(Baothanhhoa.vn) - Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các thầy cô giáo ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát vẫn luôn bám lớp, bám bản, cần mẫn “gieo chữ”.

"Gieo chữ" nơi vùng biên Mường Lát

Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các thầy cô giáo ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát vẫn luôn bám lớp, bám bản, cần mẫn “gieo chữ”.

“Gieo chữ” nơi vùng biên Mường Lát

Là huyện miền núi cao còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội đã phần nào ảnh hưởng đến phát triển sự nghiệp giáo dục của huyện Mường Lát.

11 giờ 30 phút, tiếng trống tan học vang lên xóa tan không khí vắng lặng của rừng núi, các em học sinh của Trường THCS Nhi Sơn ùa ra khỏi lớp. Dưới cái nắng hanh hao vùng biên, tiếng cười ríu rít, giòn tan của các em sau buổi lên lớp.

Năm học mới này trường có 65 học sinh chủ yếu ở các bản Lốc Há, Kéo Té, có em nhà cách trường hơn 7 cây số nên ở lại ký túc xá của trường.

“Gieo chữ” nơi vùng biên Mường Lát

Va Nu Rông, học sinh lớp 6B là một trong 65 em học sinh Trường THCS Nhi Sơn phải ở lại khu ký túc xá vì nhà cách xa trường gần 8 cây số.

“Gieo chữ” nơi vùng biên Mường Lát

Thầy Lê Khắc Tú, Hiệu trưởng và thầy Lê Quang Đức, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nhi Sơn kiểm tra bữa ăn của các em học sinh bán trú.

Cất vội chiếc cặp vào phòng ở ký túc xá, Va Nu Rông, học sinh lớp 6B cùng các bạn xuống nhà ăn của khu ký túc xá để chuẩn bị ăn bữa cơm trưa. Em nhanh nhẹn lấy chiếu ra trải rồi vào bếp bê khay thức ăn gồm 1 khúc cá nấu măng và cơm. So với ở nhà, đó là bữa ăn “thịnh soạn” với em rồi. Rông là người dân tộc Mông ở bản Lốc Há. Cũng như các bạn khác ở bản, do nhà ở cách xa trường nên em ở lại ký túc xá. Đầu tuần gia đình đưa em xuống trường cuối tuần lại trở về nhà. Tôi nhìn Nu Rông và những em học sinh đang vui vẻ bên bữa cơm của mình mà lòng nghẹn ngào.

“Gieo chữ” nơi vùng biên Mường Lát

Các thầy cô mong có thêm những bộ bàn ghế để các em được thoải mái trong quá trình ăn uống.

Thầy Lê Quang Đức, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nhi Sơn chia sẻ, năm học mới nhà trường có 219 học sinh, chủ yếu là đồng bào Mông, trong đó có hơn 70% hộ nghèo, cuộc sống gia đình các em còn nhiều khó khăn nên hầu như việc học phụ huynh “khoán trắng” cho nhà trường. Hiện có 65 em ở lại ký túc xá và được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, hàng tháng các em được hỗ trợ 596.000 đồng và 15 kg gạo. Do nhà trường còn nhiều khó khăn và gia đình các em học sinh cũng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nên bữa cơm của các em chỉ đảm bảo theo mức hỗ trợ của Nhà nước. Nhà trường mong muốn có thêm bộ bàn ghế để các em tiện lợi cho việc ăn uống nhưng hiện nay điều kiện của trường, nguồn lực của địa phương có hạn nên việc sinh hoạt của các em ở ký túc xá còn gặp khó khăn.

“Gieo chữ” nơi vùng biên Mường Lát

Sau thời gian lên lớp học sinh Trường THCS Nhi Sơn chăm sóc vườn rau, đảm bảo bữa ăn bán trú.

Nhi Sơn có 6 bản gồm các dân tộc Mông, Thái, Mường, Dao, Kinh sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 98% dân số. Trường THCS Nhi Sơn đóng trên địa bàn bản Chim, xã Nhi Sơn, có 18 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó chủ yếu là các thầy cô giáo ở miền xuôi lên công tác, gắn bó với mảnh đất biên cương hàng chục năm nay. Như thầy Lê Quang Đức quê xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa lên công tác ở huyện Mường Lát đã 21 năm. Để các em được đi học ngoài sự nỗ lực của gia đình, các thầy cô giáo đã thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương vận động các em đến trường.

Đây là năm học thứ 2 Trường THCS Nhi Sơn và Trường Tiểu học Nhi Sơn cùng phải học chung do Trường Tiểu học Nhi Sơn bị ảnh hưởng của mưa lũ, hư hỏng đang phải xây dựng lại. Khắc phục khó khăn về trường lớp, cả hai nhà trường đều nỗ lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022.

“Gieo chữ” nơi vùng biên Mường Lát

Cô giáo Ngô Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pù Nhi đã có 24 năm công tác tại huyện miền núi Mường Lát.

“Gieo chữ” nơi vùng biên Mường Lát

Những năm qua Trường Tiểu học Pù Nhi là điểm sáng về chất lượng giáo dục của huyện Mường Lát.

“Gieo chữ” nơi vùng biên Mường Lát

Trong khuôn viên nhà trường có hệ thống bồn rửa tay phòng, chống dịch COVID-19.

Cũng như thầy Lê Quang Đức, cô Ngô Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pù Nhi đã gắn bó với mảnh đất Mường Lát gần 24 năm. Trong trường hầu hết giáo viên đều là người dưới xuôi lên, bởi vậy mỗi thầy cô giáo đều trăn trở làm sao để sự học ở nơi mà họ gắn bó như quê hương thứ 2 ngày một đổi thay.

Để góp phần hiện thực điều đó, không có cách nào hơn là hiểu các em, hiểu đồng bào để có phương pháp vận động bà con cho con em mình đến lớp, đến trường, cùng với đó công tác giảng dạy phải phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Muốn làm được điều đó nhà trường đề ra phương châm “Có học sinh mới có lớp, có lớp thầy cô giáo mới được giảng dạy”, vì vậy vào mỗi dịp đầu năm học mới nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản lý bản nắm lại số học sinh và hoàn cảnh các em. Đồng thời vào năm học mới, mỗi thầy cô giáo được phân công đỡ đầu từ 1 đến 3 học sinh, quan tâm đến đời sống, học tập các em. Đến nay nhà trường không còn tình trạng học sinh bỏ học.

“Gieo chữ” nơi vùng biên Mường Lát

Sau giờ học, cô trò Trường Tiểu học Pù Nhi chăm sóc bồn hoa, khuôn viên trường xanh - sạch - đẹp.

Trường Tiểu học Pù Nhi tựa lưng vào núi, khuôn viên trang trí sạch đẹp bởi cây xanh, những giỏ hoa khoe sắc do chính bàn tay các thầy cô, các em học sinh cùng chăm sóc.

Dẫn tôi đi thăm các lớp, khuôn viên nhà trường, cô Ngô Thị Lan trăn trở: Nhà trường có 1 khu chính và 7 khu lẻ, năm học 2021- 2022 nhà trường có 653 em học sinh. Những năm qua, nhà trường là một trong điểm sáng về chất lượng giáo dục của huyện Mường Lát. Nhà trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (3 lần). Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở khu lẻ. Khu Pha Đén lớp học xuống cấp, khu Cơm thiếu phòng học nên nhà trường chỉ bố trí 4 lớp. Nhà trường có 35 cán bộ giáo viên, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó vẫn đứng lớp. Hầu hết giáo viên các bộ môn khác, giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm luôn 2 bộ môn âm nhạc, thể dục. Do điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng việc cho các em ăn bán trú nên nhà trường không tổ chức ăn bán trú cho các em.

“Gieo chữ” nơi vùng biên Mường Lát

Trên con đường 15C học sinh dắt tay nhau đến trường là hình ảnh đầy thân thương, xúc động.

Trên đường 15C mây bồng bềnh trên những dộc núi, những em bé người Mông dắt tay nhau cuốc bộ trên con đường đến trường. Những em bé mầm non khu Lốc Há nhìn tôi nhoẻn miệng cười. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả trên con đường đi tìm con chữ, nhưng tôi tin rằng, công tác giáo dục nơi vùng cao Mường Lát sẽ sớm đổi thay, bởi tình yêu mà những người thầy đang ngày ngày gieo chữ trên mảnh đất này.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát Lò Văn Tuấn cho biết: Năm học 2021-2022 huyện Mường Lát tiếp tục duy trì 33 trường học với tổng số 587 nhóm, lớp/12.792 học sinh. Về cơ sở vật chất, huyện hiện có 541 phòng học, trong đó có 367 phòng học kiên cố chiếm 66%, tỷ lệ phòng học tranh tre chiếm 1,3%. Nhu cầu xây dựng phòng học mới là 157 phòng. Những năm qua cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông năm 2018. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn thiếu nhà đa năng, phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học một số phòng học đã xuống cấp nhưng không có kinh phí để tu sửa kịp thời; hệ thống vệ sinh, nước sách chưa đáp ứng được yêu cầu. Toàn huyện có 804 biên chế ngành giáo dục, còn thiếu 93 giáo viên. Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho huyện xây dựng kế hoạch quy hoạch mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông huyện Mường Lát giai đoạn 2021 -2025 cho phù hợp với điều kiện thực tế; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vững mạnh toàn diện; Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; Xây dựng cơ sở vật chất và công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]