(Baothanhhoa.vn) - Phân luồng học sinh sau THCS là giải pháp tích cực của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nhằm hướng nghiệp cho học sinh (HS), phát triển giáo dục nghề nghiệp, hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo cho bậc THPT. Thời gian qua, mặc dù công tác phân luồng học sinh sau THCS ở tỉnh ta đã đạt được một số kết quả nhất định, song nhìn chung, việc phân luồng vẫn gặp không ít khó khăn khiến kết quả chưa được như mong muốn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Công tác phân luồng học sinh sau THCS vẫn gặp khó. Vì sao?

Phân luồng học sinh sau THCS là giải pháp tích cực của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nhằm hướng nghiệp cho học sinh (HS), phát triển giáo dục nghề nghiệp, hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo cho bậc THPT. Thời gian qua, mặc dù công tác phân luồng học sinh sau THCS ở tỉnh ta đã đạt được một số kết quả nhất định, song nhìn chung, việc phân luồng vẫn gặp không ít khó khăn khiến kết quả chưa được như mong muốn.

Công tác phân luồng học sinh sau THCS vẫn gặp khó. Vì sao?

Cần nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS. Trong ảnh: Lớp học nghề nấu ăn tại Trường Trung cấp nghề Thương mại Du lịch Thanh Hóa. Ảnh: tư liệu

Mục tiêu khó hoàn thành

Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề, 70% HS vào THPT và Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án: “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng.

Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, việc phân luồng HS sau THCS chỉ đạt mức bình quân 18,2%/năm. Thống kê của Sở GD&ĐTcho biết, từ năm học 2014 – 2015 đến năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh có 218.895 em HS tốt nghiệp THCS, trong đó có 33.026 em vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) và 6.681 em vào học tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Trong đó, 90% số HS theo học tại các trường này xuất phát từ nguyên nhân các em không đỗ vào lớp 10, khối THPT, chỉ có 10% các em lựa chọn học nghề ngay từ ban đầu. Kết quả này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đã đặt ra trong Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5–12–2011 của Bộ Chính trị và Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14–5–2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Phạm Ngọc Bích, Hiệu trưởng Trường THCS xã Đông Tiến (Đông Sơn), cho biết: Năm học 2017 – 2018, trường có 67 HS tốt nghiệp THCS, trong đó có 61 HS theo học tại các trường THPT, chỉ có 4 em theo học tại các trường trung cấp nghề và 2 em học tại trung tâm GDNN – GDTX huyện (do không thi đỗ vào lớp 10 trường THPT nên bắt buộc phải học tại trung tâm GDNN – GDTX và trường trung cấp nghề). Mặc dù, mỗi năm, nhà trường đều tổ chức 9 tiết hướng nghiệp và đều mời phụ huynh tham gia. Hằng tuần, giáo viên chủ nhiệm đều lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào các tiết sinh hoạt để các em hiểu rõ về năng lực, sở trường của bản thân cũng như xu hướng, nhu cầu nghề nghiệp của xã hội. Tuy nhiên, người quyết định vẫn là phụ huynh.

Còn nhiều rào cản

Tâm lý “Không ai muốn con mình làm thợ” và “Đại học là con đường duy nhất” đã ăn sâu vào tiềm thức của hầu hết những người làm cha mẹ. Và việc con em mình không thể thi đỗ vào trường THPT gần như là điều khó chấp nhận, là một sự xấu hổ cho gia đình. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, con mới học hết lớp 9, còn quá nhỏ để theo học tại các trường nghề. Trong trường hợp bất đắc dĩ, khi năng lực của con quá yếu và không đỗ vào trường THPT thì học tại trung tâm GDNN – GDTX hoặc học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề mới là lựa chọn cuối cùng. Một phụ huynh có con đang theo học tại một trường THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa chia sẻ rằng: “Bây giờ chất lượng đời sống cao hơn nhiều so với trước đây nên rất nhiều gia đình cho con đi du học. Nếu gia đình mình không đủ điều kiện về tài chính để cho con đi du học giống họ thì chí ít cũng phải có tấm bằng đại học. Muốn xin được việc trước tiên phải có tấm bằng đại học hoặc ít ra là cao đẳng”.

Trong khi đó, ở nước ta, ở độ tuổi học hết bậc THCS, các em vẫn chưa thể tự lập để lựa chọn con đường đi phù hợp với năng lực và sở thích cá nhân mà vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Dường như, “cha mẹ đã quyết thì con không còn lựa chọn nào khác”. Do vậy, việc định hướng nghề nghiệp không dựa vào năng lực, sở thích của HS mà dựa theo phong trào và ý kiến người thân. Trong khi đó, phụ huynh chưa hoặc ít được tiếp cận với các thông tin về nhu cầu việc làm của thị trường lao động để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Đây gần như là nguyên nhân quan trọng nhất khiến công tác phân luồng HS sau THCS gặp khó. Và để thay đổi được tâm lý của phụ huynh cũng là điều không hề dễ dàng.

Khi tâm lý của phụ huynh HS muốn con nhất định phải tốt nghiệp cấp 3 và có bằng đại học thì cánh cửa để các em bước vào các trường THPT, trường đại học, cao đẳng lại rộng mở. Thầy Trịnh Huy Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, cho rằng: “Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm trên địa bàn huyện gần như tương đương với số HS tốt nghiệp THCS. Như vậy rõ ràng, các em sẽ lựa chọn thi vào lớp 10 trường THPT. Nếu các em không học trường công lập thì vẫn có thể học tại các trường tư thục, chỉ những trường hợp điểm quá thấp, không thể đỗ thì các em mới chuyển sang học bổ túc hoặc học nghề”.

Khảo sát một số trường THCS trên địa bàn tỉnh, công tác phân luồng HS còn dựa vào điểm số. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến số HS lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Bởi lẽ, việc dựa vào điểm số để phân luồng đối tượng vô tình tạo nên sự mặc cảm trong tâm lý phụ huynh và HS. Cụ thể, khi tiến hành phân luồng, giáo viên thường chú ý vào nhóm đối tượng là HS có lực học yếu, hổng kiến thức căn bản, khó có khả năng đỗ khi thi vào trường THPT để đi học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Điều này không sai nhưng lại tạo cho phụ huynh và HS một mặc cảm nhất định.

Việc các trường phổ thông thời gian qua chưa có đội ngũ chuyên trách công tác hướng nghiệp cũng là một rào cản lớn khiến việc phân luồng HS sau THCS gặp khó. Hằng năm, những tiết học hướng nghiệp chủ yếu do giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm. Do vậy, việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp chưa được tiến hành sâu sát, thậm chí là “cưỡi ngựa xem hoa” dẫn đến HS nắm bắt thông tin một cách hời hợt.

Cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ

Để đạt kết quả phân luồng HS theo chỉ tiêu Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị đưa ra, cũng như người học nghề không bị mặc cảm, trước tiên cần phải giúp người lao động, phụ huynh hiểu rõ hơn về GDNN, phân luồng HS sau THCS, thị trường lao động, nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay và trong tương lai.

Sở GD&ĐT cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nâng cao nhận thức cho phụ huynh, HS và cả giáo viên phụ trách tư vấn hướng nghiệp ở các trường. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp và tư vấn phân luồng HS. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp, nội dung giáo dục hướng nghiệp.

Chú trọng nhiều hơn việc cung cấp thông tin nghề nghiệp cho các em, gắn kết chặt chẽ giữa các nhà trường với cơ sở đào tạo nghề. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phụ trách tư vấn, hướng nghiệp ở các trường THCS. Huy động các nguồn lực xã hội xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo nghề, giáo dục hướng nghiệp và tư vấn HS. Đặc biệt, cần quan tâm tuyên truyền về những tấm gương thợ giỏi, làm nghề giỏi, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”; việc hàng chục nghìn cử nhân ra trường không có việc làm trong khi nhu cầu cần thợ giỏi lại rất lớn, nhưng không có để tuyển dụng... Điều này sẽ đánh mạnh vào tâm lý xã hội “có kém mới phải đi làm thợ”, “dốt mới không đỗ THPT”, từ đó giúp HS và phụ huynh HS tự tin cho con vào học các trường nghề, không còn tâm lý “xấu hổ” đồng thời giảm chi phí tốn kém cho gia đình và xã hội.

Khánh Đan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]