(Baothanhhoa.vn) - Năm học mới bắt đầu cũng đồng nghĩa với việc số lượng xe máy, xe máy điện do các em học sinh điều khiển tham gia giao thông tăng cao gấp 2-3 lần so với thời gian nghỉ hè. Giờ đây, các em học sinh từ cấp THCS cho tới THPT sử dụng xe máy điện, thậm chí xe máy là khá phổ biến không chỉ ở các đô thị lớn, mà còn tăng nhanh tại khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh. Song song với đó là tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển các loại phương tiện nói trên vi phạm Luật Giao thông cũng ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Báo động tình trạng thanh, thiếu niên học sinh điều khiển xe máy, xe máy điện vi phạm Luật Giao thông

Năm học mới bắt đầu cũng đồng nghĩa với việc số lượng xe máy, xe máy điện do các em học sinh điều khiển tham gia giao thông tăng cao gấp 2-3 lần so với thời gian nghỉ hè. Giờ đây, các em học sinh từ cấp THCS cho tới THPT sử dụng xe máy điện, thậm chí xe máy là khá phổ biến không chỉ ở các đô thị lớn, mà còn tăng nhanh tại khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh. Song song với đó là tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển các loại phương tiện nói trên vi phạm Luật Giao thông cũng gia tăng.

Cần tăng cường kiểm tra xử lý tình trạng các em học sinh điều khiển xe máy, xe máy điện vi phạm luật giao thông.

Trong đó, TP Thanh Hóa được xem là địa bàn “nóng” nhất về tình trạng nói trên. Theo thống kê chưa đầy đủ, thanh, thiếu niên, trong đó chủ yếu là học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông chiếm tỷ lệ khá cao trong con số về xử phạt của các cơ quan chức năng. Chỉ chưa đầy 1 tháng ra quân của đợt cao điểm kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện xe máy, xe máy điện, Công an TP Thanh Hóa đã xử lý hàng trăm trường hợp người điều khiển vi phạm, trong đó thanh, thiếu niên, học sinh chiếm tỷ lệ gần 2/3.

Điều đáng nói là các cơ quan chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng công an đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, tạo sự răn đe song sự chuyển biến về nhận thức, ý thức của nhiều thanh, thiếu niên, học sinh vẫn còn chậm, thậm chí có một bộ phận còn có thái độ coi thường pháp luật. Điển hình là tại khu vực cổng của một số trường THPT trên địa bàn TP Thanh Hóa, các em học sinh dù mới chỉ học lớp 10 – 11 nhưng đã được gia đình sắm xe máy để đi học dù biết con em mình chưa đủ tuổi. Ngoài ra, lợi dụng việc điều khiển xe máy dưới 50cc thì không cần có giấy phép lái xe nên nhiều phụ huynh đã sắm loại xe này cho con em đi học. Trong khi đó, loại phương tiện này khi tham gia giao thông vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ và vẫn có thể đạt tới tốc độ 60-70 km/h. Chưa kể, tình trạng học sinh điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng ngang, chở quá số người quy định, vi phạm tín hiệu đèn giao thông, lạng lách, đánh võng... là khá phổ biến và rất dễ dàng bắt gặp vào giờ tan học ngay phía ngoài cổng các trường học.

Tương tự, trên địa bàn các địa phương khác, nhất là khu vực nông thôn, tình trạng vi phạm cũng không thua kém. Thanh, thiếu niên, học sinh điều khiển xe máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm chiếm gần 50%, kế đó là đi ngược chiều, dàn hàng ngang, chở quá số người quy định...

Trước tình trạng trên, công tác tuyên truyền, giáo dục về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ đã được các trường học, cơ quan công an quan tâm tăng cường. Theo đồng chí Lường Thanh Quyết, Đội phó Đội tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt Công an tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền, giáo dục về việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đã được phòng cùng với công an các địa phương, các nhà trường triển khai ngay từ đầu năm học mới dưới nhiều hình thức, áp dụng các mô hình. Hiệu quả của các đợt tuyên truyền, giáo dục nói trên là khá tốt, tuy vậy, vẫn còn một bộ phận học sinh, thanh, thiếu niên có biểu hiện bất chấp, coi thường pháp luật. Có trường hợp vi phạm nhiều lần, tạm giữ phương tiện, thông báo tên tuổi về nhà trường, gia đình nhưng khi ra đường vẫn tái phạm. Đối với những trường hợp như trên, lực lượng CSGT vẫn phải xử lý nghiêm khắc theo quy định đồng thời tiếp tục giáo dục.

Tuy vậy, qua tìm hiểu thực tế, việc xử lý vi phạm của thanh, thiếu niên, học sinh khi điều khiển xe máy, xe máy điện tại một số địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn chưa thực sự quyết liệt. Ngoại trừ một vài đợt ra quân cao điểm, lực lượng chức năng vẫn “bỏ qua” khá nhiều. Điều này càng làm ý thức của một bộ phận thanh, thiếu niên về chấp hành Luật Giao thông đường bộ trở nên kém hơn, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, coi thường pháp luật.

Theo lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, sau gần 1 tháng ra quân xử lý vi phạm đối với người điều khiển xe máy, xe máy điện trên địa bàn toàn tỉnh, trong số hơn 1.000 trường hợp vi phạm bị xử lý, các đối tượng là thanh, thiếu niên, học sinh chiếm gần 1 nửa. Toàn bộ các trường hợp vi phạm này đều bị xử phạt ở mức cao nhất, đồng thời thông báo về nhà trường nơi học tập và địa phương nơi cư trú. Những trường hợp vi phạm cá biệt như có dấu hiệu đua xe, tổ chức đua xe, chống đối lực lượng chức năng... căn cứ theo quy định của pháp luật sẽ xử phạt nghiêm tạo sức răn đe, góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông, hạn chế những tai nạn, xây dựng văn hóa giao thông ngay từ nhà trường, gia đình...


Bài và ảnh: Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]