(Baothanhhoa.vn) - Vì thiếu nhiều kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để sàng lọc, phân biệt và xử lý các thông tin tốt - xấu, đúng - sai từ Internet... nên trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương khi tiếp cận thông tin trên môi trường mạng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Tạo “tấm lá chắn” từ trong gia đình

Vì thiếu nhiều kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để sàng lọc, phân biệt và xử lý các thông tin tốt - xấu, đúng - sai từ Internet... nên trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương khi tiếp cận thông tin trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Tạo “tấm lá chắn” từ trong gia đình

Cô trò Trường Mầm non Nobel (TP Thanh Hóa) trong giờ chơi.

Đã gần 1 tháng kể từ khi học sinh được nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19, cũng là chừng ấy thời gian chị Mai Anh (TP Thanh Hóa) “giấu” cậu con trai 7 tuổi trong nhà. Để con ở cùng với ông bà nội, vợ chồng chị yên tâm đi làm. Còn cu Bin cũng được ông bà chăm sóc cẩn thận, đặc biệt là không cho bước chân ra đường. Ngoài thời gian làm một số bài tập cho đỡ quên kiến thức, chị Mai Anh cũng không ép cu cậu học nhiều. Nhưng vì thời gian dỗi dãi khá nhiều, lại không được ra ngoài chơi, nên trò giải trí thường xuyên nhất của cu Bin là xem hoạt hình. Tivi kết nối Internet, công nghệ thạo hơn cả ông bà, nên cu cậu dễ dàng tìm kiếm được các bộ phim, các video yêu thích trên youtube.

Chị Mai Anh tâm sự: Vì biết cu cậu rất thạo các thao tác tìm kiếm trên Internet, ông bà vừa không am hiểu lại vừa chiều cháu, mà bố mẹ lại không thể kiểm soát được khi phải đi làm. Vậy nên, chị đã cài đặt chế độ tìm kiếm an toàn dành cho trẻ em. Tưởng vậy là yên tâm, nhưng gần đây chị mới “tá hỏa” khi thấy con rất ham xem một kênh streamer (kênh của người vừa chơi game vừa thuyết minh). Kiểm tra chị mới biết, trong đó có những trò chơi khá kinh dị, gây sốc và thi thoảng kèm theo những lời bình luận thô tục của người chơi. Ngay lập tức, chị cấm cu Bin truy cập vào kênh streamer này. Đồng thời, giới hạn thời gian xem tivi và chỉ cho phép con được xem một số phim hoạt hình yêu thích. Ngoài ra, chị cũng tăng số lượng bài tập, xem như một cách để cu cậu “giết thời gian” khi bố mẹ đi làm. Mặc dù vậy, chị Mai Anh cũng không hoàn toàn yên tâm về cách giải quyết của mình. Bởi theo chị, dù chỉ giới hạn cho con xem một số phim hoạt hình, nhưng nội dung các phim này, có đôi khi cũng chưa thật phù hợp với độ tuổi của cu Bin. Đó là chưa kể, khi vắng mặt bố mẹ, có thể cu cậu vẫn sẽ tìm những bộ phim khác mà chưa được sự cho phép.

Trong khi hầu hết các trò chơi dân gian gần như vắng bóng trong đời sống, các hoạt động thể chất không phải lúc nào trẻ cũng có thể tham gia, do lịch học dày đặc hoặc do bản thân cha mẹ cũng không muốn trẻ tham gia. Đặc biệt trẻ em ngày càng lười vận động và dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi mỗi ngày cho tivi, điện thoại thông minh. Và hơn hết, khi Internet trở thành “thế giới song song” gắn chặt với đời sống thực, thậm chí còn đa dạng, hấp dẫn hơn thế giới thực... Cho nên, cũng không có gì khó hiểu khi trò chơi điện tử trở thành một môn “thể thao vận động” và khám phá thế giới ảo được say mê, yêu thích hơn thế giới thực. Ngay cả không ít người lớn hiện nay, cũng không thể dời được chiếc điện thoại thông minh và càng không thể sống thiếu Internet; thì cũng dễ lý giải về sức hấp dẫn của nó đối với trẻ nhỏ.

Chỉ có điều, Internet là thế giới khổng lồ của thông tin, nhưng cũng đầy rẫy điều tệ hại. Trong khi, trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương khi tiếp cận thông tin trên môi trường mạng. Đơn giản vì trẻ thiếu nhiều kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để sàng lọc, phân biệt và xử lý các thông tin tốt - xấu, đúng - sai từ Internet. Và do đó, trẻ dễ dàng bị “tấn công” bằng những hình ảnh, video xấu độc tràn lan trên mạng. Đó là chưa kể việc trẻ cũng dễ dàng bắt chước và chuyển hóa các thông tin, hình ảnh trên mạng thành ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi. Thậm chí, không ít nội dung ám ảnh đã hằn lên tính cách, lối suy nghĩ, lối ứng xử và tư duy của trẻ.

Một nghiên cứu gần đây đã đưa ra nhận định khá đáng buồn, rằng Việt Nam là một trong những quốc gia nằm ở top cuối về văn hóa ứng xử trên môi trường mạng. Khi tham gia mạng xã hội, con người càng ngày càng dễ bị tổn thương vì bị kỳ thị, bị chỉ trích, chê bai, chửi bới, thậm chí bị lăng mạ về nhan sắc, giới tính, lối sống... Nhiều người lớn dùng mạng xã hội còn thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng và đặc biệt là thiếu văn hóa, thì dễ hiểu khi trẻ tiếp xúc với môi trường ảo lại càng chịu tác động, ảnh hưởng ghê gớm. Chẳng hạn, nhiều người thích khoe con dễ thương, thông minh, xinh đẹp... trên mạng xã hội. Thế nhưng, họ không ý thức được rằng, những tấm ảnh dễ thương ấy có thể là đích ngắm của những kẻ chuyên sưu tầm và cung cấp hình ảnh trẻ em cho các web đen, web nhận con nuôi, hoặc tồi tệ hơn là khiến trẻ có nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ bắt cóc, buôn bán người, xâm hại...

Khi mà vẫn thiếu các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, nhằm quản lý và xử lý các tổ chức, cá nhân đăng tải, chia sẻ, cổ vũ cho các thông tin, nội dung xấu độc, không phù hợp, đặc biệt là nội dung dành cho trẻ em. Khi mà những bộ lọc được các hãng công nghệ cài đặt sẵn, với mục đích giúp người sử dụng kiểm soát thông tin; song, rõ ràng là không có bộ lọc nào hoàn hảo tuyệt đối, có thể lọc sạch “rác độc”. Vậy thì, giải pháp hay cơ chế phòng tránh những tác động không mong muốn từ môi trường mạng đến trẻ em, lại đến từ chính nhận thức và hành vi của các bậc cha mẹ. Đó là không để trẻ tự bơi trong một thế giới rộng lớn và đầy rẫy cạm bẫy của Internet. Song, có một thực tế không thể phủ nhận, Internet nói chung, trong đó có các mạng xã hội, hiện là nguồn cung cấp thông tin và sáng tạo nội dung vô tận. Ở đó, trẻ có thể học tập được nhiều kỹ năng và kiến thức thú vị, thiết thực. Cho nên, việc cấm đoán sẽ là không phù hợp, thậm chí, đôi khi có thể gây ra tác dụng ngược lại, khi trẻ vẫn tìm cách để tiếp cận.

Thay vào đó, hãy xem cùng với con, để hiểu biết, định hướng và kiểm soát các nội dung không phù hợp đối với trẻ. Đó chính là lời khuyên được nhiều chuyên gia dành cho các bậc cha mẹ lúc này, nếu muốn bảo vệ con em mình một cách hữu hiệu trên môi trường mạng.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]