(Baothanhhoa.vn) - Trong khi các cấp học khác đều có quy định về định mức tiết dạy, thì các giáo viên mầm non (GVMN) chẳng tính tiết, tính giờ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giáo viên mầm non - còn đó những nỗi niềm

Trong khi các cấp học khác đều có quy định về định mức tiết dạy, thì các giáo viên mầm non (GVMN) chẳng tính tiết, tính giờ.

Cô và trò Trường Mầm non Vườn Mặt Trời (TP Thanh Hóa).

Mỗi ngày bắt đầu từ 6h30, sáng với việc chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón trẻ vào lớp, cho trẻ ăn sáng, tham gia hoạt động buổi sáng, rồi chuẩn bị cho bữa cơm trưa, lo cho các cháu ngủ, bữa ăn nhẹ, các trò chơi hoạt động buổi chiều và trả trẻ từ hơn 16h cho đến khi hết trẻ... Vòng tuần hoàn đó cứ lặp đi, lặp lại, tưởng đơn giản, nhưng có chứng kiến một buổi học của cô - trò ở trường mầm non mới thấu hiểu những vất vả, áp lực của các cô khi một lúc chăm sóc, dạy bảo hàng chục cháu mà mỗi trẻ lại mang một tính cách khác nhau.

Cô giáo Nguyễn Thị Loan, giáo viên Trường Mầm non Trường Thi B chia sẻ: Làm GVMN cứ như “làm dâu trăm họ” mà chỉ những người yêu nghề, say nghề mới đảm đương tốt được công việc của mình. Vất vả nhất là giờ cho trẻ ăn trưa. Mỗi bữa ăn trưa như là một “cuộc chiến” với các giáo viên vậy. Những bé lớp lớn biết cầm thìa tự xúc còn đỡ, các con lớp bé hầu hết các cô phải cho các con ăn (mỗi cô đảm đương 10 bé là chuyện thường). Khi các cháu ngủ say, các cô tranh thủ ăn cơm và ngồi nghỉ ngơi chứ không dám ngủ vì còn phải quan sát các cháu.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngân, giáo viên trường Mầm non tư thục Kiss Home (TP Thanh Hóa) bộc bạch: “Sau 6 tháng nghỉ sản, tôi phải nhờ bà ngoại và thuê thêm một người giúp việc đến trông con để đi làm. Khi đã đi làm thì việc đi sớm về muộn là chuyện thường nên việc chăm con, vun vén gia đình đối với chúng tôi thật khó chu toàn. Đó là chưa kể khi con ốm, nỗi lòng canh cánh lo cho con phải gác một bên để hoàn thành việc chăm và dạy mấy chục cháu ở lớp”... Hơn 19 năm trong nghề, khi được hỏi về nỗi niềm người nuôi dạy trẻ, cô giáo Lê Thị Hà, giáo viên Trường Mầm non Họa Mi cho biết: “Một mẹ chăm 2 đứa con đã mệt, trong khi mỗi cô giáo mầm non nuôi dạy 15-20 cháu thì chắc các mẹ cũng hiểu được phần nào nỗi vất vả của chúng tôi. Cô giáo phải vừa là mẹ, là bạn, lại là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà tâm lý học, bác sĩ... của trẻ. Thế nên, nếu không yêu trẻ, chúng tôi sẽ không chọn và gắn bó được với nghề”.

Vất vả không chỉ dừng lại ở đó, bởi với các cô giáo mầm non vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang... ngoài khó khăn chung trong công tác giảng dạy thì vấn đề huy động trẻ tới lớp không phải là điều dễ dàng. Trước khi bước vào năm học mới 1 tháng, cô giáo Hà Thị Liên, Trường Mầm non Lũng Cao (Bá Thước) lại đến gõ cửa từng nhà, vận động phụ huynh cho con đến lớp. Thế nhưng, việc làm của các cô không phải lúc nào cũng được phụ huynh hiểu và đón nhận. Thậm chí, không ít lần, các cô phải lầm lũi ra về, chịu đựng thái độ bất hợp tác từ phụ huynh. Cô Liên cho biết: “Địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, con đường đi phổ cập giáo dục đã gian nan, lại thêm một số phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc cho trẻ đến trường khiến mọi việc càng khó khăn hơn”. Nhưng các cô vẫn không nản chí, tất cả đều vì tương lai con trẻ, không thuyết phục được lần 1 thì kiên nhẫn đến nhà lần 2, lần 3. Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ mầm non trên địa bàn xã đạt 100%, lớp nhà trẻ đạt 35%.

Công việc vất vả, áp lực là vậy, nhưng chế độ, chính sách cho GVMN vẫn chưa tương xứng. Với mức thu nhập khoảng 3.000.000 đồng/tháng ở các trường thành phố; 2.000.000 đồng/tháng ở trường nông thôn (bao gồm lương, tiền làm thêm giờ, các khoản phụ cấp), GVMN rất chật vật, khó khăn để trang trải cuộc sống. Dẫu biết rằng mỗi nghề đều có những vất vả riêng, nhưng đối với nghề GVMN đòi hỏi phải hội đủ nhiều yếu tố. Không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, GVMN cần có tình yêu với trẻ và chăm sóc giáo dục trẻ với cái tâm của một người mẹ. Những vất vả của GVMN có lẽ chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Khi vị thế của công việc chăm sóc, ươm mầm măng non còn bị xem nhẹ thì những áp lực vẫn còn đeo đẳng. Do vậy, cần lắm những thay đổi về chính sách đãi ngộ để “giữ chân” những người lấy niềm vui chăm trẻ làm lẽ sống. Và cần nhiều hơn nữa cái nhìn cảm thông từ phía xã hội, từ phía phụ huynh dành cho GVMN.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]