(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, một bộ phận nhân dân, đặc biệt những gia đình sinh con "một bề" là gái ở khu vực nông thôn luôn có nhu cầu sinh thêm con trai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy: lựa chọn giới tính khi sinh, gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính, tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 ở các gia đình sinh con “một bề” là gái... Để hạn chế tình trạng này, ngành dân số huyện Thiệu Hóa đã cho thành lập mô hình "CLB sinh con một bề là gái" ở một số xã, thị trấn nhằm hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, nuôi dạy con cái.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ðộc đáo "CLB sinh con một bề" ở Thiệu Hóa

Hiện nay, một bộ phận nhân dân, đặc biệt những gia đình sinh con "một bề" là gái ở khu vực nông thôn luôn có nhu cầu sinh thêm con trai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy: lựa chọn giới tính khi sinh, gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính, tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 ở các gia đình sinh con “một bề” là gái... Để hạn chế tình trạng này, ngành dân số huyện Thiệu Hóa đã cho thành lập mô hình "CLB sinh con một bề là gái" ở một số xã, thị trấn nhằm hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, nuôi dạy con cái.

Ðộc đáo “CLB sinh con một bề” ở Thiệu Hóa

Mỗi quý, địa phương lại tổ chức sinh hoạt CLB với nhiều thành phần tham gia.

“Con nào cũng là con”

Bà Lê Thị Bình, Chủ nhiệm "CLB sinh con một bề là gái" xã Thiệu Duy (Thiệu Hóa), cho biết: Trước đây, trên địa bàn xã có tới gần 100 hộ gia đình sinh con một bề là gái. Từ đó, ý tưởng thành lập một CLB để kết nối các gia đình này ra đời. Hiện tại, CLB có 50 thành viên tham gia. CLB định kỳ sinh hoạt 4 lần/1 năm. Thành viên CLB cũng rất đa dạng, từ các gia đình trẻ đến các gia đình lớn tuổi sinh con một bề là gái".

Tham gia CLB, các thành viên cùng dặn nhau: “Trai mà chi, gái mà chi. Nuôi con có nghĩa có nghì thì hơn”. Bà Bình chia sẻ: Xã mình nhiều gia đình có người đi lao động nước ngoài, kinh tế khấm khá. Khi điều kiện kinh tế vững vàng, giàu có thì nhu cầu sinh thêm con, nhất là quyết có con trai nối dõi tông đường là rất lớn. Bởi vậy, đây là mô hình khó nhất, dễ bị vỡ, nên phải vắt óc tìm ra phương thức sinh hoạt cuốn hút mọi người. Mỗi lần sinh họat CLB giống như buổi tọa đàm, các thành viên chia sẻ những vui buồn, khó khăn gặp phải trong cuộc sống gia đình; cùng nhau trao đổi phương pháp nuôi dạy con cái; làm "công tác tư tưởng" với các bậc cao niên trong gia đình...

Dựa trên những tình huống cụ thể ấy, mọi người đưa ra những cách thức để làm vừa lòng các bậc cao niên vừa duy trì được "quân số" và hòa khí trong gia đình. Cuối cùng, chính các cặp vợ chồng có con một bề trực tiếp áp dụng những "cao kiến" ấy để thuyết phục ông bà thay đổi cách nghĩ. Định kỳ, các thành viên trong CLB đến nhà thăm các cụ và tiếp tục động viên, an ủi, khích lệ để các cụ thông tư tưởng "dù gái hay trai chỉ hai là đủ". Mục đích sinh hoạt lồng ghép nhiều nội dung của CLB con một bề chính là để mỗi thành viên tự nhận thức và học hỏi kinh nghiệm ứng xử trong gia đình. Như vậy, những gia đình có con một bề ở xã Thiệu Duy đều có "một mái nhà chung" để vượt qua rào cản "trọng nam khinh nữ" từ các bậc sinh thành, từ trong quan niệm truyền thống.

Dù sinh hai con “một bề” là gái nhưng gia đình anh Lê Hữu Kiện và chị Lê Thị Hằng, thôn Đông Mỹ, luôn hài lòng với những gì mình đang có. Tham gia sinh hoạt CLB ngay từ những ngày đầu, chị Hằng cho biết: "Là con dâu trưởng trong dòng họ nên sau khi sinh đứa thứ 2 là gái, tôi rất áp lực. Tuy nhiên, chồng tôi đã hiểu và chia sẻ nỗi băn khoăn với vợ. Anh kiên quyết chỉ dừng lại ở hai con để lo cho con được chu đáo và cũng là bảo vệ sức khỏe cho vợ mình”.

Hiện tại, con gái đầu của chị Hằng đã 12 tuổi và con gái nhỏ 9 tuổi. Anh Kiện tâm sự: “Đôi khi trong đám tiệc, anh em bạn bè vẫn hay trêu tôi “ngồi mâm dưới”, hay khích bác vì tôi không có con trai nối dõi. Tôi thì nghĩ khác. Đi làm về vất vả lại được hai cô con gái chăm sóc “bóp vai, bóp chân” là thấy khỏe. Hạnh phúc gia đình đơn giản chỉ cần có vậy".

Ðộc đáo “CLB sinh con một bề” ở Thiệu Hóa

3 thế hệ trong gia đình chị Hằng: Mẹ chồng, chị Hằng và con gái.

Tương tự, chị Lê Thị Oanh, thôn Đông Mỹ, cũng là bà mẹ sinh con một bề "hạnh phúc". Chồng chị xuất khẩu lao động thường xuyên xa nhà. Nhưng, chị may mắn vì luôn có mẹ chồng ở bên cạnh giúp đỡ. Chị Oanh kể: "Khi biết vợ chồng chỉ sinh 2 con gái, khác hẳn với suy nghĩ của mẹ chồng, mẹ đẻ tôi đã kịch liệt phản đối. Bà lo lắng con gái sẽ bị nhà chồng hắt hủi nếu không sinh được con trai. Nhiều lần, tôi cũng định sinh tiếp để làm hài lòng ông bà nhưng rồi chính chồng và mẹ chồng luôn động viên rằng con nào chẳng là con mình, miễn sao nuôi con khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Đến giờ nghĩ lại, tôi biết ơn mẹ chồng và chồng vô cùng".

Nhờ dừng lại ở 2 con mà vợ chồng chị đã có điều kiện phát triển kinh tế, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Chồng chị Oanh kể: "Gia đình tôi trước đây kinh tế khó khăn. Đám cưới xong chúng tôi lao vào lao động để có thu nhập sinh sống, nuôi con. Đến khi kinh tế ổn định, anh em bà con lại động viên sinh thêm để kiếm con trai, nhưng tôi không muốn. Vợ tôi đôi lúc tư tưởng bị lung lay, nhưng thấy tôi kiên định nên dần dần cũng nguôi. Niềm vui của tôi bây giờ là công việc, còn vợ thì buôn bán. Chúng tôi tự hào vì có những đứa con ngoan và đó là tài sản lớn nhất".

Nghĩ khác về chuyện sinh con một bề

Nữ chủ nhiệm câu lạc bộ đặc biệt này chia sẻ, không phải người phụ nữ nào cũng muốn sinh nhiều con, bởi sinh đẻ quá nhiều không chỉ làm giảm sức khỏe của người mẹ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sống của các con. "Đã qua rồi cái thời nuôi con như trồng những củ khoai, con cái cứ hồn nhiên mà lớn. Nuôi dạy con trong xã hội hiện đại cần đầu tư nhiều thời gian và vật chất", bà Bình nói. Ngoài ra, ngày nay người phụ nữ đi làm, tham gia nhiều hoạt động xã hội, việc sinh con quá nhiều cũng có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của chị em.

Hiện nay, tư tưởng phần lớn của các cặp vợ chồng đã tiến bộ và thoáng hơn rất nhiều về vấn đề con cái, các gia đình có hai con “một bề” là gái đã nỗ lực thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, gia đình hạnh phúc. Ông Lê Ngọc Hồng, PGĐ Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Thiệu Hóa, cho biết: “Quan niệm trọng nam khinh nữ trong xã hội đã giảm thiểu rất nhiều. Suy nghĩ của bậc cha mẹ đã tiến bộ và nhiều gia đình không quan trọng con gái hay con trai, có “đủ nếp đủ tẻ” thì tốt nhưng nếu hai con “một bề” là gái thì họ vẫn vui vẻ đón nhận”.

Để có được niềm vui và hạnh phúc như hiện tại, các gia đình có hai con “một bề” là gái đã vượt qua những rào cản tâm lý, tạo sự đồng cảm và thấu hiểu giữa vợ và chồng để cùng nhau chăm lo gia đình hạnh phúc. “Là người làm công tác truyền thông dân số nhiều năm, tôi luôn khuyên đến các gia đình, nhất là những người sắp làm cha mẹ, con cái là lộc trời cho, sinh được con, nuôi con khỏe, con ngoan, thành đạt là hạnh phúc trọn vẹn”, ông Lê Ngọc Hồng chia sẻ.

Có rất nhiều người phụ nữ vì sinh con một bề là con gái mà hàng ngày, hàng giờ phải chịu nỗi đau từ chính người thân trong gia đình. Vẫn biết “mỗi nhà, mỗi cảnh”, nhưng mong rằng, những người đang có suy nghĩ lạc hậu hãy thay đổi quan niệm để cho con cái mình có một gia đình hạnh phúc hơn.

GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em, cho rằng: Về trách nhiệm, trai hay gái đều phải phụng dưỡng cha mẹ già. Thực tế có nhiều gia đình con trai không lo được cho cha mẹ khi về già nhưng con gái lại làm rất tốt. Như vậy, mấu chốt không nằm ở chỗ là trai hay gái mà là nền tảng giáo dục trong việc dạy trẻ về quyền hạn cũng như trách nhiệm với cha mẹ. Nếu quy định trên sẽ càng khoét thêm tình trạng bất bình đẳng giới. Nó làm phụ nữ cảm thấy bị coi thường.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]