(Baothanhhoa.vn) - Nhận được thông báo của chi hội phụ nữ là gia đình được hỗ trợ 2 con dê sinh sản từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, giai đoạn 2018-2020”, gia đình chị Lương Thị Huệ ở bản Bôn, xã Yên Khương (Lang Chánh) phấn khởi, ngày đêm mong ngóng nhanh đến ngày được nhận.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Thắp lửa” nơi vùng biên từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

Nhận được thông báo của chi hội phụ nữ là gia đình được hỗ trợ 2 con dê sinh sản từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, giai đoạn 2018-2020”, gia đình chị Lương Thị Huệ ở bản Bôn, xã Yên Khương (Lang Chánh) phấn khởi, ngày đêm mong ngóng nhanh đến ngày được nhận.

“Thắp lửa” nơi vùng biên từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”Hội LHPN TP Thanh Hóa đồng hành hỗ trợ trao dê sinh sản cho hội viên xã Hiền Kiệt (Quan Hóa).

Trong lúc chờ nhận dê, vợ chồng chị làm chuồng và tìm sẵn nguồn thức ăn cho dê. Ngày dẫn hai con dê về nhà, chị Huệ nhủ lòng sẽ chăm sóc thật tốt để nhân đàn và thoát nghèo. Sau hơn 2 năm chăm sóc, đàn dê của gia đình đã tăng lên 6 con. Nguồn lực này đã tiếp thêm động lực để gia đình chị vươn lên thoát nghèo năm 2020. Cùng với chị Huệ, nhiều hộ gia đình hội viên, phụ nữ xã Yên Khương còn được thụ hưởng chương trình thông qua các hoạt động, như: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hỗ trợ mô hình sản xuất; tặng quà; hỗ trợ xi măng làm đường trong bản, làm công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh...

Trung Lý là xã cửa ngõ của huyện Mường Lát, tình hình kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Xã có gần 8 km đường biên giới với 15 bản giáp biên. Hơn 3 năm trước, hộ nghèo của xã chiếm 67,72%. Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, giai đoạn 2018-2020”, Hội LHPN tỉnh và các đơn vị đồng hành đã hỗ trợ 2 mô hình sinh kế và thành lập tổ hợp tác (THT) chăn nuôi dê, vịt; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, kiến thức phòng chống mua bán người; tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho Nhân dân trong xã... Theo ghi nhận của chúng tôi sau mỗi chuyến về địa phương công tác, hội viên, phụ nữ nơi đây đã biết cách tổ chức sản xuất và duy trì, nhân rộng mô hình được hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong sinh hoạt gia đình, các chị đã biết tổ chức, sắp xếp công việc, nuôi dạy con cái, vận động chồng, con tránh xa các tệ nạn xã hội. Do vậy, nhiều năm nay, trên địa bàn xã không có trường hợp buôn bán ma túy, mua bán người xảy ra. Hiện nay, xã Trung Lý có 5 mô hình THT chăn nuôi bò, dê, vịt do phụ nữ làm chủ. Các mô hình đang phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc thù của địa phương, giúp nhiều hội viên có động lực sản xuất, vươn lên thoát nghèo, trong đó có các chị: Vàng Thị Váng, Giàng Thị Dụ (bản Nà Ón); Lộc Thị Tút, Hoàng Thị Xuân, Vi Thị Bình (bản Táo)...

Về xã Pù Nhi (Mường Lát) vào dịp tổ chức phiên chợ truyền thông phòng, chống mua bán người do Hội LHPN tỉnh phối hợp với các đơn vị đồng hành tổ chức, chúng tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên, những sắc màu dân tộc của người Thái, người Mông... Mọi người đều vui mừng, phấn khởi, bởi lâu lắm mới có dịp được tập trung để nghe truyền thông về phòng chống mua bán người, xem tiểu phẩm do chính con em dân bản biểu diễn... Qua đó, giúp bà con có thêm hiểu biết về pháp luật để có thể tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân trước những cám dỗ.

Xuất phát từ thực tiễn đời sống của cán bộ, hội viên, phụ nữ vùng biên còn nhiều khó khăn cần được quan tâm, giúp đỡ về nhiều mặt, góp phần bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, ngay sau khi Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phối hợp thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, giai đoạn 2018-2020”, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy (BCH) BĐBP tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo lộ trình và hàng năm. Với sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Hội LHPN tỉnh, BCH BĐBP tỉnh, các đơn vị đồng hành đã thực hiện kế hoạch bài bản, như: tổ chức lễ ký kết thực hiện chương trình; xây dựng bản cam kết đăng ký các hoạt động hỗ trợ... Trong 3 năm, Hội LHPN tỉnh, BCH BĐBP tỉnh đã huy động được gần 11 tỷ đồng triển khai các hoạt động hỗ trợ theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ và thế mạnh của địa phương với phương châm trao cho người dân chiếc “cần câu” và hướng dẫn họ cách “câu con cá” hiệu quả. Có thể nói, hiệu quả chương trình mang lại đã thắp lên ngọn lửa cho vùng biên, sưởi ấm bao trái tim, hoàn cảnh khó khăn, hướng đến cuộc sống nhiều đổi thay cả trong nhận thức và hành động thực tiễn. Ngay năm đầu chương trình được triển khai thực hiện tại 5 xã vùng biên (vượt chỉ tiêu 2 xã so với Trung ương giao), đến năm 2020, chương trình tiếp tục mở rộng thực hiện thêm 5 xã, nâng tổng số lên 10/16 xã vùng biên. Nhiều chương trình được tổ chức lan tỏa sâu rộng, như: “Xuân Đoàn kết - Tết Biên cương”, “Vầng trăng biên cương”, phiên chợ truyền thông “Phòng chống tệ nạn xã hội và mua bán người”, đã tác động sâu sắc đến nhận thức, hiểu biết của người dân về pháp luật, ý thức học tập, lao động, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Đặc biệt, chương trình đã hỗ trợ xây dựng 30 mô hình sinh kế tập thể gồm: 22 THT chăn nuôi bò sinh sản, 6 THT chăn nuôi dê sinh sản, 1 THT chăn nuôi lợn nái đen bản địa, 1 THT chăn nuôi vịt. Qua các mô hình, người dân đã tiếp cận được phương pháp, cách thức làm kinh tế hiệu quả giảm nghèo, dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ hội viên, phụ nữ vùng biên thành lập 9 câu lạc bộ “Phòng chống tệ nạn xã hội, mua bán người”, tặng 59 mái ấm tình thương, gần 10.000 suất quà, cấp thuốc miễn phí cho hội viên, phụ nữ và Nhân dân các xã biên giới...

Các hoạt động của chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương đã góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các địa phương thông qua tập huấn kiến thức “Nhà sạch, vườn đẹp”, xây dựng mô hình “Vườn rau sạch” tại thôn Vịn, xã Bát Mọt (Thường Xuân); hỗ trợ xây/sửa công trình đường giao thông liên bản tại xã Yên Khương (Lang Chánh), 96 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, láng gầm nhà sàn, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các xã: Bát Mọt (Thường Xuân), Yên Khương (Lang Chánh), Hiền Kiệt (Quan Hóa), Tam Thanh (Quan Sơn)... Các đồn biên phòng đã phân công 542 đảng viên trực tiếp phụ trách 2.782 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ và trực tiếp hỗ trợ trên 3.000 con giống, dụng cụ sản xuất, thức ăn chăn nuôi, giúp dân trồng cây táo Mèo, chăn nuôi gia cầm ở xã Pù Nhi, chăn nuôi dê, lợn ở các xã Tén Tằn, Quang Chiểu (Mường Lát), trồng ngô, rau 2 vụ ở xã Bát Mọt (Thường Xuân), tặng 84 suất học bổng “Nâng bước em đến trường” cho các em học sinh đến hết 18 tuổi, nhận nuôi tại các đồn biên phòng 10 cháu... Bên cạnh đó, các cấp hội huy động các nguồn vốn vay và duy trì các hoạt động giúp nhau ngày công, cây, con giống, phân bón. Qua đó, đã giúp 32/138 thôn/bản đạt chuẩn NTM.

Có thể khẳng định, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã “thắp lửa” cho vùng biên, tạo những chuyển biến tích cực. Nhân dân phấn khởi chủ động sản xuất và lĩnh hội được nhiều kiến thức về khoa học - kỹ thuật áp dụng vào làm kinh tế, tăng thu nhập, có hiểu biết về pháp luật để bảo vệ mình và người thân, chung tay góp sức cùng với lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc vùng biên của Tổ quốc.

Đồng chí Lương Thị Chai, Chủ tịch Hội LHPN xã Bát Mọt (Thường Xuân) cho biết: Qua các hoạt động hỗ trợ của nhiều đơn vị đồng hành, đời sống của cán bộ, hội viên và Nhân dân trong xã ổn định. Bà con đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hăng hái thi đua lao động, sản xuất và tích cực tham gia các phong trào của hội, của các cấp, ngành phát động.

Đồng chí Vi Thị Ly, Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Lý (Mường Lát) cho biết thêm: Với hình thức hỗ trợ con giống để hội viên góp vốn đối ứng và thành lập mô hình THT phù hợp với nhu cầu của hội viên và đặc thù của địa phương, giúp nhiều hội viên biết chủ động sản xuất, tiết kiệm trong chi tiêu và nhân rộng mô hình. Đây là chuyển biến rõ nhất mà từ nhiều năm trước chưa làm được.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chương trình nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng hành của nhiều đơn vị, nhà hảo tâm hướng về vùng biên. Với những hoạt động thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc, chương trình đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong các cấp, các ngành cùng chung tay, góp sức chia sẻ với những khó khăn của hội viên phụ nữ và Nhân dân các xã biên giới.

Tuy còn một số khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện, nhưng Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cần phải được tiếp tục thực hiện để phát huy hiệu quả triệt để, nhằm rút ngắn chênh lệch khoảng cách giữa các vùng, miền và chung tay bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Giai đoạn tiếp theo, các hoạt động hỗ trợ phải mang tính phát huy nội lực của cán bộ, hội viên, phụ nữ; bám sát chỉ tiêu của chương trình, ưu tiên tập trung giúp phụ nữ vùng biên phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Hội LHPN các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò chủ động phối hợp với các đơn vị đồng hành để tổ chức các hoạt động hiệu quả, phát huy nội lực, phát huy truyền thống của quê hương; mở rộng ký kết 6 xã biên giới còn lại, đảm bảo 16/16 xã biên giới được ký kết hỗ trợ thực hiện chương trình và ưu tiên các hoạt động hỗ trợ hội LHPN, cán bộ, hội viên phụ nữ biên giới nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Ưu tiên, lựa chọn và tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ

“Thắp lửa” nơi vùng biên từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, giai đoạn 2018-2020” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động có ý nghĩa thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc. Chương trình đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tạo sự đồng thuận sâu rộng của các cấp, các ngành hướng về các xã biên giới, trong đó có xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân. Tại đây, chương trình được các đơn vị đồng hành tập trung vào tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về mọi mặt cho cán bộ, hội viên phụ nữ các dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ thường xảy ra ở địa bàn xã biên giới, như: tệ nạn mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em; trẻ em bỏ học, tảo hôn; bạo lực gia đình; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”... Sau 3 năm thực hiện, chương trình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Với sự đồng hành của các đơn vị thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ sinh kế, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tặng quà... nhiều hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo xã biên giới Bát Mọt đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 51% (năm 2018) xuống còn 10,56% (năm 2020). Cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân yên tâm gắn bó, sát cánh cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Để tiếp tục phát huy giá trị nhân văn, hiệu quả thiết thực mang tính bền vững của chương trình, thời gian tới, hội LHPN cấp trên cần ưu tiên lựa chọn và tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ theo hướng phát huy tối đa nội lực của phụ nữ và thế mạnh của địa phương; nâng tầm các hoạt động và chỉ đạo của hội bằng những cách thức mới, việc làm sáng tạo, thiết thực trong tăng cường huy động các nguồn lực; xây dựng tổ chức hội, xây dựng lực lượng biên phòng vững mạnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, chủ quyền biên giới quốc gia.

Trịnh Thị Vân Anh

Chủ tịch Hội LHPN huyện Thường Xuân

Bồi dưỡng kiến thức, phương pháp tuyên truyền, vận động cho cán bộ hội cơ sở gắn với biểu dương, khen thưởng kịp thời

“Thắp lửa” nơi vùng biên từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

Nhi Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mông. Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, giai đoạn 2018-2020”, xã Nhi Sơn được sự quan tâm của hội LHPN cấp trên, bộ đội biên phòng và các đơn vị đồng hành thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn tại địa phương. Đó là hỗ trợ bò sinh sản, mái ấm tình thương; bồi dưỡng kiến thức sản xuất, kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, hôn nhân và gia đình, bài trừ tệ nạn xã hội... Đối với vùng biên còn nhiều khó khăn, đây là những hỗ trợ mang tính kích cầu nhưng lại tạo động lực, khích lệ lớn đối với hội viên, phụ nữ và Nhân dân vùng biên, giúp họ có điều kiện sản xuất, nâng cao nhận thức. Trong 3 năm, toàn xã có nhiều hội viên tham gia học xóa mù chữ, trong đó có 20 hội viên đã biết đọc, biết viết, đây là nỗ lực lớn của phụ nữ dân tộc Mông và sự đồng hành hỗ trợ của các đơn vị. Nhiều hội viên đã biết vận dụng kiến thức được bồi dưỡng áp dụng vào sản xuất, sinh hoạt. Nhiều chị chủ động phát triển kinh tế gia đình thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; có ý thức xây dựng nếp sống sinh hoạt trong gia đình, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Mặc dù đã có chuyển biến về nhiều mặt so với trước đây, nhưng xã Nhi Sơn vẫn còn nhiều khó khăn. Để chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả, chúng tôi mong muốn được quan tâm nhiều hơn đến công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức; hỗ trợ cây, con giống, vốn sản xuất, kết hợp với chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết nối thị trường tiêu thụ; bồi dưỡng kiến thức, phương pháp tuyên truyền, vận động cho cán bộ hội cơ sở gắn với biểu dương, khen thưởng kịp thời, vì đây là lực lượng có tác động lớn đến kết quả thực hiện chương trình; mọi sự hỗ trợ phải có sự phối hợp chặt chẽ, “cầm tay chỉ việc” để Nhân dân từng bước chủ động trong sản xuất, sinh hoạt.

Sung Thị Xia

Phó Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát

Hỗ trợ người dân bằng cách tạo việc làm thông qua các mô hình sinh kế

“Thắp lửa” nơi vùng biên từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

Là đơn vị cùng tham gia thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, giai đoạn 2018-2020” tại xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân với một số hoạt động, như: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ mô hình sinh kế, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó..., chúng tôi nhận thấy chương trình thực sự mang lại hiệu quả, có nhiều chuyển biến tích cực. Nhân dân xã Bát Mọt phấn khởi, có khí thế và tinh thần lao động sản xuất hơn, tích cực xây dựng nếp sống mới, có trách nhiệm tham gia với lực lượng biên phòng trong xây dựng nền biên phòng toàn dân. Rõ nhất là bà con chịu khó sản xuất và trồng rau hai vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm có hiệu quả; thực hiện công tác vệ sinh môi trường thông qua mô hình nhà sạch, vườn đẹp; xây dựng hạnh phúc gia đình, nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội... Bà con dân bản đã chung tay với lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc an ninh biên giới quốc gia.

Những chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng và hành động của người dân vùng biên đã được thể hiện rõ về mọi mặt. Tuy nhiên, vì nhiều điều kiện khác nhau, vẫn còn một khoảng cách lớn so với miền xuôi, do đó để tiếp tục phát huy hiệu quả của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn tiếp theo, tôi nhận thấy cần sự vào cuộc nỗ lực, chia sẻ tích cực hơn nữa của các đơn vị đồng hành, vì quá trình thực hiện cần phải dài hơi thì mới bền vững. Trong đó, mấu chốt căn bản là công tác tuyên truyền phải làm liên tục và tích cực hơn để nâng cao nhận thức cho Nhân dân về mọi mặt; hỗ trợ sản xuất phải hướng đến tạo việc làm bằng các mô hình sinh kế, hướng dẫn phương pháp, cách làm để người dân vận dụng tự chủ, làm có hiệu quả và tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình nhằm xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trung tá Thịnh Văn Kiên

Chính trị viên Đồn Biên phòng Bát Mọt, BĐBP tỉnh

Tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn cách thức sản xuất bền vững

“Thắp lửa” nơi vùng biên từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

Cuối tháng 5-2020, gia đình tôi là một trong 36 hộ phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn của xã Yên Khương (Lang Chánh) được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò sinh sản trị giá 10 triệu đồng. Tôi được chủ động mua con giống, được tập huấn kiến thức chăm sóc và hướng dẫn cách làm chuồng trại, trồng cỏ làm thức ăn cho bò... Gia đình tôi đã đối ứng thêm 3 triệu đồng, cùng với nguồn hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh mua 1 con bò cái về nuôi. Chúng tôi còn được hỗ trợ thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản do phụ nữ nghèo làm chủ hộ để cùng nhau chia sẻ cách chăm sóc bò, làm chuồng trại, chia ngày công chăm sóc... Sau thời gian chăm sóc, tôi thấy nuôi bò rất phù hợp với điều kiện của gia đình và được cán bộ hội, chị em động viên nên vay thêm tiền cùng với vốn tích góp mua thêm 2 con bò nữa về nuôi. Hiện nay con bò tôi mua sau đã sinh sản, nâng tổng đàn bò của gia đình lên 4 con. Nhìn thấy đàn bò lớn nhanh và tăng số lượng, gia đình tôi rất phấn khởi và có thêm động lực để tăng gia sản xuất. Tôi được chị em trong tổ bầu là thành viên tiêu biểu của tổ hợp tác. Đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo. Đây là niềm vui lớn bởi trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác chưa được tiếp cận nhiều nguồn hỗ trợ và hướng dẫn cách thức sản xuất bền vững. Đối với chúng tôi, đây là cách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, giúp chúng tôi có ý thức, động lực vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững.

Lò Thị Đoàn

(Bản Chiềng Nưa, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh)

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]