(Baothanhhoa.vn) - Quế Thường Xuân là một trong những loài cây nổi tiếng bậc nhất của xứ Thanh. Nói về cây quế, sách “Đại Nam nhất thống chí” có đoạn: “Tuy đều sản xuất ở phương nam nhưng quế Thanh Hóa tốt nhất (...) năm Minh Mệnh thứ 17 khắc hình tượng vào Nghị đỉnh”. Được “khắc hình tượng vào Nghị đỉnh” là sự khẳng định rõ ràng nhất cho danh tiếng và giá trị của quế Thanh, cũng chính là quế Thường Xuân, mà ít có giống quế nào sánh kịp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hồi sinh “quế ngọc”

Quế Thường Xuân là một trong những loài cây nổi tiếng bậc nhất của xứ Thanh. Nói về cây quế, sách “Đại Nam nhất thống chí” có đoạn: “Tuy đều sản xuất ở phương nam nhưng quế Thanh Hóa tốt nhất (...) năm Minh Mệnh thứ 17 khắc hình tượng vào Nghị đỉnh”. Được “khắc hình tượng vào Nghị đỉnh” là sự khẳng định rõ ràng nhất cho danh tiếng và giá trị của quế Thanh, cũng chính là quế Thường Xuân, mà ít có giống quế nào sánh kịp.

Hồi sinh “quế ngọc”

Cửa hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm từ cây quế của gia đình ông Cầm Bá Học.

Dù chọn Thường Xuân là đất lành để sinh sôi, nhưng vì cái sự khó chiều hay giá trị của cây mà người trồng quế phải bỏ ra không ít công phu chăm sóc. Khoảng chừng tháng 8, khi hạt quế chín chuyển sang màu tím rồi nâu láng khi khô, người trồng sẽ dựa theo kinh nghiệm để lựa chọn những hạt tốt nhất, từ những cây khỏe nhất làm giống. Song, vốn là loài có khả năng tái sinh chồi từ gốc, nên quế còn được trồng bằng cách chọn mầm thứ sinh khỏe mạnh. Cũng có đôi khi quế được trồng bằng phương pháp chiết cành, nhưng cách thức này ít được lựa chọn do có thể làm suy giảm giá trị quế. Quế từ 15 đến 20 năm là độ tuổi “chín” để thu hoạch. Thường vào đầu hè (tháng 4-5) hoặc cuối hè (tháng 9-10) là thời điểm người trồng bắt đầu khai thác vỏ quế. Để bảo đảm cả về hình thức và chất lượng vỏ, việc bóc tách cũng phải tỉ mẫn, công phu và khéo léo. Vỏ quế sau khi bóc xuống lại trải qua quy trình ủ cầu kỳ, phức tạp bằng phương pháp truyền thống. Người ta dùng mật ong để giữ ẩm tránh khô dầu và giữ chất quế. Việc mở ủ phải đúng lúc, khi chất dầu vừa chín. Sau mỗi lần cắt quế để dùng phải miết sáp ong vào vết cắt để tránh cho quế bị mất dầu, mùi thơm và vị cay đặc trưng. Vỏ quế Thường Xuân có độ dày dao động từ 3,01 đến 5,48mm, độ dày lớp tinh dầu vỏ thân từ 1,11 đến 1,97mm, khi nhấm thử có vị cay và ngọt mạnh.

Ở giai đoạn cực thịnh, quế được trồng thành rừng bạt ngàn, trải khắp các chân núi Tà Leo, Pù Gió, Pù Hòn Hàn. Cũng vì giá trị đặc biệt mà từ năm 1986 trở về trước, quế là loại cây giữ vị thế quan trọng trong cơ cấu cây trồng huyện Thường Xuân, với khoảng 1.000 ha. Nhưng rồi, lịch sử và danh tiếng cũng chẳng thể cứu vãn được sự suy thoái của quế trước những đổi thay của cơ chế mới và nhu cầu thị trường. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, quế bị khai thác ồ ạt, bị đốn hạ để nhường chỗ cho keo, sắn, ngô. Cũng vì không còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nên sự tồn tại của loài cây này – suốt một thời gian dài - dường như chỉ còn mang tính biểu tượng hay như một sự hoài niệm về thời quá khứ mà nhờ nó, cái tên châu Thường vang khắp xa gần.

Chừng chục năm trở lại đây, việc tìm lại vị thế cho cây quế và danh tiếng “quế ngọc”, nhằm sống dậy một sản vật quý của xứ Thanh, đã được đặt ra. Theo đó, chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển giống “quế ngọc”; cũng như mở rộng diện tích trồng quế và nhất là xây dựng chỉ dẫn địa lý “Thường Xuân” cho cây quế. Vấn đề còn lại là nâng cao giá trị các sản phẩm từ cây quế. Đồng thời, tạo ra chuỗi liên kết từ nơi trồng đến thị trường cho các sản phẩm từ quế cũng là vấn đề đặt ra cho chính quyền địa phương và người trồng quế. Đã có dịp gặp và trò chuyện với ông Cầm Bá Học, một người rất say sưa và tâm huyết với việc tìm lại vị thế cho cây quế, chúng tôi được biết: Để nâng cao giá trị kinh tế từ cây quế và từng bước khẳng định vị thế của quế Thường Xuân, không thể dựa vào việc khai thác vỏ để bán thô cho thương lái, mà phải đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp nhu cầu thị trường. Đặc biệt, việc sản xuất tinh dầu quế là một trong những hướng đi đang được nhiều hộ dân thực hiện và cho kết quả khả quan.

Quế là loài cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi từ vỏ, thân, lá, cành đều có thể trở thành dược liệu trong nhiều đơn thuốc đông – tây y, làm gia vị trong công nghiệp thực phẩm, làm hương liệu trong công nghiệp hóa mỹ phẩm, làm đồ gia dụng và đặc biệt hơn cả là tinh dầu quế. Quế Thường Xuân được đánh giá là “tốt nhất” cũng nhờ bởi hàm lượng cao và chất lượng tinh dầu tốt. Từ độ sánh, màu sắc đậm đà, mùi thơm nồng đặc trưng và khả năng đặc biệt của nó trong việc giúp con người thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng mệt mỏi... chắc chắn, tinh dầu Thường Xuân có thể bảo đảm các tiêu chuẩn cao nhất. Nắm bắt được điểm mấu chốt này nên việc chiết xuất tinh dầu từ cành, lá được xem là bước đầu trong quá trình đưa quế Thường Xuân bắt nhịp với thị trường. Dẫu rằng, để hồi sinh loài “quế ngọc” từng một thời vang bóng sẽ còn rất gian nan. Thế nhưng ông Học cùng nhiều người có tâm huyết với loài cây bản địa này vẫn đang nỗ lực để đến một ngày, cây quế sẽ góp phần làm đổi thay cả một vùng đất khó.

Bài và ảnh: K.N


Bài và ảnh: K.N

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]