(Baothanhhoa.vn) - Trong mỗi mái ấm gia đình, truyền thống hiếu học luôn là yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến hành vi, lối sống và nhân cách của từng thành viên. Nhận thức rõ điều này, nhiều gia đình xuất thân từ nông dân, cuộc sống nghèo khó, song vẫn quyết tâm tạo mọi điều kiện cho các con ăn học thành đạt; nhiều gia đình khác lại khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo cơ chế mới để phát triển kinh tế chăm lo sự học của con cháu...  Từ đó góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng xã hội học tập mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.

Gia đình học tập - nền tảng xây dựng xã hội học tập

Trong mỗi mái ấm gia đình, truyền thống hiếu học luôn là yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến hành vi, lối sống và nhân cách của từng thành viên. Nhận thức rõ điều này, nhiều gia đình xuất thân từ nông dân, cuộc sống nghèo khó, song vẫn quyết tâm tạo mọi điều kiện cho các con ăn học thành đạt; nhiều gia đình khác lại khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo cơ chế mới để phát triển kinh tế chăm lo sự học của con cháu... Từ đó góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng xã hội học tập mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.

Gia đình học tập - nền tảng xây dựng xã hội học tậpNhờ nỗ lực trong xây dựng gia đình học tập và tích cực tham gia hoạt động khuyến học, gia đình ông Trịnh Văn Hán ở xã Định Tân (Yên Định) đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Năm 2016, xã Tân Bình (huyện Như Xuân) triển khai chủ trương xây dựng mô hình gia đình học tập. Nhận thấy ý nghĩa của mô hình, gia đình ông Đỗ Hữu Vượng, thôn Tân Sơn đã đăng ký xây dựng và luôn động viên các thành viên trong gia đình thi đua học tập dưới mọi hình thức. Theo đó, ngoài việc học trên mạng internet, trên tivi, các thành viên trong gia đình ông Vượng còn tích cực tham gia các hoạt động tại trung tâm học tập cộng đồng xã, nhất là chương trình phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn kinh nghiệm trồng rừng, cây công nghiệp... góp phần phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, để động viên, khuyến khích con cháu trong học tập, gia đình ông đã xây dựng quỹ khuyến học lên đến 100 triệu đồng. Sự đầu tư thỏa đáng cho việc học và mọi thành viên đều tích cực học tập đã góp phần xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc. Hiện, gia đình ông Vượng có 1 người con có trình độ thạc sĩ, 3 con có trình độ đại học và 1 con có trình độ cao đẳng.

Hay như gia đình ông Trịnh Văn Hán, ở thôn Yên Định, xã Định Tân (huyện Yên Định). Là gia đình nông dân bình thường, kinh tế khó khăn, song ông Hán vẫn quyết tâm chăm lo chu đáo việc học tập của các con. Theo chia sẻ của ông Hán, trước đây gia đình ông rất khó khăn về kinh tế, nhưng ông xác định, nếu không lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn thì sẽ rất khó để phát triển bản thân cũng như đóng góp sức mình cho quê hương, đất nước. Vì vậy, trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ trước và sau đổi mới đất nước, vợ chồng ông vẫn luôn quan tâm, chăm lo, động viên các con cố gắng học tập, rèn luyện để lập thân, lập nghiệp. Không phụ công bố mẹ, cả 5 người con (4 trai, 1 gái) của gia đình ông đều tốt nghiệp đại học, trong đó có 2 người có bằng thạc sĩ. Được biết, hiện nay, cả 5 người con của ông Hán đều đang giữ chức vụ cao ở các công ty, tập đoàn lớn trong nước. Thời gian qua, ngoài quan tâm chăm lo cho con cháu trong gia đình học tập, gia đình ông Hán còn hỗ trợ trên 1 tỷ đồng cho quỹ khuyến học, khuyến tài của thôn, xã, huyện và tỉnh. Ngoài ra, gia đình ông còn nhận đỡ đầu cho 3 sinh viên đại học có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá 60 triệu đồng. Ghi nhận kết quả trong xây dựng gia đình học tập và hoạt động khuyến học, gia đình ông Trịnh Văn Hán đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Gia đình chị Đặng Thị Vinh ở xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa) cũng là một trong những gia đình học tập tiêu biểu. Năm 2012, chồng chị Vinh mất do bệnh hiểm nghèo để lại cho chị 2 người con đang tuổi ăn, tuổi học, cháu lớn học lớp 9, cháu nhỏ học lớp 6. Kể từ đó, chị vừa làm mẹ vừa làm cha và trở thành trụ cột trong gia đình. Ý thức được hoàn cảnh của mình, nếu không học thật giỏi thì tương lai sẽ không thoát khỏi cái nghèo nên các con chị đã nỗ lực học tập. Thương mẹ, sau những giờ lên lớp, các con chị giúp đỡ mẹ những công việc phụ trong nhà. Năm 2015, con trai đầu Lê Khắc Huy thi đậu vào Trường Đại học Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh. Trong khi đậu đại học là mơ ước của nhiều người thì với mẹ con chị Vinh, đó vừa là niềm vui lại vừa là nỗi lo. Nỗi lo “cơm áo gạo tiền” và bao nhiêu chi phí khác cho các con đi học xa nhà khiến chị Vinh phải làm lụng cật lực nhưng cuộc sống vẫn hết sức khó khăn. Được sự giúp đỡ của gia đình nội ngoại hai bên, các ban, ngành, đoàn thể và được tiếp cận nguồn vốn vay sinh viên nghèo, mẹ con chị đã vượt lên tất cả. Đến nay, con trai đầu Lê Khắc Huy đã tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định, con trai thứ hai Lê Khắc Long cũng đã học năm thứ 3 Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Theo thống kê của Hội Khuyến học tỉnh, toàn tỉnh hiện có 883.697 gia đình đăng ký xây dựng gia đình học tập, trong đó đã có gần 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập. Từ những gia đình học tập đã lan tỏa và tạo nên những dòng họ học tập, cộng đồng, khu dân cư học tập. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 10.000 dòng họ đăng ký xây dựng dòng họ học tập và đã có hơn 7.000 dòng họ được công nhận dòng họ học tập; 4.393 cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng cộng đồng học tập, trong đó có gần 70% cộng đồng đạt danh hiệu cộng đồng học tập; 2.372 đơn vị đăng ký xây dựng đơn vị học tập và hiện đã có hơn 60% đạt tiêu chí đơn vị học tập... Kết quả trên cho thấy, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, yếu tố nền tảng bao giờ cũng xuất phát từ mỗi gia đình. Chỉ khi mỗi người dân, mỗi gia đình nhận thức đầy đủ hơn về học tập thường xuyên, học tập suốt đời cũng như trách nhiệm tham gia xây dựng xã hội học tập thì kết quả mang lại mới thực sự vững chắc. Bởi trong mỗi gia đình học tập không chỉ có những người trong độ tuổi đến trường tích cực học tập, rèn luyện mà người lớn cũng tự lựa chọn cho mình nội dung, hình thức học tập phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh để có thêm kiến thức chăm sóc, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Và quan trọng hơn là khi xây dựng thành công gia đình học tập sẽ tạo tiền đề quan trọng giúp giáo dục nhà trường gắn kết chặt chẽ hơn với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, qua đó, tạo sự đồng thuận trong từng cộng đồng dân cư, thúc đẩy chủ trương xã hội hóa giáo dục và phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” trong các cơ sở giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu lao động, phát triển kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]