(Baothanhhoa.vn) - Là khâu then chốt, đóng vai trò quyết định của chất lượng giáo dục, đội ngũ nhà giáo không chỉ là người chia sẻ kiến thức và kỹ năng mà còn là người góp phần nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn, hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ. Vì lẽ đó, việc chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) suốt quá trình xây dựng và phát triển của các nhà trường nói riêng, của ngành giáo dục nói chung.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đội ngũ nhà giáo – khâu then chốt của chất lượng giáo dục

Là khâu then chốt, đóng vai trò quyết định của chất lượng giáo dục, đội ngũ nhà giáo không chỉ là người chia sẻ kiến thức và kỹ năng mà còn là người góp phần nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn, hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ. Vì lẽ đó, việc chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) suốt quá trình xây dựng và phát triển của các nhà trường nói riêng, của ngành giáo dục nói chung.

Đội ngũ nhà giáo – khâu then chốt của chất lượng giáo dục

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho các nhà giáo có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.

Đầu tư cho phát triển GD&ĐT là đầu tư cho con người. Tạo điều kiện cho giáo dục đi trước, phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh nâng cao chất lượng dạy và học, ngành giáo dục luôn hướng trọng tâm vào đầu tư cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (QLGD). Theo đó, trong nhiều năm qua, ngành đã chú trọng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD, tạo bước chuyển biến về chất lượng và hiệu quả giáo dục; thường xuyên chỉ đạo sàng lọc, lựa chọn để xây dựng đội ngũ cán bộ QLGD gồm những người ưu tú và thực sự có năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn đổi mới. Tính riêng trong năm học 2017-2018 vừa qua, ngành đã tổ chức được 21 lớp với 1.241 cán bộ quản lý tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ QLGD; tổ chức 38 lớp với 28.400 lượt giáo viên tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở tất cả các cấp học, bậc học; phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Vinh tổ chức 15 lớp với 1.250 học viên bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Ngoài ra, toàn ngành có 224 cán bộ, giáo viên đi học thạc sĩ... Qua các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trình độ đào tạo của đội ngũ nhà giáo ngày càng được nâng lên, tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng tăng. Hiện nay, toàn ngành giáo dục tỉnh nhà có hơn 50.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 99,97%, trên chuẩn 76,1%. Cụ thể với giáo dục mầm non đạt chuẩn 100% (trên chuẩn là 79,66%); giáo dục tiểu học đạt chuẩn 100% (trên chuẩn 89,74%); THCS đạt chuẩn 99,97% (trên chuẩn 83,07%); THPT đạt chuẩn 99,96% (trên chuẩn 19,85%); giáo dục thường xuyên, đạt chuẩn 98,64% (trên chuẩn 10,68%).

Xuất phát từ việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, ngành giáo dục đã tạo được bước chuyển quan trọng về chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là chất lượng mũi nhọn, với nhiều học sinh tham gia và đạt giải cao tại các kỳ thi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế các môn văn hóa trong 5 năm gần đây, Thanh Hóa liên tục trong tốp đầu của giáo dục cả nước. Bên cạnh đó, toàn ngành đã duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Ngoài ra, chất lượng giáo dục khu vực miền núi cũng có bước chuyển rõ rệt, với nhiều học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh các môn văn hóa, qua đó, từng bước giảm sự chênh lệch giữa miền núi với miền xuôi về chất lượng giáo dục. Đây cũng là kết quả của sự tâm huyết, yêu nghề, cũng như sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ nhà giáo trong việc hoàn thiện và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sự quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ nhà giáo của ngành. Tuy nhiên, đánh giá về thực trạng đội ngũ nhà giáo, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo vẫn còn những bất cập, hạn chế, khó khăn, trở ngại. Đơn cử như tình trạng thiếu giáo viên bậc mầm non và giáo viên các môn đặc thù bậc tiểu học, trong khi giáo viên bậc THCS thừa, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Một bộ phận giáo viên vẫn còn làm việc dựa trên kinh nghiệm, chưa thật sự đổi mới phương pháp, đổi mới đánh giá; chưa gắn kết hoạt động giảng dạy với thực tiễn đời sống. Thậm chí có biểu hiện thiếu trách nhiệm và tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, việc phối hợp, kết hợp giữa ngành GD&ĐT với chính quyền địa phương trong công tác tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giáo viên chưa chặt chẽ...

Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là một quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ QLGD đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn trình độ đào tạo là nội dung được đặc biệt chú trọng. Để tạo được bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhiều người cho rằng, về lâu dài, ngành giáo dục cần xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo; cán bộ QLGD các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý. Song song với đó là đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD. Việc tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ QLGD phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý toàn ngành và có giải pháp đào tạo lại để bố trí công việc khác phù hợp với khả năng của từng người. Đặc biệt, để thực hiện tốt hơn vai trò, vị trí của mình, mỗi giáo viên cần nỗ lực rèn luyện, phấn đấu tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy với nghề nghiệp, có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức, lối sống mẫu mực, trong sáng... nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới giáo dục và mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]