(Baothanhhoa.vn) - Chỉ trong khoảng 2 tháng (tháng 5 và 6-2019), Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến liên tiếp xảy ra các “sự cố” đuối nước, ngộ độc thực phẩm và gây rối trật tự công cộng. Điều đáng bàn trong các sự việc không chỉ là sức khỏe, tính mạng của khách mà du lịch nơi đây cũng bị ảnh hưởng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, an toàn: Cần sự cộng đồng trách nhiệm

Chỉ trong khoảng 2 tháng (tháng 5 và 6-2019), Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến liên tiếp xảy ra các “sự cố” đuối nước, ngộ độc thực phẩm và gây rối trật tự công cộng. Điều đáng bàn trong các sự việc không chỉ là sức khỏe, tính mạng của khách mà du lịch nơi đây cũng bị ảnh hưởng.

Xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, an toàn: Cần sự cộng đồng trách nhiệm

Khách du lịch đến tham quan Khu Di tích Lam Kinh.

Được biết, sau các sự việc đáng tiếc vừa nêu, UBND huyện Hoằng Hóa và Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp cấp bách. Theo đó, Công an huyện đã tăng cường cán bộ, chiến sĩ bảo đảm công tác an ninh trật tự; tăng cường lực lượng cứu hộ, cứu nạn thường xuyên túc trực trên bãi biển, nhằm kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Đồng thời, bổ sung thêm các chòi quan sát trên bãi biển và đầu tư thêm một số phương tiện phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe điện 4 bánh (xe không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không có đăng ký đăng kiểm, người điều khiển xe không có giấy phép lái xe, thiếu văn minh, trên xe chưa có bảng niêm yết giá...). Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh du lịch, vệ sinh môi trường bãi biển... cũng được chú trọng hơn.

Những động thái tích cực của chính quyền địa phương, nhằm bảo đảm an toàn cho du khách và tình hình an ninh trật tự trong khu du lịch, là cần thiết. Song, để du khách không quay lưng lại với các hoạt động du lịch, thiết nghĩ, vẫn còn là câu chuyện dài. Trước khi khu du lịch chính thức mở cửa đón khách, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã sẵn sàng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch. Trong đó, Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Đồn Biên phòng Hoằng Trường và các xã, các doanh nghiệp trong khu du lịch, là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, công an huyện cũng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát động các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, tố giác tội phạm; thành lập 1 tổ thường trực tại khu du lịch, nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, cứu hộ, cứu nạn.

Chưa hết, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một nội dung quan trọng. Nhiều lớp tập huấn được tổ chức; nhiều đợt kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh được tiến hành; nhiều Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã được cấp cho các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng; nhiều đơn vị có liên quan như phòng y tế, bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế huyện và UBND các xã, thị trấn có tên trong “ban” phòng chống dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó là các kế hoạch, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch được mở; nhiều công văn chỉ đạo các xã, các doanh nghiệp bảo đảm các điều kiện và nâng cao năng lực đón khách. Đồng thời, nhiều biện pháp chấn chỉnh nhằm đưa hoạt động du lịch đi vào nền nếp; xử lý các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định trong hoạt động du lịch, cũng đã được địa phương chú trọng thực hiện... Thế nhưng, những sự cố vẫn phát sinh, bất chấp các phương án và giải pháp của chính quyền.

Tất nhiên, trong mọi sự cố đều có nguyên nhân chủ quan và khách quan của nó. Và do đó, nếu chỉ phán xét sự việc ở phía cơ quan quản lý Nhà nước, thiết nghĩ, cũng là phiến diện. Bởi, ý thức, trách nhiệm của mỗi du khách đối với sự an toàn của bản thân cũng là điều cần được nhấn mạnh. Con số hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn du khách đổ về các khu du lịch biển vào đợt cao điểm, có thể gây áp lực không nhỏ lên hạ tầng, cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ và môi trường khu du lịch. Và do đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý các ngành, đơn vị, địa phương cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Trong Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, cải thiện du lịch được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cải thiện môi trường du lịch trước hết được gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về du lịch bền vững, về phong cách, nếp sống theo hướng văn minh, lịch sự. Đồng thời, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, gắn với cải cách hành chính và tạo điều kiện về cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Cùng với đó, chính quyền địa phương có trách nhiệm xây dựng và triển khai các quy định, phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn cấp cứu biển; vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của du khách...

Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch, môi trường du lịch Thanh Hóa đã được cải thiện một bước. Trong đó, đáng nói nhất là nhiều ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội như Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đoàn thanh niên... đã tổ chức xây dựng mô hình triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương trọng điểm du lịch đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết. Thiết lập lại trật tự các khu dịch vụ, điểm trông giữ xe; quy hoạch, bố trí, sắp xếp dịch vụ kinh doanh du lịch, bảo đảm không gian thông thoáng, thuận tiện cho khách du lịch tham quan và nghỉ dưỡng. Ngoài ra, các khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến cũng duy trì hoạt động các số điện thoại đường dây nóng, để kịp thời nắm bắt thông tin và hỗ trợ du khách, giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi, an toàn tính mạng và tài sản. Đến nay, hiện tượng “chặt chém”, bắt chẹt du khách bước đầu được kiểm soát; tình trạng ăn xin, bán hàng rong tại các khu, điểm du lịch từng bước được đẩy lùi.

Mặc dù vậy, cần khách quan nhìn nhận, bên cạnh những việc làm được, thì bài toán cải thiện môi trường du lịch vẫn chưa có được lời giải thỏa đáng. Môi trường du lịch, mà cái lõi của nó là văn hóa du lịch, hay các yếu tố văn minh, an toàn, thân thiện của điểm đến, thiết nghĩ, không chỉ nhờ các văn bản quản lý hay mệnh lệnh hành chính là có thể được hình thành. Do đó, cải thiện môi trường du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị - gồm nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Đồng thời, gắn trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân – những tổ chức, cá nhân đang trực tiếp hay gián tiếp tham gia hay liên quan đến hoạt động du lịch.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]