(Baothanhhoa.vn) - Mỗi năm tỉnh ta có hàng chục nghìn người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) của tỉnh đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, thế nhưng, trong số này rất ít người có nhu cầu hỗ trợ học nghề. Điều này cho thấy người lao động (NLĐ) vẫn thờ ơ với việc học nghề sau khi thất nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Học nghề sau thất nghiệp: Nhiều lao động vẫn thờ ơ

Mỗi năm tỉnh ta có hàng chục nghìn người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) của tỉnh đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, thế nhưng, trong số này rất ít người có nhu cầu hỗ trợ học nghề. Điều này cho thấy người lao động (NLĐ) vẫn thờ ơ với việc học nghề sau khi thất nghiệp.

Học nghề sau thất nghiệp: Nhiều lao động vẫn thờ ơ

Lớp dạy cắt may công nghiệp tại Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa.

Theo thống kê của Trung tâm DVVL tỉnh, trong năm 2019, toàn tỉnh có 20.843 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gần 1.500 người so với năm 2018. Từ đầu năm 2020 đến nay đã có 648 người có quyết định hưởng trợ cấp. Số lao động thất nghiệp chủ yếu thuộc các ngành giày da, may mặc, điện tử... Nguyên nhân của việc tăng số lượng người đến đăng ký thất nghiệp được Trung tâm DVVL khảo sát, đánh giá là do NLĐ “nhảy việc”. Tức là NLĐ xin nghỉ việc để tìm cơ hội việc làm mới ở những công ty, đơn vị thuận lợi hơn. Mặt khác, nhận thức của NLĐ về quyền lợi được hưởng bảo hiểm tăng lên. Nhiều người trước đây thờ ơ thì nay ngay sau khi bị thất nghiệp họ đến trung tâm đăng ký để được hưởng quyền lợi. Thêm một nguyên nhân nữa đó là các doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động hoặc bị giải thể, tuy nhiên, số này không đáng kể. Ông Phạm Văn Viện, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho hay: Mặc dù số lượng người đăng ký thất nghiệp và hưởng chế độ hỗ trợ thất nghiệp gia tăng, nhưng số người đăng ký hỗ trợ học nghề lại rất ít. Năm 2018, có 19.442 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chỉ có 113 người đăng ký hỗ trợ học nghề sau khi thất nghiệp. Tương tự, năm 2019, với trên 20.800 người được hưởng, song, số đăng ký hỗ trợ học nghề chỉ có 148 người.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện nay, NLĐ đến làm thủ tục đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Trung tâm DVVL của tỉnh với mục đích chủ yếu là được nhận tiền hỗ trợ thất nghiệp chứ chưa quan tâm nhiều đến việc học nghề để tìm kiếm việc làm mới. Anh Nguyễn Thanh Hùng, xã Quảng Nhân (Quảng Xương) cho hay: “Do chưa tìm được việc làm mới nên tôi đến Trung tâm DVVL của tỉnh đăng ký trợ cấp BHTN để có thể trang trải phần nào cho cuộc sống, còn về học nghề mới thì tôi chưa tính đến”. Cùng chung suy nghĩ với anh Hùng, chị Lê Thị Ngàn, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn), từng là công nhân giày da ở Khu Công nghiệp Lễ Môn chia sẻ: “Sau khi thất nghiệp tôi chỉ nghĩ đến việc được hưởng trợ cấp BHTN nên đến Trung tâm DVVL đăng ký chứ chưa nghĩ đến việc học nghề để tìm kiếm nghề mới. Mà có tìm việc làm cũng chỉ tìm việc mình đã từng làm chứ học nghề mới lấy đâu ra kinh phí và thời gian để đi học”.

Nói về nguyên nhân dẫn đến việc NLĐ thất nghiệp chưa mặn mà với việc học nghề, ông Phạm Văn Viện cho hay: Người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông ở các ngành may mặc, giày da. Số lao động này qua quá trình đi làm đã có tay nghề được đào tạo tại doanh nghiệp, nên dù có thất nghiệp họ vẫn có cơ hội tìm việc làm mới. Mặt khác, mức hỗ trợ học nghề theo chính sách hiện nay thấp, thời gian hỗ trợ không nhiều khiến NLĐ thờ ơ với học nghề. Theo Quyết định số 77/QĐ-TTg, ngày 24-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BHTN, mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng, nhưng phí dạy nghề hiện nay cao hơn so với mức hỗ trợ. Đơn cử như NLĐ nếu học bằng lái xe B2, thời gian học 3 tháng, Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng, người lao động phải chi thêm gần 6 triệu đồng để có thể tham gia học. Trong khi phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn, khi không có việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống. Hay như học nghề sửa chữa ô tô, phải mất 9 tháng mới hoàn thành khóa học, nhưng NLĐ chỉ được hỗ trợ tối đa 6 tháng với mức 1 triệu đồng/tháng, trong khi kinh phí cho toàn khóa học cao hơn nhiều lần mức hỗ trợ.

Trước tình trạng ngày càng có nhiều NLĐ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm DVVL tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng BHTN. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Thiết nghĩ, muốn giải quyết vấn đề NLĐ thất nghiệp quay lưng với quyền lợi học nghề, ngoài việc tuyên truyền, tư vấn, cần đẩy mạnh cải cách trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BHTN. Bên cạnh đó, để tránh việc học viên phải chờ lâu mới có lớp học khi đã đăng ký, ngành chức năng cần phối hợp với đơn vị dạy nghề mở lớp theo yêu cầu. Việc tham mưu xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu của người sử dụng lao động cũng là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn vừa sản xuất, vừa đào tạo lao động tại chỗ, nếu tiếp nhận lao động cần tổ chức đào tạo lại hoặc đào tạo mới nâng cao tay nghề cho NLĐ.

Cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng, NLĐ cần chủ động đến Trung tâm DVVL tìm hiểu và tham gia tư vấn để tìm cho mình việc làm phù hợp với năng lực, cũng như tạo điều kiện để bản thân có thể đi học chuyển đổi ngành nghề nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, tránh tình trạng rơi vào vòng luẩn quẩn, thất nghiệp, không đủ điều kiện học nâng cao tay nghề rồi lại thất nghiệp.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]