(Baothanhhoa.vn) - Vào những năm 1989, đồng bào dân tộc Mông (chủ yếu ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) di cư đến huyện Quan Sơn, hình thành nên 3 bản người Mông là Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy) và Ché Lầu (xã Na Mèo). Cũng giống như các huyện vùng cao khác của xứ Thanh, Quan Sơn có địa hình chia cắt, núi cao, suối sâu, nhiều hủ tục ăn sâu bén rễ vào nếp nghĩ… đã ghìm níu sự phát triển. Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của chính những người Mông tiên phong đổi mới, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở Quan Sơn đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ .

Đổi thay nơi bản làng đồng bào người Mông Quan Sơn (Bài 1): Gian nan hành trình đi tìm con chữ

Vào những năm 1989, đồng bào dân tộc Mông (chủ yếu ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) di cư đến huyện Quan Sơn, hình thành nên 3 bản người Mông là Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy) và Ché Lầu (xã Na Mèo). Cũng giống như các huyện vùng cao khác của xứ Thanh, Quan Sơn có địa hình chia cắt, núi cao, suối sâu, nhiều hủ tục ăn sâu bén rễ vào nếp nghĩ… đã ghìm níu sự phát triển. Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của chính những người Mông tiên phong đổi mới, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở Quan Sơn đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Đổi thay nơi bản làng đồng bào người Mông Quan Sơn (Bài 1): Gian nan hành trình đi tìm con chữCác em học sinh người dân tộc Mông học tập tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Quan Sơn.

Hành trình tìm đến con chữ của các thế hệ người Mông huyện Quan Sơn đã trải qua không ít thách thức. Để con đường tới trường của học sinh vơi bớt gian nan, bên cạnh các điểm trường chính, các điểm trường lẻ được xây dựng, đồng thời, sự chung tay của cộng đồng đã và đang tiếp sức cho các em đến trường.

Băng rừng tìm con chữ

Ở cái tuổi ngũ tuần, nhưng có lẽ chưa khi nào Thượng tá Sùng Văn Chứ, Phó trưởng Công an huyện Quan Sơn quên hành trình băng rừng, vượt núi đến với con chữ đầy khó nhọc của bản thân mình. “Nếu có thể, tôi muốn làm một bộ phim về hành trình đi học của bản thân mình để cho con cháu biết tôi đã phải nỗ lực như thế nào để có được ngày hôm nay”, Thượng tá Chứ chia sẻ.

Thượng tá Sùng Văn Chứ, sinh năm 1970, trong một gia đình người dân tộc Mông có 10 anh chị em. Ngay từ khi còn nhỏ Sùng Văn Chứ đã là một cậu bé ham học. May mắn là, tuy nghèo khó nhưng bố mẹ ông vẫn quyết tâm tạo mọi điều kiện để con được đến trường. Sùng Văn Chứ cũng là người duy nhất trong gia đình được đi học đầy đủ.

Lúc đầu gia đình Sùng Văn Chứ ở xã Pù Nhi (Mường Lát), sau đó chuyển sang sinh sống ở bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn). Lúc nhỏ học thì tự đi bộ đi học tại Mường Lát, sau này để tiếp tục đi học lên lớp 10, Sùng Văn Chứ phải đi bộ 3 ngày đêm từ xã Pù Nhi xuống Quan Hóa để bắt xe ra học tại Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc (là Trường Dân tộc nội trú Trung ương tại Thái Nguyên). Trong 3 ngày đêm cuốc bộ ấy, Chứ phải thức dậy từ khi trời còn chưa sáng, một mình cơm đùm, cơm nắm vượt rừng, vượt núi mà đi, tối đến lại xin trải chiếu ở sân những nhà ven đường ngủ nhờ, sáng sớm hôm sau lại tiếp tục lên đường. Chặng đường đi học gian khổ là vậy, nhưng khó nhất với Chứ có lẽ không phải là chuyện băng rừng, vượt núi mà là vượt qua chính mình. “Để được đi học ở Trường Dân tộc nội trú Trung ương, tôi nghe lời bố mẹ cưới vợ để có người chăm sóc bố mẹ ở nhà rồi mới được đi học. Khi tôi đang học ở Trường Dân tộc nội trú Trung ương thì nhận được thư của gia đình báo tin bố mẹ mất, nhưng khi nhận được tin về đến nhà thì mộ của bố mẹ cỏ đã mọc tốt bởi ngày đó thông tin liên lạc, đường sá, xe cộ đi lại vô cùng khó khăn. Tôi đã phải nhiều lần thức trắng đêm đấu tranh với chính mình: Tiếp tục đi học hay ở nhà lao động sản xuất lo cho gia đình?! Tôi nhớ mãi hình ảnh người anh trai thứ hai của mình chặt đổ cây từ bờ suối bên này vắt sang bờ suối bên kia, một mình bước dọc thân cây sang trước xem có nguy hiểm gì không rồi mới cho tôi đi sang sau khi trời mưa, nước suối dâng cao để tôi đến trường. Anh khuyên: “Nhà mình nghèo lắm, chẳng có gì cả nên em phải cố gắng học hành”, lời động viên của anh cùng sự khuyên bảo của thầy hiệu trưởng đã cho tôi thêm quyết tâm phải nỗ lực học tập để có kiến thức đóng góp sức mình xây dựng quê hương”, Thượng tá Sùng Văn Chứ chia sẻ.

“Tôi nhớ mãi hình ảnh người anh trai thứ hai của mình chặt đổ cây từ bờ suối bên này vắt sang bờ suối bên kia, một mình bước dọc thân cây sang trước xem có nguy hiểm gì không rồi mới cho tôi đi sang sau khi trời mưa, nước suối dâng cao để tôi đến trường. Anh khuyên: “Nhà mình nghèo lắm, chẳng có gì cả nên em phải cố gắng học hành”,...”.

Cũng giống như Thượng tá Sùng Văn Chứ, cô giáo Sung Thị Tông cũng có một hành trình đầy gian nan khi đến với con chữ và sau đó là mang con chữ về với bản làng. Sung Thị Tông sinh năm 1995 tại bản Xía Nọi, cách trung tâm xã Sơn Thủy gần 30 km và cách trung tâm huyện gần 70 km. Sung Thị Tông chia sẻ: “Nơi tôi sinh ra và lớn lên xung quanh chỉ là đồi núi bao phủ, tuổi thơ của tôi gắn liền với những con suối và ruộng nương. Tôi có 8 anh chị em và hầu hết các gia đình khác cũng vậy. Người Mông chúng tôi sinh con dày đến mức anh chị em mà nhìn như những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Ngày đó, tôi là 1 trong 7 đứa trẻ may mắn nhất trong bản khi được cắp sách tới trường. Chúng tôi đến lớp khi quần áo còn lấm lem bùn đất, có bạn còn chưa biết tự rửa mặt. Gọi là cùng lớp nhưng có bạn hơn tuổi, có bạn ít tuổi hơn tôi vì lớp tôi học là lớp ghép 3 trình độ. Phòng học của chúng tôi chật lắm nhưng thầy giáo vẫn phải kê 3 bảng ở 3 hướng khác nhau để dạy. Đồ dùng học tập của chúng tôi là những quyển sách, chiếc bút của thầy cô cho. Mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng ngày ngày tôi đều ấp ủ ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành cô giáo để có thể đem tri thức truyền đạt lại cho bao thế hệ trẻ thơ nơi tôi sinh ra. Và ước mơ ấy của tôi đã trở thành hiện thực khi năm 2016, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức, tôi trở thành cô giáo mầm non. Với lòng đam mê nghề giáo và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ tôi đã không quản ngại khó khăn, vất vả xung phong nhận nhiệm vụ đứng lớp tại điểm trường Mùa Xuân, thuộc Trường Mầm non xã Sơn Thủy”.

“Chúng tôi đến lớp khi quần áo còn lấm lem bùn đất, có bạn còn chưa biết tự rửa mặt. Gọi là cùng lớp nhưng có bạn hơn tuổi, có bạn ít tuổi hơn tôi vì lớp tôi học là lớp ghép 3 trình độ. Phòng học của chúng tôi chật lắm nhưng thầy giáo vẫn phải kê 3 bảng ở 3 hướng khác nhau để dạy. Đồ dùng học tập của chúng tôi là những quyển sách, chiếc bút của thầy cô cho. Mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng ngày ngày tôi đều ấp ủ ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành cô giáo...”.

Mùa Xuân là bản cách điểm trường chính và trung tâm xã 22 km, giáp với nước CHDCND Lào. Đồng bào sống tự cung tự cấp, dựa vào trồng ngô, trồng lúa trên nương. Để đến với điểm trường Mùa Xuân, cô giáo Sung Thị Tông phải vượt qua quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm và có nhiều đoạn chiều ngang con đường chỉ khoảng nửa mét, một bên là núi một bên là vực, nếu đi không cẩn thận sẽ rơi xuống vực bất cứ lúc nào. Nếu mùa khô thì đi xe máy sẽ mất khoảng hơn 5 giờ đồng hồ, còn đi bộ sẽ mất 1 ngày. Nhưng những khó khăn đó cũng không làm cô chùn bước mà càng thôi thúc bước chân cô nhanh đến điểm trường. Điểm trường nơi cô giáo Sung Thị Tông công tác, 100% đồng bào đều là dân tộc Mông, trẻ đến trường đều giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, không hiểu được tiếng Việt nên các hoạt động trên lớp chưa thu hút trẻ tham gia. Vì vậy, cô giáo Tông xác định việc cần làm đầu tiên là tăng cường vốn tiếng Việt cho trẻ. Tập cho trẻ nói tiếng phổ thông từ những câu đơn giản nhất. Cô Tông đã dạy trẻ học chữ, tô màu, hát múa, để trẻ được chơi với đồ chơi do cô tự làm… tạo cho trẻ niềm thích thú đến lớp học. Không quản khó khăn, vất vả, sau giờ dạy cô giáo Sùng Thị Tông lại đi vận động, tuyên truyền và huy động 100% trẻ mẫu giáo ra lớp và trực tiếp dạy các em.

Năm 2021, sau khi xung phong nhận nhiệm vụ ở những bản làng xa xôi, khó khăn nhất từ Mùa Xuân sang Xía Nọi, cô giáo Sung Thị Tông đã chuyển công tác theo chồng về dạy tại Trường Mầm non thị trấn Mường Lát (huyện Mường Lát), tiếp tục sự nghiệp mang con chữ đến với các trẻ em vùng cao.

Tiếp sức cho trẻ đến trường

Để con đường tới trường của các em học sinh tại các bản làng của huyện Quan Sơn vơi bớt gian nan, bên cạnh các điểm trường chính, các điểm trường lẻ được xây dựng để rút ngắn quãng đường đến trường của các em.

Điểm trường tiểu học Xía Nọi (xã Sơn Thủy) hiện có 24 học sinh được chia thành 2 lớp ghép 1 - 2 và 3 - 4 - 5. Hai thầy giáo Ngô Văn Hùng và Phạm Văn Thính chịu trách nhiệm giảng dạy tại điểm trường tiểu học Xía Nọi, một trong những bản xa xôi và khó khăn nhất của huyện Quan Sơn với 9,2 km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Thầy Ngô Văn Hùng cho biết: Vì điểm trường ở xa trung tâm xã nên chúng tôi phải ở lại trường. Cứ 1 hoặc 2 năm, giáo viên lại đảo vòng dạy tại các điểm trường khác nhau trong xã. 23 năm công tác tại Trường Tiểu học Sơn Thủy, tôi đã quay lại điểm trường Xía Nọi 3 vòng, 4 vòng ở khu Mùa Xuân, 2 vòng khu Khá và nhiều vòng ở các điểm trường khác trong xã. Sau 23 năm cảm nhận rõ sự thay đổi của bà con Nhân dân từ đời sống, phong tục, tập quán đến cách tư duy, suy nghĩ. Trước đây, các thầy cô giáo phải đến từng nhà vận động phụ huynh, học sinh ra lớp thì đến nay không còn phải vận động nữa, 100% học sinh ra lớp đúng độ tuổi. Tuy nhiên, ở bản Xía Nọi chưa có điểm trường THCS, do đó, học sinh muốn học THCS thì phải xuống trung tâm xã học bán trú hoặc xuống trung tâm huyện học nội trú.

“Cứ 1 hoặc 2 năm, giáo viên lại đảo vòng dạy tại các điểm trường khác nhau trong xã. 23 năm công tác tại Trường Tiểu học Sơn Thủy, tôi đã quay lại điểm trường Xía Nọi 3 vòng, 4 vòng ở khu Mùa Xuân, 2 vòng khu Khá và nhiều vòng ở các điểm trường khác trong xã...”.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Quan Sơn, cho biết: Năm học 2022-2023, trong tổng số 237 học sinh thì hiện có 12 em học sinh là người dân tộc Mông đang học tập tại trường. Các em đều là những học sinh được tuyển chọn, do đó ý thức học tập, rèn luyện rất tốt. Nhiều em có thành tích học tập xuất sắc như em Hơ Duy Lênh (người dân tộc Mông ở bản Ché Lầu, xã Na Mèo), từng đạt giải nhì môn Toán cấp huyện và là một trong những học sinh có điểm thi đầu vào cao nhất của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh hay em Thao An Ninh, hiện là học sinh lớp 9B của nhà trường cũng có thành tích rèn luyện, phấn đấu rất tốt.

Em Thao An Ninh chia sẻ: Nhà em ở bản Ché Lầu, cách trường rất xa. Còn nhớ những ngày đầu đến trường, em chưa quen nên rất nhớ nhà, muốn trốn trường bắt xe về nhà nhưng bị các thầy cô giáo phát hiện và giữ lại, quan tâm, động viên em cố gắng học tập, rèn luyện. Sau đó, em dần quen với thầy cô, bạn bè, trường lớp và nhận thấy trách nhiệm của mình phải học tập, rèn luyện thật tốt. Em muốn được học lên cấp 3, rồi học đại học để trở thành người có ích cho xã hội.

Từ những chính sách của Nhà nước dành cho học sinh vùng khó đã giúp con đường đến với con chữ của các em vơi bớt khó khăn. Chính sách đối với học sinh bán trú đã giúp tăng cường thể chất, nâng cao chất lượng học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng sống, khả năng nói tiếng Việt của học sinh… góp phần nâng chất lượng giáo dục huyện vùng cao Quan Sơn lên những bước phát triển mới. Ông Lê Sỹ Thuật, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn cho biết: Hiện 100% trẻ em người Mông đã đến trường đúng độ tuổi, tình trạng bỏ học giữa chừng đã được hạn chế; chất lượng dạy và học cũng có sự cải thiện. Để đạt được kết quả này, bên cạnh sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của cả hệ thống chính trị còn có cả đóng góp quan trọng của những người Mông tiên phong đi đầu trong học tập, rèn luyện, phấn đấu làm thay đổi tư duy cũ mòn trước đây, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]