(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng ở huyện Bá Thước ngày càng phát triển. Cùng với những hoạt động trải nghiệm du lịch hấp dẫn như đi bộ khám phá bản làng, chèo thuyền kayak, đánh cá trên sông... thì bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng được du khách yêu thích tìm hiểu và khám phá. Nhờ gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể với hoạt động du lịch mà du lịch cộng đồng ở Pù Luông (Bá Thước) ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Bảo tồn văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch ở Bá Thước

Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng ở huyện Bá Thước ngày càng phát triển. Cùng với những hoạt động trải nghiệm du lịch hấp dẫn như đi bộ khám phá bản làng, chèo thuyền kayak, đánh cá trên sông... thì bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng được du khách yêu thích tìm hiểu và khám phá. Nhờ gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể với hoạt động du lịch mà du lịch cộng đồng ở Pù Luông (Bá Thước) ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Bảo tồn văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch ở Bá ThướcĐội văn nghệ bản Đôn, xã Thành Lâm biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch.

Bá Thước là một trong những huyện miền núi ở xứ Thanh vẫn còn gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của bà con dân tộc thiểu số, trong đó nghề dệt thổ cẩm của người Thái, người Mường là những giá trị văn hóa phi vật thể hiện còn được bảo tồn và phát triển. Trước kia, nghề thêu, dệt thổ cẩm của người dân địa phương đã có thời điểm tưởng chừng như mai một, song khi du lịch cộng đồng phát triển mạnh trong những năm gần đây, một số hộ gia đình dân tộc Thái, Mường trên địa bàn huyện Bá Thước đã nhanh chóng “bắt nhịp”, sáng tạo nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bà Hà Thị Binh (bản Đôn, xã Thành Lâm) luôn cần mẫn với nghề truyền thống từ lâu đời của cha ông để lại. Những tấm vải thổ cẩm mang nét văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái được bà Binh khéo léo tạo thành những sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình, như: váy, áo, khăn, đệm ngồi, chăn, gối, khăn trải bàn, rèm cửa... Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu sử dụng trong gia đình, người dân địa phương, sản phẩm thổ cẩm của bà Binh còn được nhiều khu nghỉ dưỡng, homestay trên địa bàn huyện và khách du lịch biết đến với tính đa dạng và màu sắc bắt mắt, tiện dụng.

Bà Hà Thị Binh cho biết: “Nghề thêu, dệt thổ cẩm có những thời điểm tưởng như bị mai một do sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, du lịch phát triển, người dân địa phương được tham gia vào các lớp tập huấn, đào tạo nghề do các đơn vị, địa phương tổ chức đã thu hút nhiều hội viên phụ nữ tham gia, trong đó có cả thế hệ trẻ cùng chung tay bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, góp phần gìn giữ và quảng bá nét đẹp về các sản phẩm thổ cẩm truyền thống đến với du khách trong và ngoài nước”.

Cùng với sự phát triển của hoạt động du lịch cộng đồng tại Khu du lịch Pù Luông, các mặt hàng dệt thổ cẩm tại các thôn, bản trên địa bàn huyện Bá Thước từ chỗ chỉ phục vụ cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc nay đã và đang phát triển mạnh, dần trở thành sản phẩm lưu niệm du lịch đặc trưng, là món quà của cộng đồng nơi đây gửi đến khách du lịch muôn phương. Những sản phẩm thổ cẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, phụ nữ Mường ngày càng có sức hút kỳ lạ đối với đông đảo du khách khi về với Bá Thước.

Ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2020, tầm nhìn 2030, huyện Bá Thước đã nhanh chóng xây dựng và ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND (ngày 2-6-2021) về phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Bá Thước giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Đồng thời triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa nhận thức và niềm tự hào của Nhân dân về những giá trị văn hóa truyền thống, từ đó nâng cao trách nhiệm để bảo tồn, quảng bá đến với du khách thông qua các sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng theo hình thức tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - di tích lịch sử... Huyện Bá Thước cũng tiến hành khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, thủ công, mỹ nghệ, đan lát... nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của khách du lịch, mặt khác góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương một số xã như Lũng Niêm, Thành Lâm, Thành Sơn. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng công tác sưu tầm, khôi phục việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa vật thể, phi vật thể, những phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào Thái và xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới xin, ma chay, lễ hội...; bảo tồn các làn điệu dân ca, điệu múa, lễ hội trong các hội thi, hội diễn...

Cũng trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã rất quan tâm, thường xuyên phối hợp với UBND huyện Bá Thước tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị phi vật thể liên quan đến nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc cũng như các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ phục vụ phát triển du lịch cho hàng trăm học viên là phụ nữ dân tộc thiểu số ở các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao...

Gần đây nhất (ngày 15-3-2022), tại bản Đôn, xã Thành Lâm, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn “Bảo tồn, phát triển dân ca, dân vũ dân tộc Thái, dân tộc Mường” phục vụ khách du lịch tại khu Pù Luông. Đối tượng tham gia lớp tập huấn là các hạt nhân văn hóa cơ sở của xã Thành Lâm và huyện Bá Thước. Thông qua lớp tập huấn, học viên được truyền dạy về giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái, dân tộc Mường Thanh Hóa; diễn xướng trống chiêng dân tộc Mường; hát xường, các điệu múa dân tộc Mường; hát khặp, hát giao duyên, dân ca dân tộc Thái; các điệu múa xòe, nhảy sạp dân tộc Thái; các thể loại diễn tấu khua luống dân tộc Thái... Bên cạnh đó, các học viên còn được trang bị kiến thức, kỹ năng, cách thức tổ chức, biểu diễn phục vụ khách du lịch; tổ chức chương trình giao lưu, tương tác giữa các nghệ nhân với du khách, chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian, chương trình biểu diễn phục vụ du lịch văn hóa cộng đồng; tổ chức giới thiệu, quảng bá nghệ thuật dân gian và các sản phẩm văn hóa dân tộc Thái, dân tộc Mường Thanh Hóa đến với du khách...

Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Thực tế, nhờ sự phát triển du lịch cộng đồng trong những năm gần đây mà công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện có những bước tiến mới. Cùng với sự quan tâm của tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND huyện Bá Thước cũng đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Bá Thước giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, cùng với việc trùng tu, tôn tạo các di tích thì công tác khôi phục, phát triển các lễ hội truyền thống, nghề truyền thống, hình thành các câu lạc bộ, đội văn nghệ dân ca, dân vũ truyền thống tại các thôn, bản... được đặc biệt chú trọng. Thời gian tới, mục tiêu phát triển du lịch huyện Bá Thước trọng tâm sẽ là phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để khai thác thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng núi, tạo nên thương hiệu cho du lịch Bá Thước.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]