(Baothanhhoa.vn) - Vừa qua, UBND tỉnh có Công văn số 12449/UBND-NN gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố, về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 với phong trào chống rác thải nhựa. Thực hiện chủ trương này, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động được triển khai, góp phần hạn chế rác thải nhựa. Tuy nhiên, để phong trào chống rác thải nhựa lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa và việc sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường trở nên phổ biến đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chống rác thải nhựa, cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Vừa qua, UBND tỉnh có Công văn số 12449/UBND-NN gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố, về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 với phong trào chống rác thải nhựa. Thực hiện chủ trương này, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động được triển khai, góp phần hạn chế rác thải nhựa. Tuy nhiên, để phong trào chống rác thải nhựa lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa và việc sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường trở nên phổ biến đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.

Chống rác thải nhựa, cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Nhiều phụ nữ đã dùng làn nhựa để đựng đồ khi đi chợ thay thế cho túi nilon.

Nỗ lực từ nhiều phía

Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể và các khu dân cư đã tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; nhiều băng zôn, panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về phong trào chống rác thải nhựa được treo tại công sở, trường học, bệnh viện, nơi công cộng, các đường phố chính, nhằm nhắc nhở mọi người cùng hành động bảo vệ môi trường. Kết quả bước đầu đã giảm được một lượng rác lớn thải ra môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường là một trong những đơn vị chủ chốt được UBND tỉnh giao trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh trong việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về môi trường, tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 với phong trào chống rác thải nhựa cũng như hướng dẫn, đôn đốc, giám sát chặt chẽ các hoạt động của từng địa phương trong công tác bảo vệ môi trường. Đến nay, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, kế hoạch và xây dựng đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng.

Theo ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, dù kết quả đạt được từ việc giảm lượng rác nhựa thải ra môi trường chưa thực sự rõ rệt nhưng bước đầu đã tuyên truyền một cách sâu rộng cho người dân hiểu biết về tác hại của rác thải nhựa tới môi trường sống cũng như nâng cao trách nhiệm của các đoàn thể, tổ chức trong việc bảo vệ môi trường. Đây là một quá trình dài cần sự chung tay quyết liệt của toàn xã hội chứ không thể diễn ra ngày một ngày hai.

Để phong trào chống rác thải nhựa trở nên lớn mạnh và lan tỏa rộng rãi, bền vững trong cộng đồng thì đối tượng trẻ em, học sinh cần được quan tâm hơn cả. Ngay từ đầu năm học 2019 – 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, các phòng giáo dục thành phố, huyện, thị đã có công văn yêu cầu các trường học thực hiện nghiêm túc việc hạn chế sử dụng và xả rác thải nhựa ra môi trường. Trên địa bàn TP Thanh Hóa, có nhiều trường đã làm tốt việc phát động tập thể giáo viên, người lao động và học sinh tham gia phong trào này như các trường: Tiểu học Ba Đình, tiểu học Điện Biên 1, tiểu học Hoàng Hoa Thám, THCS Trần Mai Ninh... Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, thiết thực phù hợp với lứa tuổi học sinh, như: Nói không với chai nhựa, cốc nhựa dùng 1 lần, tái chế các sản phẩm từ nhựa ra những sản phẩm khác...

Trường THCS Trần Mai Ninh là một trong những trường đi đầu trong các hoạt động chống rác thải nhựa. Tại khuôn viên nhà trường, có nhiều thùng rác xanh đặt ngay ngắn. Trước khi cho rác vào thùng, các em học sinh luôn có thao tác phân loại riêng biệt rác thải nhựa và rác dễ phân hủy. Mỗi lớp học lại đưa ra những ý tưởng, cách làm sáng tạo để cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nổi bật nhất là việc thực hiện không bọc sách vở bằng bóng kính như thói quen của học sinh từ nhiều năm nay mà thay thế bọc bằng giấy báo, họa báo nhằm giảm thiểu lượng túi bóng thải ra môi trường mỗi năm cũng như tiết kiệm chi phí.

Cô giáo Trần Thị Phương Lan, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ ba năm nay, trường chúng tôi đã thực hiện mạnh mẽ các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó tập trung hạn chế rác thải nhựa. Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn các em hiểu về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống, biết cách thu gom, phân loại và xử lý rác, chúng tôi còn tổ chức các hoạt động cụ thể để tất cả học sinh trong trường được trực tiếp tham gia. Vận động các em, nhất là học sinh khối 6 không mang chai nước sử dụng một lần đến trường, khuyến khích các em tự làm các dụng cụ học tập bằng giấy, bìa các-tông thay thế các sản phẩm chế biến từ nhựa... Việc này vừa giúp các em được thỏa sức sáng tạo, tìm thấy niềm vui sau những giờ học căng thẳng vừa góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường xung quanh.

Ngành y tế cũng là một trong những đơn vị hưởng ứng mạnh mẽ và thực hiện tốt phong trào chống rác thải nhựa. Thực hiện Chỉ thị 08 của Bộ Y tế, Sở Y tế đã phát động triển khai kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong toàn ngành. Hiện nay, các cơ sở y tế đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế lượng rác nhựa cũng như phân loại và xử lý rác một cách nghiêm ngặt, tiêu biểu là Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Chống rác thải nhựa, cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Học sinh Trường THCS Trần Mai Ninh dùng giấy báo bọc vở thay cho bọc bằng bóng kính.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Hữu Trường, phó giám đốc bệnh viện cho biết: Hiện nay trung bình mỗi ngày bệnh viện thải ra môi trường 4.765 kg rác, trong đó có khoảng 180 kg rác thải nguy hại và 85 kg rác thải nhựa. Trên thực tế, lượng rác thải nhựa đã giảm đi rất nhiều so với những năm trước đây vì bệnh viện đã có những cách làm hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon, các loại chai nhựa. Chẳng hạn, sử dụng túi giấy để cấp thuốc cho bệnh nhân ngoại trú và dùng hộp đựng thuốc cho bệnh nhân nội trú mà không dùng túi nilon như trước đây. Lắp hệ thống máy lọc nước để cung cấp nước sạch cho bệnh nhân và người nhà để hạn chế việc sử dụng các chai nhựa đựng nước dùng một lần. Dùng các thùng nhựa cứng để phân loại rác ngay từ đầu nguồn thay cho một lượng lớn túi nilon đựng rác...

Không đứng ngoài phong trào chống rác thải nhựa đang lan tỏa rộng khắp, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh cũng bắt đầu nhập cuộc. Qua khảo sát trên địa bàn TP Thanh Hóa, đã có nhiều nơi thực hiện “nói không với túi nilon”. Ví như, tại một số cửa hàng trên đường Lê Hoàn, phường Ba Đình và nhiều cửa hàng tiện ích khác, khách đến mua hàng sẽ bị từ chối cung cấp túi nilon, nếu muốn sử dụng, khách phải chi thêm một khoản tiền để mua túi mà không được cấp miễn phí. Hoặc một số quán nước giải khát, thay vì dùng cốc nhựa một lần, chủ quán đã thay thế bằng cốc thủy tinh, cốc sứ, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa bảo đảm sức khỏe và gây thiện cảm cho khách hàng.

Còn nhiều khó khăn

Phong trào chống rác thải nhựa đang từng bước lan tỏa trong cộng đồng. Các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở đều ban hành kế hoạch thực hiện chống rác thải nhựa. Có nhiều mô hình mang lại hiệu quả, góp phần làm sạch môi trường, tác động tích cực đến nhận thức của người dân trong việc hạn chế rác thải nhựa. Tuy nhiên, đến nay việc chống rác thải nhựa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê hiện nay, trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Việc này đồng nghĩa với mỗi ngày lượng rác thải từ túi nilon nói riêng và rác thải nhựa nói chung xả ra môi trường là rất lớn. Nhiều người vẫn có thói quen sử dụng túi nilon, nhất là với các bà nội trợ do sản phẩm này tuy có hại nhưng lại rất tiện bởi đặc tính gọn nhẹ, không ngấm nước, dễ gấp, dễ dùng... Mặt khác, những sản phẩm chất liệu khác thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần chưa thực sự phong phú, đa dạng, giá thành lại cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Vì vậy, tuy nhiều người đã nhận thức được tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống nhưng phần lớn đều “tặc lưỡi” cho qua.

Để hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường, từ ngày 1-1-2019, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon tăng lên 50.000 đồng/kg (trước đây là 10.000 đồng/kg), đồng nghĩa với giá bán của mặt hàng này cũng tăng theo. Tuy nhiên, túi nilon, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần là sản phẩm rất mỏng, nhẹ nên tính cho từng đơn vị sản phẩm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến túi tiền của người tiêu dùng. Vì vậy, sản phẩm này vẫn đang được sử dụng đại trà, rộng rãi trong cộng đồng.

Thiết nghĩ, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ với việc tăng thuế cũng như có các chế tài trong quản lý việc xả chất thải nhựa độc hại ra môi trường. Các cấp, các ngành, cơ sở, tổ chức cần có sự phối hợp với nhau để nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường. Quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi để người dân nâng cao ý thức không sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa gây hại cho môi trường.

Bài và ảnh: Thu Hà


Bài Và Ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]