(Baothanhhoa.vn) - Nếu không trực tiếp cảm nhận, khó tin được một loài măng rừng có thể dùng nước luộc làm canh, ngọt đậm, không cần nêm thêm mì chính. Những miếng măng mềm với mùi thơm rất đặc trưng ấy hoàn toàn khác với vị hơi đắng của các loài măng từ nứa, luồng. Đó chính là măng Bum – một giống cây đặc hữu của núi rừng xã Thiết Kế, huyện Bá Thước.

Măng Bum - đặc sản núi rừng Thiết Kế

Nếu không trực tiếp cảm nhận, khó tin được một loài măng rừng có thể dùng nước luộc làm canh, ngọt đậm, không cần nêm thêm mì chính. Những miếng măng mềm với mùi thơm rất đặc trưng ấy hoàn toàn khác với vị hơi đắng của các loài măng từ nứa, luồng. Đó chính là măng Bum – một giống cây đặc hữu của núi rừng xã Thiết Kế, huyện Bá Thước.

Măng Bum - đặc sản núi rừng Thiết Kế

Trưởng thôn Thiết Giang, ông Bùi Hồng Công bên bụi Bum tại địa phương.

Năm 2017, khi có dịp đồng hành cùng đoàn công tác của Tổ chức Tầm nhìn thế giới khảo sát hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất ở các xã vùng cao huyện Bá Thước, trong bữa ăn giữa rừng Pù Luông với những món ăn đậm chất miền núi ấy, nhiều thực khách tấm tắc khen món canh măng với mùi vị đặc trưng lần đầu được thưởng thức. Theo lý giải của một cán bộ huyện, đây là giống măng đặc sản, hiện chỉ phát triển ở một số vùng sâu của huyện với số lượng khá ít. Đó cũng chính là lý do mà không nhiều người biết loại măng này.

Trong nhiều chuyến công tác và điền dã ở vùng rừng núi Pù Luông sau đó, chúng tôi tìm hiểu thêm các thông tin về loài măng này nhưng không nhiều người biết đến. Vùng phân bổ chủ yếu của loài măng Bum chính thức ở đâu? Tại sao một loại thực phẩm có chất lượng như vậy mà chưa được quảng bá, hay triển khai mô hình nhân rộng để đồng bào phát triển kinh tế? Tính đến thời điểm trước khi có bài viết này đăng tải, khi tra từ khóa “măng Bum” trên công cụ tìm kiếm Google, vẫn chưa tìm thấy có kết quả nào phù hợp. Để giải đáp những băn khoăn ấy, chúng tôi đã nhờ các cán bộ Phòng Dân tộc huyện Bá Thước tìm hiểu thêm. Là người có hơn nửa cuộc đời công tác tại huyện miền núi này, Trưởng Phòng Dân tộc Vũ Đình Hảo đã biết khá rõ và cung cấp thêm cho chúng tôi nhiều thông tin về cây măng Bum.

Theo lời giới thiệu của ông Hảo, chúng tôi về xã Thiết Kế tìm gặp Bí thư Đảng ủy Phạm Thế Duyệt. Được lời như cởi tấm lòng, ông Duyệt bày tỏ vui mừng vì cũng đang rất muốn quảng bá để phát triển cây măng đặc sản địa phương thành vùng cây trồng hàng hóa. Theo ông, tuổi thơ đi chăn trâu, ông và các bạn vẫn thường đào loại măng này về làm thực phẩm. Đây là một loài họ tre luồng, nhưng chủ yếu chỉ phân bổ trong vùng, được nhiều hộ dân địa phương lưu gốc từ đời này qua đời khác. Ngoài mọc hoang dại trên rừng, nhiều gia đình vẫn trồng ở vườn nhà để sử dụng hoặc cho tặng. Biết là giống măng quý, nhưng đồng bào Mường, Thái địa phương thường quen với phương thức sản xuất “tự cung, tự cấp”, lại sinh sống ở những vùng cách trở giao thông, xa trung tâm nên chưa chú trọng phát triển cây trồng này theo quy mô lớn, khai thác làm sản phẩm hàng hóa.

“Toàn xã Thiết Kế hiện có 19 thôn và thôn nào cũng có măng Bum, tuy nhiên số lượng không nhiều, trung bình mỗi thôn cũng chỉ duy trì khoảng từ 20 đến 30 bụi. Cũng theo ông Bí thư Đảng ủy xã, măng Bum là loài cây bản địa dễ chăm sóc, cây này có thể mọc trên những vùng núi đá, đồi dốc cằn cỗi. Từ nhiều đời nay, bà con cũng chẳng ai tưới tắm hay chăm sóc mà cứ để phát triển tự nhiên. Vào mùa mưa, chỉ cần lấy một hom cành cắm xuống đất cũng có thể sinh trưởng thành cây”.

Để giúp chúng tôi tiếp cận “thủ phủ” của loài măng Bum, anh Phạm Văn Hải, cán bộ Văn phòng Thống kê xã Thiết Kế đã tình nguyện đồng hành. Phải vượt sông Mã với dòng nước lớn bằng chiếc thuyền nhỏ gắn máy đuôi tôm, chúng tôi mới đến được thôn Thiết Giang thanh bình với khí hậu mát mẻ. Chờ sẵn tại bến đò, trưởng thôn Bùi Hồng Công đã nhiệt tình gọi thêm người đem xe mô tô chở chúng tôi vào rừng sâu. Xen lẫn những thảm thực vật um tùm và những khóm luồng của các hộ dân, trưởng thôn Bùi Hồng Công cùng những thanh niên giới thiệu những bụi măng Bum. So với luồng, những thân cây Bum còn to hơn với mắt khá thưa, lá lớn tựa lá cây vầu với màu xanh mướt. Theo nhiều người dân địa phương, măng Bum có phần “thịt” dày hơn nên cầm lên cảm giác nặng tay hơn nhiều so với măng luồng. Thân cây Bum trưởng thành rất nặng, nhưng chất gỗ không tốt như tre hay luồng. Theo suy luận của chúng tôi, phải chăng thành phần xen-lu-lô và chất xơ của cây Bum thấp nên giá trị gỗ không cao, nhưng đây có thể là yếu tố quyết định chất lượng măng mềm hơn so với măng luồng hay măng nứa.

Với diện tích đất rừng tới gần 5 ha, lại phân bổ dọc con suối dẫn nước mang theo độ ẩm quanh năm, gia đình anh Trương Văn Nhớ trong thôn đang duy trì 10 bụi Bum lớn. Theo chủ vườn rừng sinh năm 1972 này, vào tháng 4, tháng 5 âm lịch khi có nhiều mưa là thời điểm măng Bum lên nhiều nhất. Phân biệt măng Bum với các loại măng khác không khó, bởi lớp áo vỏ măng Bum có màu hơi đỏ chứ không phải màu xanh. Nếu các loại măng khác, kể cả măng ngọt Bát Độ cũng phải luộc từ 1 đến 2 lần cho hết vị đắng và mùi ngái mới có thể sử dụng làm thực phẩm, thì măng Bum có thể thái nấu ngay. Không những thế, nước luộc hay nấu canh măng Bum có vị ngọt, nhiều đời nay bà con còn sử dụng măng chế biến thức ăn mà không cần thêm mì chính. Những người sành ăn chia sẻ, nếu lấy măng Bum nấu với vịt Cổ Lũng, hai loài cây - con bản địa sẽ tạo nên món ăn ngon khó cưỡng. Thứ măng này cũng có thể nấu canh xương, chân giò lợn cũng rất hợp vị...

Gần đây, cùng với sự phát triển hoạt động du lịch tại Pù Luông, nhu cầu tiêu thụ cây măng Bum ngày càng lớn. Một số hộ đồng bào địa phương đã biết khai thác măng để bán với giá dao động từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đa phần đồng bào chưa chủ động phát triển diện tích lớn nên hiện không đủ măng để cung ứng cho các cơ sở du lịch trong vùng. Nhận thấy tiềm năng thị trường đầu ra cho sản phẩm khá lớn, UBND xã Thiết Ống đã xây dựng kế hoạch và đang triển khai phát triển 2 vùng trồng măng Bum, với diện tích ban đầu khoảng 20 ha, kế hoạch lâu dài sẽ mở rộng lên 80 ha. Trên cơ sở đề xuất của xã và nghiên cứu tiềm năng thực tế, UBND huyện Bá Thước đã có phương án hỗ trợ xây dựng 10 ha măng Bum tại thôn Thiết Giang theo hướng chuyên canh, áp dụng các giải pháp khoa học - kỹ thuật để măng mập và năng suất hơn. Được đề xuất theo đề án phát triển cây trồng, vật nuôi lợi thế khu vực miền núi của tỉnh nên thời gian gần đây, cả Ban Dân tộc tỉnh cũng như Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã về địa phương khảo sát, đánh giá mô hình có triển vọng phát triển. Trên cơ sở được hỗ trợ kinh phí, có lộ trình cụ thể, hoàn toàn có tính khả thi để phát triển thêm quy mô giống cây trồng quý hiếm này trong những năm tới.

Kỳ vọng về mô hình cây trồng đặc sản đang nung nấu và bắt đầu triển khai, Bí thư Đảng ủy Phạm Thế Duyệt cho biết thêm: Khi đã có vùng trồng măng Bum tập trung, xã sẽ thành lập HTX để liên kết các hộ, chịu trách nhiệm mở rộng thị trường cho sản phẩm. Chúng tôi cũng tính đến phương án, khi sản phẩm nhiều, sẽ cho luộc, hút chân không và cấp đông để có thể để lâu và đưa đi xa. Mặt khác, sẽ cho sấy khô bởi thực tế, chất lượng măng khô vẫn tốt và khác biệt với những loại măng khô truyền thống.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]