(Baothanhhoa.vn) - Tình hình dịch COVID-19 trong nước, trong tỉnh có xu hướng giảm mạnh. Đây cũng là tín hiệu tích cực để ngành du lịch nói chung và các điểm du lịch nói riêng từng bước phục hồi sau thời gian dài “ngủ đông”, mở cửa trở lại đón khách trong trạng thái bình thường mới.

Khởi động các “điểm đến xanh” đón khách du lịch

Tình hình dịch COVID-19 trong nước, trong tỉnh có xu hướng giảm mạnh. Đây cũng là tín hiệu tích cực để ngành du lịch nói chung và các điểm du lịch nói riêng từng bước phục hồi sau thời gian dài “ngủ đông”, mở cửa trở lại đón khách trong trạng thái bình thường mới.

Khởi động các “điểm đến xanh” đón khách du lịch

Du khách tham quan Chính điện Lam Kinh.

Sau thời gian dài chịu tác động bởi dịch COVID-19, đến nay Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đã mở cửa đón khách tham quan. Để chuẩn bị tốt các điều kiện hoạt động trở lại, Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh đã chủ động tăng cường củng cố, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm du lịch. Tập trung chăm sóc cảnh quan, tu bổ, chỉnh trang các công trình tâm linh, nơi thờ tự. Quản lý và bảo vệ tốt hiện trạng rừng trong khu di tích. Tạo cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp. Phấn đấu trong khu vực di tích không có rác thải nhựa, là “điểm đến xanh” an toàn về môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình được Nhà nước đầu tư. Áp dụng nhiều công nghệ mới vào phục vụ du khách, như: Hệ thống app thuyết minh tự động và nhận diện du khách, hệ thống loa thông minh...

Đặc biệt, đầu tháng 4 vừa qua, cùng với sự kiện mở cửa đón khách du lịch tham quan Chính điện Lam Kinh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ ra mắt sản phẩm du lịch thông minh, nhằm thực hiện số hóa du lịch tại các địa danh nổi tiếng, như: Lam Kinh, Pù Luông, Thành Nhà Hồ, đền Nưa - Am Tiên. Dự án được phối hợp triển khai trong 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đã tập trung xây dựng ứng dụng du lịch thông minh và thành công số hóa với các tính năng trải nghiệm du lịch VR 360; trải nghiệm du lịch nội khu bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường AR; tìm kiếm và tra cứu thông tin du lịch. Trong giai đoạn 2 sẽ tập trung phát triển các tính năng nâng cao về kết nối các tổ chức lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu giải trí.

Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý Di tích Lam Kinh cho biết: Với việc mở cửa đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh và ra mắt sản phẩm du lịch thông minh, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh mong muốn sẽ giúp cho du khách được sống trong không gian lịch sử, ngược dòng về quá khứ, để tưởng nhớ một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Trên cơ sở làm tốt công tác chuẩn bị, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh kỳ vọng sẽ đón khoảng 250.000 – 300.000 lượt khách, trong đó có khoảng 3.000 – 4.000 lượt khách quốc tế đến tham quan trong năm 2022.

Thông tin từ Phòng Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn cho biết, nhằm đưa hoạt động du lịch trở lại sau dịch COVID-19, thành phố đặt ra mục tiêu trong năm 2022 là phát triển du lịch nhanh, bền vững, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tiếp tục nâng cao chất lượng du lịch, từng bước xây dựng thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn, là đô thị du lịch trọng điểm quốc gia. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao, từng bước xây dựng TP Sầm Sơn trở thành “Thành phố của lễ hội”. Phục vụ đa phân khúc khách du lịch từ bình dân đến cao cấp. Phấn đấu năm 2022, thành phố đón được 3,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 3.000 tỷ đồng.

Ngay từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, thành phố đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức sự kiện tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 75 về tổ chức Lễ kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn, 5 năm thành lập TP Sầm Sơn và khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2022. Theo đó, trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra 19 hoạt động chương trình văn hóa, du lịch, thể thao hấp dẫn để hưởng ứng các sự kiện trên.

Thành phố cũng đặt ra các nhiệm vụ để triển khai thực hiện như: Phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, nhất là thực hiện “5 không” (không băng nhóm; không bảo kê; không cờ bạc trá hình; không cò lơ, ép khách, ép giá; không làm phiền, to tiếng, đe dọa, gây gổ với du khách). Đảm bảo trật tự thương mại, trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường. Làm tốt công tác đảm bảo an toàn tắm biển, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao văn hóa, văn minh và hình ảnh công dân đô thị du lịch. Nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo vệ hình ảnh du lịch Sầm Sơn. Tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư kỹ thuật hạ tầng du lịch và đa dạng các sản phẩm du lịch.

Cùng với đó, thành phố cũng đề ra các giải pháp như: Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, chương trình chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động du lịch. Quảng bá rộng rãi thông điệp truyền thông “Du lịch Sầm Sơn – điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện” trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang web và mạng xã hội. Chủ động đảm bảo các điều kiện cần thiết để du lịch của thành phố trở lại hoạt động bình thường, đảm bảo an toàn cho du khách. Chủ động đấu mối với các sở, ngành cấp tỉnh, các đơn vị tổ chức xây dựng kịch bản tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao đảm bảo chất lượng và thu hút được đông đảo Nhân dân, du khách tham dự. Phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức các chương trình kích cầu du lịch, giảm giá dịch vụ, tạo các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương trong nước và nước ngoài tổ chức các tour du lịch.

Là một trong những huyện miền núi có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, đến nay trên địa bàn huyện Bá Thước có 93 cơ sở lưu trú, trong đó: Tổng số cơ sở lưu trú dạng nhà nghỉ tại các xã, thị trấn có 20 cơ sở, với số lượng 185 buồng, phòng, 289 giường; công suất đón khách trên 430 lượt khách/ngày/đêm. Tổng số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch Pù Luông có 73 cơ sở, với 104 nhà sàn, 152 bungalow, 231 buồng, phòng, 950 giường; công suất đón khoảng trên 1.200 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương.

Huyện Bá Thước hiện đang tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Tập trung hướng khách tới các điểm đến nổi bật tại bản Hiêu, bản Đôn, bản Kho Mường, bản Báng, bản Nủa, bản Kịt, bản Son - Bá - Mười... Sản xuất các mặt hàng dệt thổ cẩm tại xã Lũng Niêm và các nghề truyền thống tại các xã có điểm du lịch cộng đồng. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, di tích lịch sử, di tích khảo cổ. Tổ chức lễ hội tại các điểm di tích: Mái Đá Điều, đền thờ Quận công Hà Công Thái, đền Giổi.

Thời gian qua, huyện đã tăng cường quản lý xây dựng tại các điểm du lịch theo quy hoạch đã được phê duyệt gồm: Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng bản Đôn, xã Thành Lâm; Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng bản Kho Mường, xã Thành Sơn; Quy hoạch phân khu Khu Du lịch thác Muốn, xã Điền Quang. Bên cạnh đó, huyện phát huy nguồn vốn xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch đã nâng cấp đường giao thông, xây dựng, sửa chữa, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa tại các bản du lịch. Đầu tư xây dựng biển chỉ dẫn đến điểm du lịch, dịch vụ du lịch, các bản đón khách từ nguồn vốn phát triển du lịch của tỉnh. Huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển du lịch. Khuyến khích các hộ kinh doanh lưu trú du lịch tập trung nguồn vốn nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện đón khách. Tăng cường giới thiệu về các điểm du lịch trên địa bàn; mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ quản lý kinh doanh du lịch; nâng cao trình độ dân trí, văn hóa ứng xử văn minh du lịch cho người dân.

Nhằm đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch, trong năm 2022 huyện tiếp tục quán triệt, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tạo mã QR “điểm đến xanh” để khách du lịch nhận biết các khu, điểm du lịch và các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch đã được công nhận an toàn đón khách du lịch. Nâng cấp, đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật; đổi mới, sáng tạo, xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, đặc sắc, đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được xu hướng mới của thị trường. Trong đó tập trung các sản phẩm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa bản địa, du lịch nông nghiệp, nông thôn... Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch chung tay, hưởng ứng, phối hợp xây dựng các chiến dịch kích cầu du lịch với phương châm “Tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm”. Đồng thời, đảm bảo tiêu chí an toàn, hấp dẫn khách du lịch; hình thành liên minh kích cầu du lịch với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch tới tất cả đối tượng tham gia du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tuyên truyền, quảng bá du lịch; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch bằng hình thức trực tuyến, online. Tham gia liên kết hình thành cung đường du lịch an toàn, thực hiện liên kết quảng bá, vận hành tour du lịch...

Nhiều khu, điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh cũng đã sẵn sàng mở cửa đón khách trở lại trong điều kiện tốt nhất, báo hiệu sự phục hồi và mở ra viễn cảnh tươi sáng cho bức tranh du lịch trong năm nay và những năm tới.

Ngọc Anh


Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]