(Baothanhhoa.vn) - Thời nay, người ta có một câu nói vui, khi yêu nhau thì thề “sống chết có nhau”, còn khi chia tay thì thề “sống chết với nhau”. Cuộc sống hiện đại, với thứ tình yêu nhanh, cưới vội rồi sớm ly hôn... để lại sau đó là những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi. Không ít đứa trẻ đã phải ra tòa làm nhân chứng cho cuộc sống bất hòa của cha mẹ và cũng không ít đứa trẻ đã khó khăn khi phải lựa chọn hoặc sống với cha, hoặc sống với mẹ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nước mắt phân ly

Thời nay, người ta có một câu nói vui, khi yêu nhau thì thề “sống chết có nhau”, còn khi chia tay thì thề “sống chết với nhau”. Cuộc sống hiện đại, với thứ tình yêu nhanh, cưới vội rồi sớm ly hôn... để lại sau đó là những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi. Không ít đứa trẻ đã phải ra tòa làm nhân chứng cho cuộc sống bất hòa của cha mẹ và cũng không ít đứa trẻ đã khó khăn khi phải lựa chọn hoặc sống với cha, hoặc sống với mẹ.

Nước mắt phân ly

Có một gia đình hạnh phúc với đầy đủ bố mẹ là niềm mơ ước của nhiều đứa trẻ.

Con thơ chịu cảnh chia ly

Buổi sáng tháng 5, sau cơn mưa đêm, trước sân Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Hoằng Hóa tiết trời se lạnh, mùi đất ẩm xộc vào mũi. Vừa bước vào cổng tòa án, nhiều người ái ngại khi trông thấy hai đứa trẻ ngồi thu lu trên ghế đá. Bé gái, 3 tuổi, rấm rứt khóc, nằng nặc đòi vào phòng xử án ở gần đó với bố mẹ. Bé trai, 8 tuổi, không biết làm thế nào dỗ em, đành khóc theo. Bé gái tưởng mình không nghe lời khiến anh buồn nên nín khóc. Ánh nhìn trong trẻo vương đầy nước mắt của 2 đứa trẻ khiến những người qua lại không khỏi xót xa.

Bên trong phòng xử án, trên hàng ghế chờ, hai người từng chung chăn gối giờ ngồi câm lặng, không một lần quay lại nhìn nhau. Đây là phiên tòa phúc thẩm, được mở theo yêu cầu kháng cáo của anh Hoàng Văn Đ., 39 tuổi, ở xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) – chồng chị Nguyễn Thị T., 35 tuổi, xã Nga Thủy (Nga Sơn). Trước đó, anh Đ. và vợ đã được TAND huyện Hoằng Hóa ghi nhận thuận tình ly hôn. Hai người không có tranh chấp về tài sản. Cháu bé 3 tuổi được giao cho mẹ, bé trai 8 tuổi được giao cho bố nuôi dưỡng. Tại phiên tòa phúc thẩm, người chồng xin tòa cho mình được nuôi cả hai con vì muốn hai anh em được gần nhau.

Phiên tòa diễn ra, cả hai tranh cãi kịch liệt bằng những ngôn từ như những mũi dao sắc nhọn, không biết vô tình hay cố ý tuôn ra. Những thói hư, tật xấu của nhau được họ liên tục phô bày với kiểu ăn miếng, trả miếng nhằm chứng minh mình mới là người thích hợp để nuôi con tốt nhất. Chị nói anh luôn tìm cách chia cắt tình mẹ con, miệt thị chị trước mặt con. “Những ngày gần đây, đêm nào nằm ngủ, tôi cũng ôm chặt con, sợ sáng mai mình sẽ không được ở cạnh con. Anh ấy luôn hăm dọa tách rời mẹ con tôi, tôi thấy đau đớn và mất mát như ai xẻ từng thớ thịt”, chị vừa khóc vừa nghẹn ngào nói.

Chủ tọa phiên tòa nhiều lần khuyên nhủ 2 người suy xét thấu đáo để con trẻ không thiệt thòi. Tuy vậy, 2 bên vẫn không ngừng đưa ra nhiều lý do bảo vệ ý định. Những nghi kỵ của người vợ không vì lời khuyên của chủ tọa mà giảm bớt. Ý chồng chê trách vợ càng gay gắt hơn trong không gian lạnh lẽo của tòa. Trước khi tòa nghị án, chị vịn vào cạnh bàn, cay đắng nói: “Em có lỗi gì với anh, sao anh đối xử với em như vậy? Anh bảo để đời dạy em, giờ thì em biết đời dạy em những thứ gì. Cái giá của lòng tin quá đắt khiến em mất con trong tầm tay”.

Cuối phiên xử, tòa cho rằng, dù người bố có thể nuôi 2 con nhưng bé gái đang tuổi chăm sóc, nên giao cháu cho mẹ là đúng đắn và bác đơn kháng cáo của người chồng. Vì sau này, cháu đến tuổi dậy thì cần có “tư vấn”, chia sẻ từ người mẹ. Nghe tin 2 chị em sẽ không được sống cùng nhau, bé trai khóc lớn. Tới lúc theo bố ra xe về nhà, cậu bé vẫn không ngừng rơi nước mắt. Những giọt nước mắt giàn giụa đó rồi cũng nhanh chóng mất đi sau mấy cái lau quẹt vội của cậu bé khi chiếc xe lao đi. Có lẽ, chỉ niềm đau âm ỉ vẫn theo em suốt quãng đường dài...

Đến phiên tòa từ khá sớm, chị Đặng Thị H., 29 tuổi, thị trấn Hoằng Hóa, ngồi lặng lẽ trong khán phòng trống trơn. Trong khi chờ đợi, chị lôi ảnh bé gái khá bụ bẫm, đôi mắt tròn đen láy, môi chúm chím cười ra ngắm. Thấy có người, chị vội đứng dậy nhưng lại buông thõng ánh mắt thất vọng khi chỉ thấy chồng cũ và mẹ đẻ tới tòa. Người chồng đâm đơn ly hôn với lý do vợ chồng phát sinh nhiều bất đồng trong cuộc sống và xin được tiếp tục nuôi con. Chị H. chấp nhận ly hôn vì cảm thấy vợ chồng đã hết tình, hết nghĩa. Song, chị đề nghị tòa án giao con cho mình chăm sóc và yêu cầu anh cấp dưỡng 2 triệu đồng/tháng.

Suốt phiên tòa, mỗi khi được hỏi đến con, chị H. đều khóc. Theo lời chị, khoảng tháng 8-2018, khi hạnh phúc rạn nứt, người chồng tự ý mang con về nhà bố mẹ. Nhớ con, chị về thăm nhưng phải xin phép chồng và thường bị ngăn cản. Tại tòa, anh thừa nhận có việc mỗi lần chị đến thăm con mẹ anh không cho gặp, không cho chị đưa cháu đi chơi. “Đó cũng là lỗi của cô ấy. Cô ấy không xin phép tôi mà đưa con đi thì ai đồng ý. Dù vậy, có lần thấy cô ấy khóc lóc vì nhớ con, tôi không muốn trái lời mẹ nhưng đã phải nói dối mẹ là đưa con đi siêu thị chơi. Đến nơi, tôi cho cô ấy gặp con tại đó. Cô ấy cũng phải hiểu chứ!”.

“Tòa hiểu được phần nào tâm tư của anh chị nhưng người mà tòa bảo vệ ở đây là đứa trẻ. Hai người hãy suy nghĩ lại đi. Vợ chồng ly hôn là đã mất mát, thiệt thòi cho con lắm rồi, có cho con ăn vàng, ăn bạc cũng không bù đắp nổi. Giờ chỉ còn cách cố gắng ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp tốt nhất cho con. Đó mới là vì con, anh chị hiểu không?”, lời phân tích của bà Lương Thị Hoa, Phó Chánh án TAND huyện Hoằng Hóa – chủ tọa phiên tòa làm họ im phăng phắc.

Phiên xử đến hồi gay cấn, cả chị H. và chồng đều cho rằng nên hỏi ý kiến con, tuy nhiên, chị H. lại phân vân: “Đưa cháu đến tòa tôi sợ cháu bị tổn thương, có giải pháp nào nhẹ nhàng hơn không”. Vị chủ tọa nói luôn: “Nếu các anh chị đã thương con, sợ con bị tổn thương thì sao còn ly hôn, sao còn gây khó dễ cho nhau”. Trước câu hỏi ấy, cả hai đều im lặng. Một cuộc điện thoại được kết nối ngay giữa phiên tòa. “Tòa án muốn cháu xác nhận ở với bố hay ở với mẹ?”. “Cháu muốn được ở với cả bố và mẹ, nhưng nếu phải lựa chọn, cháu muốn được ở với bà” - giọng cô bé nói qua điện thoại.

Cứ thế, đứa trẻ dù không có mặt nhưng nó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Cuối cùng, tòa vẫn quyết định giao đứa trẻ cho anh tiếp tục nuôi dưỡng bởi sống với anh đứa trẻ sẽ có điều kiện được chăm sóc tốt hơn, tránh xáo trộn cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, anh đã phải làm cam kết tạo điều kiện để chị được đón con vào chiều thứ 7 hàng tuần. Đó là cam kết của anh nhưng không biết bà nội đứa bé sẽ phản ứng ra sao? Vì thế, chị bật khóc. Phiên tòa kết thúc. Chị rưng rưng nước mắt. Còn anh, tất tả ra về. Vừa bước ra khỏi phòng xử, anh đã bốc điện thoại gọi đi để báo “tin mừng”. Chị nhìn liếc anh chua chát. Đứa trẻ không có mặt, nó cũng chưa đủ lớn để hiểu chuyện người lớn. Thế nhưng có lẽ nó không thể có một tuổi thơ trọn vẹn dù nó được bà nội và cha rất mực yêu thương.

Quên nỗi đau của con

Đối với nhiều bậc cha mẹ, ly hôn là cách để giải phóng hai người khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Thế nhưng, đối với trẻ em, đó lại là những mất mát, những tổn thương không hề nhỏ cả về tinh thần và thể chất. Những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Và, không ít trẻ em vô tình trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ” của những thù hận giữa cha và mẹ. Đơn cử như trường hợp hai chị em gái K.M. 7 tuổi và A.V. 9 tuổi, tạm trú tại phường Đông Hương (TP Thanh Hóa). Do mâu thuẫn gia đình, bố mẹ ly thân, người bố đã đến trường rút học bạ của 2 con. Khi chị T., mẹ của hai cháu muốn xin cho các con nhập học tại một trường tiểu học khác ở phường Điện Biên thì nhà trường trả lời rằng, nếu không có học bạ sẽ không thể tiếp nhận được. Do đó, chị T. muốn lấy lại học bạ cho các con, song chồng chị kiên quyết không trả học bạ. Theo chị T., chồng cũ thường xuyên di chuyển, không làm việc và ở một nơi cố định, gây khó khăn cho việc học tập và hòa nhập với chúng bạn của hai con. Phải mất một thời gian dài đấu tranh, bố cháu đã chịu trao trả học bạ cho các cháu.

Thiếu hụt tình cảm, những đứa trẻ còn bị chính cha mẹ ruột của mình làm tổn thương. Dư luận đã không ít lần bàng hoàng về những vụ việc trẻ bị bạo hành bởi bàn tay của chính cha ruột và mẹ kế hoặc mẹ ruột, bố dượng.

Tiến sĩ xã hội học Lê Bạch Dương, đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhận định: “Những đứa trẻ sống trong gia đình có bố mẹ ly hôn sẽ gặp nhiều khó khăn trong học tập, như: Không thể tập trung chú ý trong giờ học, hay quên... Những trẻ lớn hơn thì tỏ ra chán học, hay quậy phá trong lớp. Đáng chú ý, một số ít cha mẹ khi ly hôn không muốn hoặc không thể gánh vác trách nhiệm một mình nuôi dưỡng và chăm sóc con cái. Họ đã thỏa thuận trẻ ở với bố vài tháng hoặc vài tuần lại đến ở với mẹ. Sự chuyển dịch chỗ ở liên tục như vậy kéo theo sự xáo trộn trong sinh hoạt, tạo ra cho trẻ một số lo âu, chủ yếu là lo bị bỏ rơi”.

Một trong những hậu quả lâu dài mà sự ly dị của cha mẹ để lại cho bé trai là xu hướng sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ gia đình sau này. Theo nhiều nghiên cứu, nhóm bé trai trong các gia đình ly hôn có tỷ lệ nghiện rượu, nghiện ma túy và có nguy cơ xuất hiện các rối nhiễu tâm lý cao hơn hẳn nhóm trẻ bình thường.

Gần 20 năm ngồi ghế thẩm phán, với bà Lương Thị Hoa, xét xử ly hôn vẫn là niềm khắc khoải. Có những giọt nước mắt, có sự tiếc nuối, đôi khi là tức giận xen lẫn sự yêu thương, nhưng day dứt nhất vẫn là đối diện trước ánh mắt như van xin rất đỗi ngây thơ của con trẻ. “Nhiều khi họ còn cầu xin tôi để họ sớm được giải thoát. Nhưng chẳng mấy ai quan tâm nhiều đến quyền lợi của con, những tổn thương tinh thần to lớn mà các con phải chịu. Với họ lúc ấy chỉ có một điều duy nhất là làm sao cho sớm được ly hôn sau đó con cái có thể ở với bố, với mẹ và họ sẽ có nhiệm vụ là đóng góp. Tôi đồng ý ly hôn là một sự giải thoát nhưng mong những người làm cha, mẹ hãy nghĩ kỹ trước khi đặt bút ký” - bà Hoa chua xót nói.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]