(Baothanhhoa.vn) - Cùng với lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống hiếu học với đạo thầy - trò là một “hằng số văn hóa” có giá trị muôn đời. Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, dù trong giai đoạn nào của đất nước, mọi người dân Việt đều coi trọng sự học, kính trọng người thầy. Đây cũng là yếu tố cốt lõi làm nên giá trị truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ đạo thầy trò

Cùng với lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống hiếu học với đạo thầy - trò là một “hằng số văn hóa” có giá trị muôn đời. Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, dù trong giai đoạn nào của đất nước, mọi người dân Việt đều coi trọng sự học, kính trọng người thầy. Đây cũng là yếu tố cốt lõi làm nên giá trị truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.

Giữ đạo thầy trò

Cô, trò Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa) trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: Phong Sắc

Nền giáo dục phong kiến trước đây đã khẳng định ý nghĩa của việc học trước tiên là học lễ nghĩa - học làm người rồi mới đến học chữ, học kiến thức: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Trong phong tục lễ tết của người Việt, từ xa xưa đã luôn coi trọng việc quan tâm đến người thầy “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Đạo nghĩa thầy - trò hợp với đạo đức và lẽ phải hay tình nghĩa thầy - trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp mà hầu hết mọi người đều trân quý và bồi đắp. Người xưa thường nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dù chỉ học một chữ hay nửa chữ cũng phải mang ơn người dạy. Mang ơn thầy là bổn phận của người học bởi “không thầy đố mày làm nên”. Thế nên, nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất vì sản phẩm đào tạo ra chính là con người. Nhân dân ta trọng đạo chính là trọng cái nghề “trồng người” cao quý ấy, cũng như họ đã tôn vinh người thầy là những “kỹ sư tâm hồn”. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp đó đã được Nhân dân ta kế thừa và phát huy trong cuộc sống hiện nay. Trên khắp đất nước, ở đâu cũng vậy, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi đến miền ngược, người dân Việt Nam đều trân quý, tôn trọng người thầy, đều dành cho thầy những tình cảm ưu ái và lòng biết ơn sâu sắc. Người thầy được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng. Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu và ngày 20-11 hằng năm trở thành ngày hội lớn của toàn dân để tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý.

Người thầy luôn là một tấm gương sáng cho học trò noi theo, ngoài việc có chuyên môn giỏi thì người thầy phải có đạo đức lối sống mẫu mực, có lòng yêu thương học trò, yêu nghề, sống nhân ái nghĩa tình, trọng đạo lý được mọi người kính trọng. Vì lẽ đó mà người Việt luôn nhắc nhở nhau phải “tôn sư trọng đạo”, phải biết yêu kính thầy, nghe lời thầy dạy dỗ. Trong xã hội học tập và mọi người được học tập suốt đời như hiện nay thì vai trò của người thầy lại càng quan trọng. Những cuộc vận động của ngành giáo dục trong thời gian qua đã nâng vị thế của người thầy lên tầm cao mới. Đó là “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về tinh thần học tập và sáng tạo”. Lịch sử đã minh chứng, dù ở bất cứ thời kỳ nào, quyết định chất lượng giáo dục vẫn là đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên. Ngành giáo dục xứ Thanh đã có biết bao thầy, cô giáo vì sự nghiệp “trồng người”, vì thế hệ tương lai của đất nước đã vượt qua khó khăn, gian khổ “cõng” chữ lên non. Biết bao tấm gương thầy, cô luôn tận tâm truyền lửa đam mê giúp học sinh mang lại vinh quang cho quê hương, đất nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Tất cả điều đó là niềm tự hào của mỗi người dân xứ Thanh, tự hào về một miền đất “địa linh, nhân kiệt” đã được hun đúc bởi truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Có thể thấy, ở mọi thời kỳ, vị trí người thầy không hề đổi thay, ơn nghĩa đối với người thầy vẫn là một trong những đạo lý được coi trọng. Nhân dân ta có biết bao nhiêu câu ca dao, tục ngữ để khuyên bảo nhau phải biết giữ đạo thầy - trò: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”; “Ơn thầy soi lối mở đường/ Cho con vững bước dặm trường tương lai”; “Con ơi ghi nhớ lời này/ Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy chớ quên”... Tuy nhiên, theo dòng “biến thiên”, nhiều thầy, cô giáo đều thừa nhận, khi chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế thì đạo nghĩa thầy – trò, hay nói cụ thể hơn là mối quan hệ thầy - trò cũng có nhiều biến đổi, mang một màu sắc mới trên nền tảng của những giá trị truyền thống và theo xu hướng gần gũi hơn, bình đẳng, thân thiện hơn. Đạo nghĩa thầy và trò không còn bị chi phối bởi những giáo lý nghiêm ngặt như nền giáo dục trong xã hội phong kiến “cửa Khổng sân Trình” mà có phần được giảm nhẹ, giản hóa những quy định về lễ nghĩa... Tại nhiều trường học, những thầy, cô giáo trẻ đã biết nắm bắt tâm lý học sinh, hòa đồng và phần nào coi học sinh như bạn bè. Bạn bè ở đây mang hàm nghĩa là hai bên có thể đồng cảm, chia sẻ một số vấn đề chung, thoải mái bày tỏ quan điểm, suy nghĩ và phát huy sức sáng tạo. Bên cạnh đó, các hoạt động tập thể, hội nhóm của trường do thầy, cô khởi xướng, kết nối cũng giúp cho các bạn học sinh sống trọn vẹn với tuổi học trò của mình.

Dù vậy, như hai mặt của một vấn đề, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường đã, đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực làm phương hại đến truyền thống “tôn sư trọng đạo”, làm tổn thương đến những nhà giáo chân chính. Bởi bên cạnh những học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy, cô giáo, đã có không ít bạn quên đi đạo nghĩa thầy - trò. Có những học sinh vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, xúc phạm thầy, cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận nhà giáo thiếu tâm huyết với nghề, đánh mất lòng tự trọng nghề nghiệp, xu hướng thương mại hóa giáo dục đã tạo ra vòng xoáy cuốn một bộ phận giáo viên rời xa truyền thống và tôn chỉ của nghề sư phạm. Có những thầy, cô giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật...

Làm thế nào để giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”? - truyền thống đã làm nên một nước Việt Nam “ngàn năm văn hiến”. Lịch sử như một hành trình, để giữ gìn một giá trị quý báu, điều đó không phụ thuộc vào thời điểm lịch sử mà ở chính mỗi cá nhân. “Trọng thầy mới được làm thầy”, biết nể trọng, tôn kính người dạy dỗ mình chính là nuôi dưỡng lòng biết ơn, nuôi dưỡng sự tử tế và cũng chính là tự tạo nên những chuẩn mực văn hóa cho mỗi người. Vì thế, mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh xứ Thanh hôm nay cần giữ gìn và phát huy truyền thống ấy để sự nghiệp “trồng người” của tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung ngày càng phát triển “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.

Lê Phong


Lê Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]