(Baothanhhoa.vn) - Nắng đầu mùa vừa lên, tôi lại muốn “hẹn hò” cùng biển! Màu xanh của núi, của biển... hòa quyện vào nhau tạo nên một sức hút lạ kỳ. Nếu đem so sánh và bình chọn, trên dải đất hình chữ S này, dù có nhiều bãi biển đẹp, thì tôi vẫn chọn Sầm Sơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sầm Sơn... mùa biển hát

Nắng đầu mùa vừa lên, tôi lại muốn “hẹn hò” cùng biển! Màu xanh của núi, của biển... hòa quyện vào nhau tạo nên một sức hút lạ kỳ. Nếu đem so sánh và bình chọn, trên dải đất hình chữ S này, dù có nhiều bãi biển đẹp, thì tôi vẫn chọn Sầm Sơn.

Sầm Sơn “hút hồn” hàng triệu lượt khách mỗi năm. L.T.A

Không còn nhớ, đã bao lần tôi về với biển Sầm Sơn, nhưng lúc nào biển cũng mang nguyên sự ngỡ ngàng tươi mới. Ngay từ thời Pháp thuộc, Sầm Sơn đã được đánh giá là bãi biển tốt nhất ở Việt Nam bởi bờ cát mịn, sạch, thoai thoải kéo dài ra phía biển; sóng biển hiền hòa mang nồng độ mặn phù hợp với sức khỏe con người. Bên cạnh đó, thiên nhiên còn phú cho nơi đây một sắc màu lung linh huyền thoại trong quần thể thắng tích: Một hòn Trống Mái tình tứ, lãng mạn ngự trên dãy Trường Lệ; một đền Độc Cước uy nghi thể hiện khát vọng hòa bình, chế ngự giặc dã... bảo vệ sự bình yên cho người dân xứ Thanh; một đền Cô Tiên chênh vênh trên vách núi, hữu tình mà ẩn chứa bao điều kì bí. Xa xa là đảo, là mênh mông biển cả... như muốn nhắc nhở mỗi chúng ta phải giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc, quê hương.

Một số tài liệu cho biết, người Pháp đã từng xây nhiều villa, biệt thự trên núi Trường Lệ để nghỉ dưỡng, Sầm Sơn đã trở thành điểm nghỉ mát nổi tiếng xứ Đông Dương. Rồi đến vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng đã xây cho mình một “hoàng cung” nơi đây để nghỉ ngơi, làm việc. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chọn Sầm Sơn là nơi nghỉ dưỡng sau những tháng ngày làm việc vất vả... Những năm trở lại đây, dù nhà hàng, khách sạn mọc lên san sát, ken đặc... thế nhưng bên kia con đường biển vẫn hoang hoải như thuở nào.

Thật khó hình dung được, xưa kia, Sầm Sơn cũng chỉ là một chấm nhỏ trên dải đất hình chữ S với những con người lam lũ sớm hôm. Từ đời này sang đời khác, họ gắn với biển để mưu sinh. Biển cho tôm cá, nuôi sống gia đình họ nhưng cũng chính biển đã gây ra bao mất mát, đớn đau. Đến Sầm Sơn khi ấy, ta bắt gặp những tấm lưng trần sạm đen vì sương gió, những ngọn đèn leo loét của người vợ chờ chồng trở về sau chuyến khơi xa.

Vốn là vùng biển nghèo, chỉ có cát, có sóng, có gió, vài quán xá đìu hiu, thưa thớt... Ai đến đây cũng chỉ mới đùa giỡn với nước một cách ngại ngần.

Bỗng Sầm Sơn sôi động vào một ngày hè năm 1989, khi tập thể lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đưa ra quyết định mở hội chợ “Hè Sầm Sơn 89”. Thế là, tất cả 23 huyện, thị (nay là 27 huyện, thị, thành) người xe, tre nứa, luồng, gỗ, lương thực, thực phẩm... hành quân về Sầm Sơn dựng ki-ốt trưng bày hàng hóa. Những sản vật từ trung du, miền núi hay đồng bằng, vùng biển... cùng về đây hội tụ. Họ gặp nhau, trò chuyện, trao đổi hàng hóa. Chưa bao giờ Sầm Sơn lại sầm uất như lúc này!

Khi chưa kịp hết tiếc nuối về rừng phi lao chạy dọc bãi cát bị đốn hạ, đã kịp mừng vui vì những con đường mới thênh thang nối liền ra biển. Dù hơn 100 năm tuổi, nhưng Sầm Sơn mang sức trẻ của một cô gái đôi mươi. Tất cả đều căng tràn nhựa sống! Một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, một sân golf 18 lỗ hạng links đẳng cấp nhất Việt Nam và khu vực, cùng hàng trăm khách sạn, nhà hàng cao cấp... đã bừng lên sắc thắm, chào gọi: Về nhé... Sầm Sơn!

Những ngày nghỉ lễ dòng người kéo về như thác lũ. Cũng như lòng tôi, lòng bạn dù đang vui hay buồn vẫn muốn tìm về. Cái mặn mòi, quyến rũ của Sầm Sơn là những con sóng nhấp nhô xô bờ cát dài lấp lóa, là dãy Trường Lệ thuôn dài như người con gái đẹp ngủ quên bên mép sóng, là những hải sản gom nhặt vị ngọt từ mặn chát của biển dâng đời và có cả trong men nồng của những buổi hoàng hôn bên biển.

Đêm đến, những con sóng nối đuôi nhau, như cùng vỡ òa vào niềm vui hội ngộ. Tiếng reo trắng xóa ập vào bờ bãi. Về với biển, chúng ta dường như buông đi mọi lo toan, bận rộn... của cuộc sống thường ngày.

Khát khao ngắm mặt trời mọc lên từ biển cả đã kéo tôi về Sầm Sơn vào một buổi bình minh. Khi cả thành phố đang mơ màng trong sương sớm, tôi bắt gặp những gương mặt đen đúa, rắn rỏi, chân chất... đang xếp lại đồ nghề sau một đêm câu mực trên những chiếc thuyền thúng tròng trành. Họ ra biển khi đêm buông, để tinh mơ trở về cùng niềm vui của một ngày nắng mới.

Trên bờ biển, những con dã tràng vẫn mê mải một đời xe cát, trông thích thú mà có chút ngậm ngùi. Chẳng biết, trên đời này có biết bao sự tận tụy, vô lo như thế? Có biết bao nỗi khao khát và sự lấp đầy, biết bao nỗ lực và sự phũ phàng đáp trả, biết bao điều vô nghĩa như anh Dã Tràng trong câu chuyện cổ tích kia?

Người ta nói biển xanh nhưng dường như biển có đủ mọi sắc màu. Những giận dữ đục ngàu, những buồn bã tím ngắt, những niềm vui vỡ trắng, những mệt mỏi lam lũ đỏ au, những hy vọng xanh biếc, những chờ đợi và khao khát rừng rực của ráng chiều...

Dọc bờ biển, ta bắt gặp niềm hạnh phúc trong cái nắm tay thật chặt của những đôi tình nhân sánh bước, những nụ cười rạng rỡ của cặp vợ chồng già cùng khoác vai nhau; những bà mẹ dắt đứa con thơ đi men theo con sóng, tiếng cười khúc khích của những đứa trẻ cùng xây lâu đài cát, tiếng đùa giỡn của những ông bố giúp con ra tập bơi; tiếng cười nói của những ngư dân trở về từ sau chuyến ra khơi...

Bao nhiêu người đã đứng trước cái bao la, cái cồn cào, cái thẳm sâu của biển với những cảm giác ấy? Mỗi khi đứng trước biển quê, tôi thấy bớt chơi vơi trong cuộc đời nhiều khi vô định. Đây là nguồn an ủi vỗ về khi mệt mỏi. Để tự trấn an sau một cơn bão lòng. Để nhìn sâu vào nỗi buồn trong mình, hiểu nó để có tấm lòng bao dung và cởi mở hơn với cuộc đời.

Sự thân thiện, gần gũi của những con người nơi đây cùng với khát vọng về một thành phố trẻ, tôi tin Sầm Sơn ngày càng thêm đẹp, thêm yêu.


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]