(Baothanhhoa.vn) - Rời xa quê hương, xứ sở, mang theo ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi sáng, các lưu học sinh Lào đã vượt đường sá xa xôi và nhất là vượt qua sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa để tự tin hòa nhập, tự tin học tập. Trong “hành trình vạn dặm” ấy, các lưu học sinh Lào luôn nhận được tình cảm ấm áp, sự quan tâm động viên, giúp đỡ từ mảnh đất xứ Thanh – nơi họ đang gửi gắm bao khát vọng tuổi trẻ.

Giảng đường đại học xứ Thanh: Nơi gửi gắm tình cảm mến yêu và khát vọng tuổi trẻ

Rời xa quê hương, xứ sở, mang theo ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi sáng, các lưu học sinh Lào đã vượt đường sá xa xôi và nhất là vượt qua sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa để tự tin hòa nhập, tự tin học tập. Trong “hành trình vạn dặm” ấy, các lưu học sinh Lào luôn nhận được tình cảm ấm áp, sự quan tâm động viên, giúp đỡ từ mảnh đất xứ Thanh – nơi họ đang gửi gắm bao khát vọng tuổi trẻ.

Giảng đường đại học xứ Thanh: Nơi gửi gắm tình cảm mến yêu và khát vọng tuổi trẻ

Trường Đại học Hồng Đức tổ chức lễ đón Tết cổ truyền Bunpimay cho sinh viên Lào.

Vượt qua rào cản ngôn ngữ

La Sẻn Lư Nam, sinh năm 1989, hiện đang theo học thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Khoa Kinh tế, Trường Đại học Hồng Đức. La Sẻn Lư Nam cho biết: "Mỗi lưu học sinh Lào, năm đầu tiên khi sang học tập tại Thanh Hóa sẽ được học tiếng Việt. Tuy nhiên, đúng như câu nói “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, học tiếng Việt giao tiếp đã khó, thế nhưng học chuyên ngành thì lại càng khó hơn nữa. Những từ ngữ chuyên ngành nhiều khi khiến em không thể hiểu được ngữ nghĩa và phải nhờ các thầy cô, bạn bè giảng giải mới dần tiếp thu được bài giảng và thực hiện được chương trình học. Trong ấn tượng của những lưu học sinh Lào như em, những cô giáo, thầy giáo người Việt giảng dạy cho sinh viên Lào giống như những người mẹ, người cha. Các thầy, cô giáo rất tận tình, chu đáo chỗ nào không hiểu thì có thể hỏi lại thầy cô bất cứ khi nào. Thậm chí, nếu ở trên lớp không có thời gian thì về nhà hỏi qua điện thoại, qua mạng xã hội các thầy cô vẫn nhiệt tình giảng giải thêm. Không chỉ vậy, trong các buổi làm việc nhóm, lưu học sinh Lào luôn nhận được sự hỗ trợ từ các bạn sinh viên Việt trong việc lên ý tưởng, trao đổi và khai thác thông tin, đưa ra quan điểm cá nhân, trình bày nội dung... khiến cho quá trình học tập của em trở nên hiệu quả hơn.

Sang Thanh Hóa học tập ngay trước thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, Linda Seng Aly, sinh viên năm thứ 2 khoa Dược K10E, Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa cảm nhận rõ hơn bao giờ hết tình cảm của thầy cô, bạn bè dành cho mình. Linda chia sẻ: “Hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, em chỉ được về thăm nhà hai lần do nhà em ở rất xa. Từ tỉnh Bo Kẹo quê hương em, để sang được Thanh Hóa học tập, em phải ngồi xe khách hai ngày một đêm mới tới nơi. Còn nhớ khi mới đến Thanh Hóa, do chưa biết nói tiếng Việt nên việc giao tiếp và mua bán đồ dùng, thức ăn... khá vất vả. Rất may, ở trường em được các anh chị sinh viên tình nguyện giúp đỡ rất nhiều trong việc bố trí, dọn dẹp và sắp xếp phòng ở tại ký túc xá; rồi còn được các bà, các cô ở chợ hướng dẫn cách sử dụng tiền Việt, cách mua và sử dụng các loại đồ dùng thiết yếu... Sau một thời gian, em đã có thể tự tin hòa nhập với cuộc sống mới. Đặc biệt, trong quá trình học tập ở Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa, em được các thầy cô và các bạn giúp đỡ rất nhiều và được tham gia công tác Đoàn, tham gia các phong trào của nhà trường tổ chức khiến em cảm thầy mình trưởng thành hơn, tự tin hơn rất nhiều. Em dự định, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, em sẽ tiếp tục học lên đại học để sau này tốt nghiệp về nước sẽ có chuyên môn vững vàng để góp sức xây dựng quê hương, đất nước”.

Giữ gìn, vun bồi tình hữu nghị

Không thể kể hết những tình cảm mà các lưu học sinh Lào dành cho Thanh Hóa, với họ, từ lâu đã xem Thanh Hóa như quê hương thứ hai của mình. Sỏn Kham Phương Khăm Phăn, sinh viên năm thứ 4 khoa Văn hóa thông tin, chuyên ngành Thông tin thư viện, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, cho biết: “Nhà em ở huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn cách Cửa khẩu Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa chỉ khoảng 18 cây số. Ngay từ khi còn nhỏ, em đã được giao lưu, tiếp xúc với người Thanh Hóa sang làm ăn, buôn bán trên quê hương mình. Em rất ấn tượng về con người Thanh Hóa cần cù, chăm chỉ, yêu lao động, vậy nên từ nhỏ em đã có ước mơ được sang Thanh Hóa học tập. Trong suốt quãng thời gian học tập tại tỉnh Thanh Hóa đã giúp em hiểu hơn về phong tục, tập quán, văn hóa của người Việt Nam nói chung, người Thanh Hóa nói riêng. Hiểu thêm về mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa hai nước. Do vậy, em luôn tự hào về truyền thống, quan hệ gắn bó thủy chung giữa hai nước và luôn ý thức giữ gìn, vun bồi cho tình hữu nghị ấy”.

Chia sẻ nét văn hóa ấn tượng nhất của người Thanh Hóa đó là tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, cư xử đúng mực, tinh tế, em Nit Tha Nom Tha Vy Pheng (sinh năm 1993, sinh viên năm thứ nhất Khoa Khoa học xã hội, chuyên ngành du lịch tại Trường Đại học Hồng Đức, chia sẻ: “Sau khi hoàn thành việc học tập trở về quê hương, em sẽ đem theo những hình ảnh đẹp về đất và người Thanh Hóa, những kiến thức lĩnh hội được trong thời gian học tập dưới mái trường Trường Đại học Hồng Đức để trở về làm việc tại quê hương. Đồng thời giới thiệu về vẻ đẹp của Thanh Hóa với người thân, bạn bè của em”.

Không thể về nhà vào dịp Tết cổ truyền Bunpimay đối với mỗi lưu học sinh Lào có lẽ là điều rất đáng tiếc. Hiểu được tâm lý đó, với tinh thần hữu nghị, gắn kết tình cảm Việt – Lào, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã luôn nỗ lực tạo ra sân chơi với các chương trình, hoạt động hấp dẫn và ý nghĩa đối với lưu học sinh Lào. Hằng năm, các nhà trường đều tổ chức cho các lưu học sinh Lào đón Tết cổ truyền Bunpimay rất chu đáo với đầy đủ các lễ nghi truyền thống, giúp các bạn lưu học sinh có được cảm giác ấm cúng, gần gũi, hạnh phúc như đang ở trên chính quê hương, đất nước mình. Vui nhất là các thầy, cô giáo, bạn bè và các lưu học sinh Lào đã cùng nhau làm lễ buộc chỉ cổ tay, té nước và chúc nhau một năm mới dồi dào sức khỏe, an lành và gặp nhiều may mắn. Ngoài ra, vào dịp tết cổ truyền của người Việt, các nhà trường cũng tổ chức cho lưu học sinh Lào cùng gói bánh chưng, tặng quà năm mới... Đó là niềm hạnh phúc rất lớn đối với lưu học sinh Lào khi được đến học tập tại Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung, một đất nước thân thiện và mến khách.

Thực hiện chủ trương hợp tác giữa hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn, mỗi năm tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận đào tạo hàng trăm cán bộ, học sinh, sinh viên Lào. Hy vọng rằng, mỗi lưu học sinh Lào sau khi về nước sẽ là những “hạt nhân” gắn kết, vun đắp tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước Việt Nam – Lào.

Bài và ảnh: Linh Hương


Bài và ảnh: Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]