(Baothanhhoa.vn) - Nước mắm cốt Tĩnh Gia - nước mắm cốt cá cơm; mắm tép Tĩnh Gia đặc biệt; nem nướng Thành Nghĩa; túi xách, chổi đót, dưa Kim Hoàng hậu; bánh nhãn Hồi Xuân, mật ong Hưởng Hoa... là những sản phẩm do hội viên, phụ nữ làm chủ đã được UBND tỉnh công nhận xếp hạng sản phẩm OCOP.

Hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gắn với xây dựng thương hiệu, đầu ra sản phẩm

Nước mắm cốt Tĩnh Gia - nước mắm cốt cá cơm; mắm tép Tĩnh Gia đặc biệt; nem nướng Thành Nghĩa; túi xách, chổi đót, dưa Kim Hoàng hậu; bánh nhãn Hồi Xuân, mật ong Hưởng Hoa... là những sản phẩm do hội viên, phụ nữ làm chủ đã được UBND tỉnh công nhận xếp hạng sản phẩm OCOP.

Hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gắn với xây dựng thương hiệu, đầu ra sản phẩmSản phẩm cao cà gai leo của hộ chị Lê Thị Nước (HTX trồng và chế biến cây dược liệu xã Đông Hoàng - Đông Sơn) được Hội LHPN tỉnh kết nối với Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ trang thiết bị chế biến và đang xây dựng sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm trên trong quá trình xây dựng tiêu chí để được công nhận xếp hạng sản phẩm OCOP đều được tổ chức hội LHPN các cấp hỗ trợ thêm về điều kiện sản xuất, như: vốn, chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ tem nhãn truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ đầu tư một số máy móc, phương tiện sản xuất, chế biến... Đây là một trong những nội dung quan trọng được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội thực hiện, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hội viên, phụ nữ có động lực phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và phát triển ngành nghề bền vững.

Những năm qua, các cấp hội phụ nữ đã chủ động khai thác nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, để cụ thể hóa các nội dung của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ qua từng năm, hướng dẫn thành lập và ra mắt các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ nhằm kết nối, khai thác hiệu quả nguồn lực, cơ sở vật chất sẵn có của địa phương để hỗ trợ tối ưu cho hội viên, phụ nữ khởi nghiệp; duy trì thường xuyên tổ chức Ngày Phụ nữ sáng tạo - Khởi nghiệp nhằm kết nối hỗ trợ hội viên, phụ nữ được tiếp cận vốn, kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm...

Trong hoạt động đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn, Hội LHPN tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp tuyên truyền về công tác giảm nghèo; khảo sát, triển khai hoạt động đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn với các nghề theo hướng gắn với sản phẩm có khả năng phát triển thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, của địa phương; tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, đề án, dự án để lồng ghép hỗ trợ, tăng thêm nguồn lực cho chị em đầu tư phát triển. Tính đến nay, hội LHPN các cấp đang quản lý hơn 4.226 tỷ đồng cho hàng ngàn lượt hội viên, phụ nữ vay đầu tư sản xuất, đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Các cấp hội phụ nữ cơ sở đã chủ động phối hợp tập huấn, hướng dẫn hội viên, phụ nữ thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hướng đến mục tiêu xây dựng “Mỗi xã một sản phẩm”... Tiêu biểu, như: Hội LHPN huyện Đông Sơn hỗ trợ hội viên thành lập mô hình HTX sản xuất, chế biến kinh doanh nấm xã Đông Hòa, các tổ liên kết sản xuất nấm ăn xã Đông Văn, Đông Tiến; HTX trồng và chế biến cây dược liệu xã Đông Hoàng, HTX sản xuất và chế biến nông sản xã Đông Văn... và hỗ trợ các mô hình làm tem nhãn truy suất nguồn gốc, đấu mối giới thiệu sản phẩm, thiết bị sản xuất... trong đó có sản phẩm cao cà gai leo của HTX trồng và chế biến cây dược liệu xã Đông Hoàng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tiêu chuẩn để được công nhận sản phẩm OCOP. Tại Hội LHPN huyện Nga Sơn, từ năm 2016-2021, tổ chức hội các cấp đã giúp hơn 100 phụ nữ khởi sự kinh doanh, trong đó có một số sản phẩm khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ làm chủ đã được công nhận sản phẩm OCOP, gồm: giỏ Trái đất, đôn cói của Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang (thị trấn Nga Sơn); chiếu dệt tay thủ công, thảm cói trải sàn, chiếu xách tay Ngân Khương của Công ty TNHH Ngân Khương (xã Nga Thanh)...

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, đến nay các cấp hội đã phát triển được 319 mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ xây dựng thành công 34 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Năm 2021, thông qua cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp”, Hội LHPN tỉnh đã lựa chọn được 17 ý tưởng, sản phẩm xuất sắc trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin tham gia cuộc thi toàn quốc do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, qua đó lựa chọn ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp có triển vọng để tiếp tục hỗ trợ phát triển, xây dựng thương hiệu kết nối đầu ra.

Để tiếp tục nâng cao đời sống của hội viên, phụ nữ, phong trào phụ nữ khởi nghiệp, các cấp hội LHPN trong tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ kinh doanh và khởi nghiệp như: đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm; tập huấn kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp; trưng bày giới thiệu sản phẩm; lựa chọn các ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp có tính khả thi để hỗ trợ vốn vay, xây dựng nhãn mác, thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc; giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm... đồng thời, vận động phụ nữ tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành nghề, góp phần xây dựng “Mỗi xã một sản phẩm”, nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Bài và ảnh: Minh Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]