(Baothanhhoa.vn) - Nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành giáo dục huyện Thường Xuân đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG), từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục huyện nhà, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Huyện Thường Xuân với phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia

Nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành giáo dục huyện Thường Xuân đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG), từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục huyện nhà, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Huyện Thường Xuân với phong trào xây dựng trường chuẩn quốc giaKhuôn viên Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Thường Xuân được xây dựng khang trang, sạch đẹp đáp ứng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Với sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường, năm 2014 Trường THCS Ngọc Phụng vinh dự được công nhận trường CQG. Thầy giáo Nguyễn Viết Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Phụng, cho hay: Trước khi xây trường chuẩn, cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều khó khăn do các phòng học xuống cấp, khuôn viên sân trường nền đất trũng thấp, trang thiết bị dạy học thiếu... Được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của UBND, phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện và chính quyền địa phương, sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, phụ huynh học sinh, những khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ. Hiện, nhà trường có đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, khuôn viên xanh, sạch, đẹp; đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo yêu cầu, chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng nâng cao với trên 50% học sinh đạt học lực khá, giỏi; mỗi năm có từ 70 - 80 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, 4 - 5 học sinh giỏi cấp tỉnh...

Được biết, để nâng cao hiệu quả xây dựng trường đạt CQG ở mỗi đơn vị trường, ngành GD&ĐT huyện Thường Xuân đã sớm lập kế hoạch về lộ trình thực hiện, nắm bắt thực lực của các đơn vị trường tìm ra điểm mạnh, điểm yếu cần phát huy và khắc phục. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng các nhà trường theo tiêu chí trường đạt CQG. Qua đó, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã xác định rõ nhiệm vụ, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường học đạt CQG trên địa bàn theo chỉ tiêu được giao với tinh thần trách nhiệm cao. Các trường học chủ động, tích cực, tham mưu với cấp ủy, chính quyền quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Cô giáo Cầm Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú Thường Xuân, chia sẻ: “Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng và Nhân dân địa phương đã tạo điều kiện rất lớn cho nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ dạy và học cũng như xây dựng trường đạt CQG. Nhà trường đã đạt CQG mức độ 1 từ năm học 2014-2015. Năm học 2019-2020, nhà trường tiếp tục được đầu tư nâng cấp nhiều hạng mục như phòng lớp học, nhà ăn, nhà ở ký túc cho học sinh; khuôn viên sân trường... bảo đảm tiêu chí trường đạt CQG mức độ 2. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường phát huy nội lực, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục”.

Theo thầy giáo Lâm Anh Tuấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân, đến nay, hầu hết các trường học ở các bậc học trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng khang trang, nhiều trường xây dựng được nhà bán trú cho học sinh. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, bằng các nguồn vốn từ Chương trình 135, 30a, nông thôn mới, Trái phiếu Chính phủ, các dự án do các tổ chức phi chính phủ tài trợ và nguồn vốn sự nghiệp của địa phương, huyện Thường Xuân đã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và tạo bước đột phá về công tác xây dựng trường CQG. Từ các nguồn lực trên đã có gần 100 phòng học bậc mầm non, 11 nhà hiệu bộ, 12 bếp ăn một chiều, 17 khu giáo dục thể chất có mái che được đầu tư xây dựng; cải tạo và xây dựng mới nhiều hạng mục, như: cổng trường, tường rào, thư viện, khuôn viên, mua sắm trang thiết bị phòng học bộ môn, máy vi tính, với tổng kinh phí trên 152 tỷ đồng.

Qua thống kê, đến năm học 2021-2022, toàn huyện Thường Xuân có 46/61 trường, đạt tỷ lệ 75,4%. Trong đó có 12 trường mầm non, 18 trường tiểu học, 15 trường THCS, 1 trường THPT; 16/16 xã, thị trấn đều có trường học đạt CQG, trong đó có 7 xã đạt 100% trường CQG là Ngọc Phụng, Xuân Dương, Thọ Thanh, Lương Sơn, Vạn Xuân, Xuân Lộc, Luận Thành. Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư của ngành chức năng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh; sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân trong công tác xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành giáo dục, hiện nhiều trường học trên địa bàn huyện Thường Xuân vẫn còn thiếu phòng chức năng, phòng bộ môn, nhà hiệu bộ, thư viện, trang thiết bị dạy và học... Cùng với đó, tình trạng thiếu giáo viên chưa được giải quyết dứt điểm nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xây dựng trường đạt CQG.

Khắc phục những khó khăn, hạn chế, ngành giáo dục huyện Thường Xuân cùng cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện xác định, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò tự chủ, năng động, sáng tạo của các đơn vị trường học trong xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ nói chung và nhiệm vụ xây dựng trường CQG nói riêng. Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng GD&ĐT; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục... phấn đấu đến năm 2025 đưa tỷ lệ trường đạt CQG trên địa bàn huyện lên 93,4%.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]