(Baothanhhoa.vn) - Huyện Như Xuân nằm ở phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 60km, có đường Hồ Chí Minh đi qua. Trên địa bàn huyện có 4 dân tộc anh em đoàn kết cùng  nhau sinh sống là Thái, Mường, Thổ, Kinh... với nhiều phong tục, truyền thống văn hóa, ẩm thực, lễ hội đặc sắc với nhiều trò chơi dân gian như: Lễ hội Đình Thi, nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thổ; Lễ hội Dâng trâu tế trời tại đền Chín Gian của cộng đồng dân tộc Thái... Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Điểm đến du lịch ở miền Tây xứ Thanh

Huyện Như Xuân nằm ở phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 60km, có đường Hồ Chí Minh đi qua. Trên địa bàn huyện có 4 dân tộc anh em đoàn kết cùng nhau sinh sống là Thái, Mường, Thổ, Kinh... với nhiều phong tục, truyền thống văn hóa, ẩm thực, lễ hội đặc sắc với nhiều trò chơi dân gian như: Lễ hội Đình Thi, nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thổ; Lễ hội Dâng trâu tế trời tại đền Chín Gian của cộng đồng dân tộc Thái... Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch.

Điểm đến du lịch ở miền Tây xứ Thanh

Đền Chín Gian ở xã Thanh Quân thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Trong những năm qua, hoạt động du lịch huyện Như Xuân đã có những bước phát triển mới. Một số khu du lịch, điểm du lịch được hình thành và đã đi vào kinh doanh khai thác, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài tỉnh, như: Khu di tích lịch sử đền Chín Gian, xã Thanh Quân; Khu di tích danh thắng thác Đồng Quan, thác Cổng Trời... Trong đó, phải kể tới thác nước Đồng Quan rất đẹp, nằm quanh khu vực chân đỉnh Pù Mùn của đồng bào dân tộc Thổ. Thác nước nằm giữa không gian rừng nguyên sinh tràn ngập sắc xanh và mùi hương hoa rừng tạo nên vẻ thơ mộng và kỳ thú. Tới đây, du khách được hưởng một vùng khí hậu mát mẻ trong lành, được thưởng thức các món ăn dân tộc với nguyên liệu sẵn có ở địa phương, được thưởng thức những làn điệu dân ca, dân vũ, nét văn hóa dân gian đặc sắc...

Ngoài tắm mát ở thác nước Đồng Quan, du khách đến Như Xuân sẽ không thể bỏ qua đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh đồi Pú Pỏm, xã Thanh Quân. Ngôi đền trước đây có kiến trúc 9 gian thờ trời và các vị tổ họ người Thái có công lập mường, đồng thời cũng là nơi diễn ra lễ hội, tế lễ hiến trâu của người Thái. Lễ hội đền Chín Gian một thời là nơi diễn ra và lưu giữ những hoạt động văn hóa truyền thống tốt đẹp về đời sống tâm linh, là nơi người Thái gặp gỡ, hiến dâng những vật phẩm được làm ra từ bàn tay, khối óc của mình để cầu mong trời đất, tổ tiên làm cho trời đất mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời là nơi con người được sống cởi mở chan hòa để bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với tổ tiên và hướng về nguồn cội. Lễ hội đền Chín Gian là nơi hội tụ, gắn kết tình cảm của con người với cộng đồng và môi trường tự nhiên, là điểm sáng về bản sắc văn hóa của người Thái nói riêng và của cả dân tộc nói chung. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, sau khi nghiên cứu xem xét, UBND tỉnh đã đồng ý cho khôi phục lại lễ hội “Dâng trâu tế trời” của dân tộc Thái trong “Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” và ngày 28-2-2019 huyện Như Xuân đã tổ chức thành công Lễ hội Dâng trâu tế trời đền Chín Gian lần thứ nhất - năm 2019. Đền Chín Gian cũng đã được đầu tư xây dựng tu bổ khang trang bằng nguồn xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách.

Đến với Như Xuân, du khách chưa đặt chân đến thác Cổng Trời, xã Xuân Quỳ sẽ thấy điều gì khiếm khuyết. Đến với nơi đây, du khách như được đắm mình vào chốn sơn thủy hữu tình với rừng nguyên sinh, thác nước trắng phau từ trên cao dội xuống giữa chốn đại ngàn. Từ đỉnh núi Pù Mùn, những dòng nước len lỏi qua những khe sâu, vách đá, những thảm thực vật rậm rì, rồi hòa vào nhau, tạo nên dòng thác hùng vĩ. Từ trên đỉnh thác, du khách tha hồ phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên tươi đẹp với những thác nước, rừng nguyên sinh bạt ngàn. Ngoài hệ thống thác nước hùng vĩ, nơi đây còn thu hút du khách bởi thảm thực vật và động vật phong phú với nhiều loài phong lan, cây thuốc, cây gỗ quý, nhiều loài thú, bò sát, loài chim, động vật lưỡng cư... Để đưa Khu du lịch sinh thái thác Cổng Trời vào hoạt động, UBND huyện Như Xuân đã đầu tư một phần kinh phí cùng sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, đồng thời huy động hàng ngàn ngày công lao động của cán bộ, công chức, đoàn viên, thanh niên các xã, thị trấn và người dân địa phương để san lấp, mở đường vào khu du lịch. Đến nay, đường bê tông, đường đi bộ, cầu qua suối, hồ trữ nước, hệ thống nhà chòi, Khu du lịch sinh thái thác Cổng Trời đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2017, là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với Như Xuân. Đặc biệt ngày 24-1-2019 UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt 5 địa điểm du lịch huyện Như Xuân gồm: Chùa Di Lặc, thị trấn Yên Cát; thác Đồng Quan, xã Hóa Quỳ; thác Cổng Trời, xã Xuân Quỳ; điểm du lịch Đình Thi, xã Yên Lễ; đền Chín Gian, xã Thanh Quân.

Để khai thác tiềm năng phát triển du lịch, huyện đã chỉ đạo các ngành có liên quan tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện các văn bản của tỉnh, của huyện nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh sự hỗ trợ các nguồn vốn của tỉnh, Trung ương, các tổ chức doanh nghiệp để phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp di tích và các dịch vụ du lịch khác, huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để thu hút các nhà đầu tư vào du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh và làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện. Để thực hiện được các giải pháp đó, huyện cũng đề nghị với các cấp, ngành tạo điều kiện cho huyện tiếp cận với các nguồn vốn từ chương trình đề án quốc gia về phát triển du lịch ở các huyện miền núi. Hỗ trợ xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Như Xuân”. Hàng năm bố trí ngân sách của tỉnh hỗ trợ kinh phí cho huyện tiếp tục xây dựng các công trình, hạng mục đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh. Tạo điều kiện để địa phương phát huy các thế mạnh vốn có của vùng, tạo dựng các liên kết trong phát triển sản phẩm, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương để du lịch Như Xuân trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát huy và bảo tồn các giá trị truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện.

Bài và ảnh: Minh Hiếu


Bài Và Ảnh: Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]