(Baothanhhoa.vn) - Trước nguy cơ cao mất an toàn phòng, chống cháy nổ ở di tích trong mùa lễ hội đầu năm, các ban quản lý di tích và lực lượng chức năng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp chủ động phòng ngừa.

Phòng ngừa hỏa hoạn tại di tích trong mùa lễ hội đầu xuân

Trước nguy cơ cao mất an toàn phòng, chống cháy nổ ở di tích trong mùa lễ hội đầu năm, các ban quản lý di tích và lực lượng chức năng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp chủ động phòng ngừa.

Phòng ngừa hỏa hoạn tại di tích trong mùa lễ hội đầu xuânNgười dân chấp hành quy định về PCCC, dâng hương bên ngoài khu thờ tự tại đền Cửa Đặt (Thường Xuân).

Theo đó, ngày 13-1 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các cơ quan, đơn vị chuyên môn có liên quan tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ. Trước mắt, các địa phương cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường công tác quản lý về tổ chức dâng hương, tổ chức lễ hội tại di tích và thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các di tích phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; nghiêm cấm các hoạt động mê tín dị đoan và hạn chế tối đa đốt vàng mã, thắp nến, thắp hương... tại di tích; quy định nơi hóa hương, vàng phải cách xa di tích, không có nguy cơ hoặc tiểm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn; kiểm tra lại nguồn, đường dây điện hiện có tại di tích và đảm bảo hệ thống dây điện, đèn chiếu sáng tại di tích phải an toàn; quan tâm và đầu tư phương án, phương tiện, lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại di tích để đảm bảo an toàn cho di tích và môi trường, cảnh quan...

Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo này, các địa phương và ban quản lý di tích đã tích cực triển khai các biện pháp chủ động bảo vệ di tích, chú trọng các giải pháp PCCC. Tại đền Cửa Đạt, để phục vụ du khách đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm, ban quản lý đã tăng thời lượng phát thông báo hướng dẫn trên loa truyền thanh bên trong di tích, đồng thời yêu cầu du khách tuyệt đối không được thắp hương bên trong khu thờ tự. Ban quản lý di tích còn bố trí nhân viên thường trực hướng dẫn du khách tham quan và yêu cầu không được mang vàng, hương hoặc các vật dụng, đồ dùng dễ gây cháy nổ vào bên trong khu thờ. Trước các cung thờ tự đều được bố trí lư hương lớn ngoài trời phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Thường Xuân - Đỗ Doãn Bảy cho biết: Để đảm bảo công tác PCCC tại đền Cửa Đặt trong dịp đầu xuân, ngoài kiểm tra phương tiện, trang bị như bình chữa cháy, vòi phun nước, hệ thống điện... trung tâm đã chủ động xây dựng và diễn tập phương án PCCC theo tình huống giả định. Đồng thời luôn luôn bố trí nhân viên trung tâm thuộc đội PCCC cơ sở tại di tích, sẵn sàng ứng cứu ban đầu khi có hỏa hoạn xảy ra.

Tương tự, tại đền Nưa - Am Tiên, thị trấn Nưa (Triệu Sơn), công tác PCCC cũng được chú trọng thực hiện từ bãi trông gửi xe đến khu vực thờ tự. Thiếu tá Lê Thế Anh, Trưởng Công an thị trấn Nưa, cho biết: Đầu tháng 1-2023 công an thị trấn đã phối hợp với đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Triệu Sơn tiến hành kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn PCCC tại các di tích. Qua kiểm tra, các ban quản lý di tích đã cơ bản chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, đảm bảo các điều kiện phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân và du khách.

Thanh Hóa hiện có khoảng 1.500 di tích đã được kiểm kê và hơn 300 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra hàng năm. Trong đó có nhiều di tích tâm linh đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân trong và ngoài tỉnh dịp đầu năm, như đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn), đền Độc Cước (TP Sầm Sơn), đền Cửa Đặt (Thường Xuân)... Sau Tết Nguyên đán Quý Mão những di tích này gần như bị quá tải trước dòng người về dâng hương, vãn cảnh, gia tăng nguy cơ hỏa hoạn đã đặt ra nhiệm vụ PCCC tại các di tích trở nên nặng nề hơn. Thực tế nhiều năm trước trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra hỏa hoạn thiêu rụi di tích. Để bảo vệ di tích, ngoài sự tập trung cao độ của chính quyền các địa phương, ban quản lý di tích, lực lượng công an cũng đã vào cuộc vừa đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, vừa kịp thời ứng phó khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra.

Cùng với đó, chủ các gian hàng, ki-ốt kinh doanh quanh khu vực di tích cũng đã được yêu cầu viết cam kết, chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an ninh trật tự và PCCC. Bên trong các khu thờ tự, bình chữa cháy tại chỗ cũng được trang bị, vật dụng dễ cháy cũng được bố trí cách xa nguồn điện; nơi hóa hương, vàng, đồ cúng được bố trí cách xa di tích, không có nguy cơ hoặc tiểm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn...

Để bảo vệ di tích, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các ban quản lý di tích đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, song nguy cơ hỏa hoạn không phải đã hoàn toàn bị loại bỏ. Bởi theo ghi nhận thực tế của phóng viên, vẫn còn tình trạng nhiều người dân sau khi được thông báo, nhắc nhở vẫn đem hương, vàng vào bên trong khu thờ tự di tích khấn vái, kêu cầu, gây nguy cơ hỏa hoạn. Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Thường Xuân - Đỗ Doãn Bảy khuyến cáo: "Người dân đến tham quan, hành lễ tại các di tích nói chung và di tích đền Cửa Đặt nói riêng cần chấp hành tốt các quy định, hướng dẫn của ban quản lý, nâng cao ý thức tự phòng ngừa sự cố cháy, nổ để bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình và người xung quanh. Đó cũng là cách để chúng ta giữ gìn di tích cho muôn đời sau”.

Bài và ảnh: Đồng Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]