Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới
Vượt qua nhiều ứng viên nặng ký là Ai Cập, Hy Lạp, Nhật Bản, UAE, Brazil và Armenia, Việt Nam lần thứ 4 đón nhận giải thưởng danh giá Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới.
Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết Việt Nam tiếp tục được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới năm 2023 tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) ở thành phố Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE).
Đây là lần thứ 4, Việt Nam đón nhận giải thưởng danh giá này, vượt qua nhiều ứng viên nặng ký là Ai Cập, Hy Lạp, Nhật Bản, UAE, Brazil và Armenia.
Các lần vinh danh trước của Việt Nam là vào năm 2019, 2020 và 2022. Điều đó cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của di sản văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Cùng với danh hiệu Điểm đến Di sản Hàng đầu Thế giới 2023, Việt Nam còn có các điểm đến cấp địa phương cũng được trao tặng hạng mục giải thưởng.
Cụ thể, Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu “Điểm đến Du lịch Thành phố hàng đầu Thế giới 2023.”
Đảo ngọc Phú Quốc đạt danh hiệu “Điểm đến Biển đảo Thiên nhiên hàng đầu Thế giới 2023.”
Mộc Châu được tôn vinh là “Điểm đến Thiên nhiên Địa phương hàng đầu Thế giới 2023.”
Hà Nam giành giải thưởng “Điểm đến Văn hóa Địa phương hàng đầu Thế giới 2023.”
Tam Đảo đạt danh hiệu “Điểm đến Thị trấn hàng đầu Thế giới 2023."
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, việc được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới sẽ tiếp tục khẳng định tiềm năng, sức hút hàng đầu về tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa lâu đời của nước ta.
Giải thưởng sẽ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam sâu rộng hơn tới bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản của cộng đồng người dân.
Tiến sỹ Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho rằng Di sản Văn hóa là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách, nhất là khách quốc tế đến Việt Nam.
Ngành du lịch xem di sản văn hóa là nền tảng, trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế du lịch; công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.
Hoạt động du lịch dựa vào di sản ở nhiều nơi như Huế, Hội An, Hạ Long, Tràng An, Hà Nội... đã tạo thu nhập, việc làm cho người dân địa phương.
Du lịch di sản còn góp phần tăng cường hiểu biết, tôn trọng đa dạng và giao thoa các nền văn hóa, làm cơ sở hình thành quy tắc ứng xử phù hợp giữa người dân với khách du lịch và di sản.
Những lợi ích của du lịch di sản là không nhỏ. Một phần doanh thu từ du lịch di sản được tái đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng và quản lý di sản.
Có thể thấy du lịch di sản đóng góp to lớn cho bảo tồn và phát huy bền vững di sản văn hóa.../.
Theo TTXVN
- 2024-11-08 14:40:00
Thu hút khách từ thị trường các tỉnh Tây Bắc đến với Thanh Hóa bằng lợi thế và sự khác biệt
- 2024-11-08 11:41:00
Nhiều điểm du lịch tâm linh tạo sức hút du khách
- 2023-12-02 16:37:00
Đổi mới, đa dạng hóa các tuyến tham quan gắn với Di sản Thành Nhà Hồ
Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Luông
Xây dựng đền Bà Triệu trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn
Gợi ý 5 địa điểm bán bánh lọc Huế thơm ngon, chuẩn vị tại Thanh Hóa
Nếp hạt cau Pù Luông
Phường Trung Sơn quyết tâm xây dựng đô thị du lịch văn minh, hiện đại
Những ngày đầu đông nơi núi rừng Pù Luông
Bangkok nằm trong tốp 10 thành phố du lịch được tìm kiếm nhiều nhất năm 2023
Đổi mới để thu hút khách MICE dịp cuối năm
Du lịch “làng trong phố” bao giờ cất cánh?