(Baothanhhoa.vn) - COVID-19 ập đến khiến làn sóng thất nghiệp lan rộng, hàng triệu lao động không có việc làm. Hàng rong nổi lên như một nghề cứu cánh, phao cứu sinh của nhiều người mất việc. Bao nỗi lo toan, từ ăn, mặc đến chữ nghĩa cho con cái đều trông chờ vào việc góp nhặt những đồng tiền lẻ ở vỉa hè, đường phố.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sống khỏe qua mùa dịch nhờ “nhặt tiền lẻ” trên vỉa hè

Sống khỏe qua mùa dịch nhờ “nhặt tiền lẻ” trên vỉa hè

Cửa hàng bánh di động của bà Phương là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình.

COVID-19 ập đến khiến làn sóng thất nghiệp lan rộng, hàng triệu lao động không có việc làm. Hàng rong nổi lên như một nghề cứu cánh, phao cứu sinh của nhiều người mất việc. Bao nỗi lo toan, từ ăn, mặc đến chữ nghĩa cho con cái đều trông chờ vào việc góp nhặt những đồng tiền lẻ ở vỉa hè, đường phố.

Một ngày cuối năm, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đông đúc. Bệnh nhân, người thân vội vã ngược xuôi với công việc của mình. Không ai còn thời gian để tâm đến những cái dáng lầm lũi, bơ phờ của các bà, các chị bán hàng rong dọc hai bên đường.

Bà Nguyễn Thị Phương, ở huyện Quảng Xương có 6 năm bán hàng quanh khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bánh chưng, bánh giò, bánh lá... được bà tự tay chế biến rồi đem ra cổng viện bán. Bà Phương cho biết: “Ở đây không ai cho buôn bán cả mà mình phải trả tiền thuê chỗ ngồi, mỗi ngày 20.000 đồng. Khi công an phường đuổi chỉ cần lùi lại là được. Tiền lời mỗi ngày, dư khoảng gần 200.000 đồng. Năm nay dịch bệnh nên bán chẳng được bao nhiêu. Vất vả nắng mưa đều phải đi làm, ráo mồ hôi là hết tiền”.

Từ lúc chuyển ra khu vực cổng bệnh viện buôn bán, bà kéo người chồng ở quê lên làm xe ôm. “Hàng ngày, tôi phải dậy từ 2 giờ sáng để chuẩn bị hàng. Gần 6 giờ sáng, hai vợ chồng chở nhau ra cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh bắt đầu một ngày mưu sinh. Tôi bán hàng, chồng chạy xe ôm. Bữa trưa hai vợ chồng chỉ ăn qua loa, tối muộn lại chở nhau về nhà ở Quảng Xương”, bà Phương tâm sự.

Theo bà Phương, nhờ mưu sinh trên vỉa hè, cuối năm vừa rồi ông bà đã lo được chi phí để cưới vợ cho người con trai cả, lo việc cho cô con gái thứ 2 và giờ đang nuôi cô con gái út học đại học. Năm ngoái, ông bà còn sửa được nhà và sắm chiếc xe máy mới cho cô con gái thứ 2 lấy phương tiện đi làm.

“Thường trú” ở thành phố với nghề bán hàng rong đã hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ chị Phạm Thị Thật, ở thị xã Nghi Sơn, nghĩ đến chuyện về quê làm. Chị nói: “Ở quê tôi giờ về chỉ có làm muối. Nuôi 4 đứa con ăn học mà về quê làm muối thì có mà chết đói. Bây giờ nghề muối cũng chẳng còn thịnh như trước nữa, người dân quê tôi lên thành phố, ra Hà Nội, vào Nam kiếm sống nhiều lắm”.

Chưa biết ngày sẽ về hẳn quê để làm ăn nhưng lúc nào trong đầu chị cũng nghĩ khi nào trả hết nợ xây nhà, các con tự lo được cho bản thân chị sẽ về quê mở cho mình một quán bán đồ ăn sáng nho nhỏ.

Trong dòng người hối hả đó, không hiếm những người phụ nữ cao tuổi. Bất chấp tuổi tác, họ không ngồi chờ đợi trong lo âu để lắng nghe tiếng than thở, đói ăn, bệnh tật, mà quyết sục sạo trên đường phố để tìm kiếm những “mảnh bánh mì vụn” của thời đại dịch. Đeo trên tay một “siêu thị mini” trị giá vài trăm nghìn đồng với đủ loại dây buộc tóc, bông tai, bấm móng tay..., bà Hoàng Thị Viểng, quê huyện Hậu Lộc, lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm của thành phố. Mỗi ngày, bà chỉ bán được khoảng 150.000 đồng. Hôm nào trời mưa là hầu như không bán được đồng nào, thế nhưng bà Viểng cho rằng vẫn hơn là ở quê trông chờ vào ba sào ruộng với mấy con gà, con vịt.

Theo lời bà Viểng: “Mảnh ruộng ở quê bị hoang hóa, tôi cũng không làm được, vì đã già yếu. Nếu không đi làm thuê hoặc bán hàng rong ở thành phố, thì chẳng biết lấy tiền đâu để trang trải cuộc sống. Hơn nữa, nhiều người hàng xóm của tôi ở quê vẫn bám trụ được ở thành phố, thì sao tôi phải về?”. Vừa nói bà vừa vẫy tay mời những người khách đi qua.

Có một điều dễ dàng nhận thấy, kinh tế vỉa hè cho dù trước kia hay trong thời điểm hiện tại, là một bộ phận cơ hữu của nền kinh tế nước ta, nuôi sống rất nhiều hộ gia đình. Thời dịch bệnh hoành hành, kinh tế suy giảm, vỉa hè trở thành “cứu cánh” của không ít người vừa mất việc làm.

Em Hoàng Việt Hưng, quê Hậu Lộc là nhân viên của một công ty tư nhân, thất nghiệp từ tháng 4 vì COVID-19. Em mới sắm một xe đẩy bán đồ ăn vặt và các loại nước ép hoa quả quanh khu vực Quảng trường Lam Sơn. Xe đồ ăn vặt của Hưng còn là phao cứu sinh của 2 đứa em cũng vừa mất việc ở Khu Công nghiệp Lễ Môn. “Cùng không có công ăn, việc làm, nên em nói chúng ra đây bán hàng”, vừa nói, Hưng vừa nhanh tay ép nước cho khách. Những câu chuyện về việc cả gia đình, anh em kéo nhau lên thành phố, bám vỉa hè kiếm sống không hiếm, nhất là khi COVID-19 khiến “đội quân” thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Theo lời Hưng, nước ép hoa quả hay mấy đồ ăn vặt Hưng bán đều khá phổ biến, giá cả bình dân, được nhiều người ưa thích, nhất là học sinh và người lao động. Bán những món đồ này không cần bỏ nhiều vốn, khách đông là có thể thu lợi nhanh. Hưng nhẩm tính, trừ chi phí, mỗi tháng có thể lãi 10-15 triệu đồng. Như vậy, anh em mỗi người cũng có dăm, ba triệu đồng dắt lưng để sinh sống. “Mức thu nhập đó là ổn trong bối cảnh này, thay vì phải về quê”, Hưng thủng thẳng.

Không mất chi phí thuê mặt bằng, không cần nhiều vốn, nên những xe đẩy cà phê, nước giải khát, xôi, bánh mì,... rong xuất hiện ngày càng nhiều trên vỉa hè, theo những khung giờ cố định trong ngày. Giữa “thời COVID-19” đầy khó khăn, bức tranh kinh doanh vỉa hè dường như lại càng sôi động, bởi ở đó là cuộc sống, là hy vọng vào ngày mai của biết bao người.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]