Gia tăng trải nghiệm cho du khách tại các di tích, điểm du lịch
Thời gian qua các ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa và các địa phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh đã không ngừng xây dựng, đa dạng các sản phẩm du lịch, mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách.
Lễ rước bóng Thánh mẫu tại lễ hội đền Phố Cát, thị trấn Vân Du (Thạch Thành).
Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào du lịch được coi là giải pháp và cách tiếp cận hiện đại, phù hợp với xu hướng mới để gia tăng trải nghiệm cho du khách. Bởi vậy, tại nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã bắt đầu triển khai ứng dụng số hóa thông tin. Mới đây nhất, Tỉnh đoàn đã tổ chức chương trình khánh thành công trình thanh niên cấp tỉnh “Số hóa thông tin Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập” ở xã Xuân Lộc (Hậu Lộc). Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phùng Tố Linh cho biết: Nhằm tri ân và tôn vinh những công lao to lớn đối với cách mạng của đồng chí Lê Hữu Lập - người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời giúp đoàn viên, thanh niên, du khách đến tham quan khu tưởng niệm dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Lê Hữu Lập, Tỉnh đoàn đã triển khai xây dựng công trình. Hiện công trình đã hoàn thiện với hình thức trực tuyến và ứng dụng công nghệ thực tế ảo. Du khách chỉ cần thao tác đơn giản trên điện thoại hoặc các thiết bị thông minh quét mã QR... là có thể dễ dàng tìm hiểu vị trí địa lý và các thông tin, sự kiện, dữ liệu lịch sử về đồng chí Lê Hữu Lập một cách trực quan, sinh động. Việc triển khai công trình được coi là bước đột phá trong công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Đồng thời, góp phần tiết kiệm kinh phí trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch và gia tăng sức hút, trải nghiệm, kích thích sự tò mò, khám phá của du khách. Đây cũng là cách làm tạo sự mới mẻ hơn cho chuyến tham quan của du khách và làm sống động các điểm đến.
Cùng với việc số hóa, các địa phương, doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới, nâng cấp các sản phẩm du lịch hiện có và hình thành những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của du khách, như tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa - thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, mua sắm, giải trí đêm và giới thiệu văn hóa ẩm thực...
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành Lê Thị Hương, cho biết: Thạch Thành là vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh quan kỳ thú, nhiều nét văn hóa đặc sắc, thế nhưng chỉ khi những nét đẹp ấy được chăm chút, đầu tư kỹ lưỡng, cùng sự linh hoạt, sáng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để giới thiệu và làm gia tăng trải nghiệm cho du khách thì mới nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút du khách quay lại nhiều hơn. Bởi vậy, những năm qua huyện đã chú trọng phát triển du lịch theo hướng “một điểm đến, đa dịch vụ”. Chẳng hạn, đối với du lịch văn hóa tâm linh, huyện đã chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích như: Đền Phố Cát, chùa Cảnh Yên, đình Mường Đòn, hang Con Moong, chiến khu Ngọc Trạo... Đồng thời, chú trọng khôi phục và tổ chức các lễ hội truyền thống để tạo sức hấp dẫn cho du khách khi đến thăm các di tích. Mới đây, huyện đã phục dựng và tổ chức thành công Lễ hội đền Phố Cát (thị trấn Vân Du) gắn liền với đền Phố Cát là nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Lễ hội được phục dựng và tổ chức thu hút đông đảo Nhân dân và du khách, góp phần quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch, hình ảnh đất và người Thạch Thành đến bạn bè.
Tỉnh Thanh Hóa với hệ thống di tích lịch sử- văn hóa phong phú, đa dạng, mỗi di tích đều ẩn chứa những câu chuyện về mảnh đất và con người nơi đây. Những năm qua nhiều di tích đã được quan tâm đầu tư, tôn tạo và đẩy mạnh việc kết nối với các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, đến nay một số di tích tiêu biểu của tỉnh như Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Khu Di tích lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, Di tích Đình Hàm Hạ (Đông Sơn), đền Lê Đình Kiên, núi và đền Đồng cổ (Yên Định)... đều thu hút đông du khách đến tham quan. Cùng với đó, tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh nhờ làm mới mình qua việc tích cực đổi mới, nâng cấp về quy mô, nội dung và chất lượng sản phẩm du lịch, đặc biệt là phát triển các loại hình du lịch gắn với các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao truyền thống và hiện đại, du lịch gắn với nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe... nên đã mang đến những trải nghiệm mới mẻ.
Từ những kết quả trong xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch cùng những chính sách, giải pháp mang tính đột phá của tỉnh, du lịch Thanh Hóa đã và đang là điểm “dừng chân” của nhiều du khách. Từ đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2025-01-15 14:19:00
Chuyến từ thiện đầu tiên của Hoa hậu Kiều Duy tại quê nhà hậu đăng quang
-
2025-01-15 14:17:00
“Hòa nhạc ánh sáng”: Lần đầu tiên drone trình diễn trên nền nhạc sống
-
2024-04-04 22:43:00
Phong vị “Vườn treo” trên vùng đất Đế vương
Khách quốc tế mê mệt Bãi Kem - Top bãi biển đẹp nhất hành tinh ở Phú Quốc
Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Tuần lễ văn hóa - du lịch - ẩm thực Thọ Xuân năm 2024
Lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội năm 2024
Lễ hội Du lịch biển Hải Tiến năm 2024 sẽ khai mạc ngày 29/4
Thường Xuân đón hơn 81.000 lượt khách du lịch trong quý I năm 2024
[Podcast] - Tản văn: Vũ khúc tháng tư
“ Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An” năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26/4 đến 1/5
Đặc sắc chương trình văn nghệ chào mừng 59 năm Hàm Rồng chiến thắng
TP Thanh Hoá đón được 481 nghìn lượt khách trong 3 tháng đầu năm 2024