cùng sự nỗ lực của các cơ sở giáo dục và mỗi cán bộ, giáo viên, HS, sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Đội ngũ nhà giáo trong tỉnh có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tích cực tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm xây dựng, quy hoạch khang trang với tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng đạt 87,7%; toàn tỉnh đã có 1.584 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 78,69%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững trong tốp đầu cả nước. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có hơn 400 HS đoạt giải quốc gia các môn văn hóa THPT; 14 em đạt huy chương Olympic khu vực và quốc tế. Tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật, toàn tỉnh có 5 dự án tham dự vòng 2 chọn thi quốc tế, có 1 dự án đạt giải đặc biệt... Đây là giai đoạn đạt thành tích rực rỡ nhất của Thanh Hóa trên đấu trường tri thức quốc tế từ trước đến nay. Tính riêng trong năm học 2020-2021, HS tỉnh Thanh Hóa đoạt 1 HCB môn Vật lý Olympic quốc tế (IPhO 2021), 1 HCĐ môn Vật lý Olympic châu Á - Thái Bình Dương và 1 dự án đoạt giải nhất quốc gia Cuộc thi Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật dành cho HS trung học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Thanh Hóa có điểm trung bình các môn thi đạt 6,357 xếp thứ 32 toàn quốc (tăng 12 bậc so với năm 2020). Toàn tỉnh có 2.409 HS đạt 27 điểm (theo tổ hợp xét tuyển đại học) trở lên và 1.288 điểm 10 (xếp thứ 3, sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội).

Kết quả này không chỉ thể hiện sự phấn đấu, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên và HS trong dạy và học, đó còn là sự quan tâm, đầu tư của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân về mọi mặt, nhất là trong đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học đối với sự nghiệp “trồng người” của tỉnh. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức, cùng với kết quả đạt được, trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, ngành GD&ĐT Thanh Hóa vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Sự chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng miền; cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư song nhiều nơi vẫn thiếu phòng học, thiếu phòng chức năng, sân chơi, sân tập; đội ngũ GV một số nơi chưa đồng bộ, vừa thừa, vừa thiếu...

Điều này đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực hơn nữa, phấn đấu không ngừng, đoàn kết một lòng, thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục cũng như lời căn dặn của Người “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”. Mỗi cán bộ, giáo viên luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy; chăm lo, sâu sát, hòa đồng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của HS để giáo dục các em ngày càng hoàn thiện về “đức, trí, văn, thể, mỹ”; tận tụy với sự nghiệp “trồng người” đúng như lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Mỗi HS nỗ lực phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, của dân tộc, noi gương các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt, biết vượt khó vươn lên, giúp đỡ nhau trong học tập và rèn luyện để cùng tiến bộ, để lập thân, lập nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu và mong muốn của Người “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Bài và ảnh: Phong Sắc


Bài và ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]