(Baothanhhoa.vn) - Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang đặt ngành y tế trước nhiều câu hỏi khó. Theo đó khắc phục tình trạng này, ngoài các giải pháp về đào tạo, tuyển dụng, thu hút lao động... cần thêm những giải pháp mang tính đột phá!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân lực chất lượng cao ngành y tế: Chuyện còn dài...

Bài cuối: Bài toán nhân lực chất lượng cao - cần chính sách mạnh, thiết thực hơn nữa

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang đặt ngành y tế trước nhiều câu hỏi khó. Theo đó khắc phục tình trạng này, ngoài các giải pháp về đào tạo, tuyển dụng, thu hút lao động... cần thêm những giải pháp mang tính đột phá!

Bài cuối: Bài toán nhân lực chất lượng cao - cần chính sách mạnh, thiết thực hơn nữa

Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Bệnh viện Ung bướu trở thành bệnh viện chuyên khoa sâu xếp hạng tốp đầu của cả nước.

Những mục tiêu kỳ vọng

Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đều nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của ngành y tế đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời xác định, phát triển Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm y tế hàng đầu khu vực giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và là 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã vạch ra những bước đi cụ thể như: huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế; phát triển một số cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân trong và ngoài tỉnh; xây dựng “thành phố y tế” ở phía Tây TP Thanh Hóa, có diện tích khoảng 200 ha, với chuỗi các bệnh viện và các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo hướng: Thành lập thêm một số trung tâm chuyên sâu (Trung tâm Thận lọc máu, Trung tâm Cấp cứu trước viện, Trung tâm Tế bào gốc...); kết hợp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ bệnh viện với đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị y tế chuyên sâu, phấn đấu đến năm 2030 được công nhận bệnh viện hạng đặc biệt. Xây dựng Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Ung bướu trở thành bệnh viện chuyên khoa sâu, xếp hạng tốp đầu của cả nước. Hoàn thành đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở Thanh Hóa với quy mô 500 giường bệnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở y tế, từng bước xây dựng bệnh viện thông minh, hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, bệnh án điện tử,... Duy trì và phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, thực hiện kỹ thuật chuyên sâu như: Ghép tạng, sàng lọc, chẩn đoán phát hiện sớm ung thư, ứng dụng công nghệ tế bào gốc, phẫu thuật ung thư, xạ trị ung thư, hóa trị, điều trị toàn thân và điều trị đích, các kỹ thuật về chẩn đoán và điều trị bằng y học hạt nhân... tiến tới đầu tư thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật bằng rô bốt. Phấn đấu đến năm 2025, số giường bệnh/vạn dân (không bao gồm giường bệnh trạm y tế xã) đạt 38 giường; số bác sĩ/vạn dân đạt 13 bác sĩ; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 95%; 100% cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định.

Bài toán nhân lực: Không thể “hớt phần ngọn”

Để đảm bảo cho các mục tiêu kể trên được hiện thực hóa, thay vì chỉ là những kỳ vọng cho tương lai; thì con người – nhân lực chất lượng cao vẫn là khâu then chốt, đóng vai trò quyết định. Thế nhưng, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao thực chất vẫn chỉ là “phần ngọn” và thực tế chưa mang lại nhiều kết quả. Vậy nên muốn giải quyết vấn đề từ phần gốc, thiết nghỉ phải từ đội ngũ sẵn có.

Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn có quy mô 300 giường bệnh. Những năm qua, bệnh viện đã từng bước đầu tư phát triển cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại, từng bước xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn tay nghề giỏi. Khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân được cải thiện, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế, đẩy lùi. Hàng năm, bệnh viện tiếp nhận khám bệnh cho trên 130.000 lượt bệnh nhân ngoại trú và điều trị trên 21.000 lượt người bệnh nội trú.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Ngọc Hân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn, cho biết: Bệnh viện thường xuyên giữ mối liên hệ, tiếp xúc với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế có uy tín để thu hút sinh viên khá, giỏi sau tốt nghiệp về làm việc. Khi họ đồng ý đến bệnh viện làm việc, chúng tôi có nhiều chế độ ưu đãi để “giữ chân”, như: Tạo môi trường làm việc tốt để bác sĩ có cơ hội phát huy năng lực và được cống hiến; chế độ đãi ngộ lương, thưởng, phụ cấp theo năng suất, chất lượng công việc; hỗ trợ đào tạo chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Đặc biệt huyện có chính sách hỗ trợ từ 80 đến 120 triệu đồng, bệnh viện hỗ trợ 24 tháng lương cơ sở, hỗ trợ nơi ở, để thu hút bác sĩ về... Từ cách làm này, bệnh viện đã thu hút được nhiều bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có chuyên môn cao.

Cùng với sự chủ động, trách nhiệm của các cơ sở y tế, ngành y tế đã thực hiện đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y tế. Đó là tập trung đào tạo chuyên sâu đối với chuyên ngành lâm sàng và một số chuyên ngành khác theo nhu cầu, định hướng phát triển của đơn vị. Ưu tiên đào tạo hợp đồng chuyển giao gói kỹ thuật, đào tạo nâng cao kỹ năng thực hành chuyên môn theo ê kíp. Trong giai đoạn 2016-2020, có khoảng 150 người được cử đi đào tạo trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, dược sĩ chuyên khoa II; khoảng 500 người được cử đi đào tạo trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, dược sĩ chuyên khoa I; khoảng 700 người trình độ đại học và 1.115 người chuẩn hóa trình độ chuyên môn. Cùng với đó công tác bồi dưỡng lý luận chính trị và quản lý Nhà nước cũng được quan tâm; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động “vừa hồng, vừa chuyên”.

Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận công tác tuyển dụng cán bộ của các đơn vị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu, cơ cấu cán bộ theo vị trí việc làm. Đặc biệt là khó tuyển dụng được cán bộ y tế bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nguồn nhân lực y tế sau thực hiện cơ chế tự chủ tương đối đầy đủ về số lượng tại các bệnh viện; tuy nhiên tại các Trung tâm Y tế huyện vẫn chưa bảo đảm; tỷ lệ bộ phận chuyên môn bác sĩ/điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, hiện nay còn thấp. Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh đạt 1/2,4; bệnh viện tuyến huyện mới đạt 1/2,6 (chưa đạt tỷ lệ 1/3 theo Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5-6-2007 của Bộ Nội vụ).

Danh y Hải Thượng Lãn Ông từng nói: “Suy cho cùng tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người, sống chết trong một tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đạo đức không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám học đòi làm cái nghề cao quý đó chăng?”. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người có tư tưởng nhân văn và đạo đức cách mạng cao cả - đã căn dặn: “Phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu...”. Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, cũng đã khẳng định: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Do đó, thiết nghĩ, tỉnh Thanh Hóa cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa, nhằm “rộng đường phát triển” cho ngành y tế trong việc đào tạo, thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, góp phần hiện thực hóa mục tiêu con người là mũi nhọn hay nền tảng căn bản của sự phát triển y tế trong tương lai.

Tô Hà


Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]