Định vị thương hiệu du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch quốc gia
Những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa tăng trưởng tích cực cả về lượng và chất, ngày càng khẳng định được vị trí, thương hiệu. Đây được xem là cơ hội mở ra cánh cửa để các khu, điểm trên địa bàn tỉnh tiếp cận đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) ngày càng khẳng định vị thế là trọng điểm du lịch văn hóa của tỉnh. Ảnh: Hoài Anh
Được mệnh danh là “Việt Nam thu nhỏ”, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế. Với 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, cùng nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... giúp Thanh Hóa thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm. Không những vậy, Thanh Hóa còn được biết đến với nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, suối cá Cẩm Lương, thắng cảnh Hàm Rồng - sông Mã... Xứ Thanh còn là mảnh đất hội tụ không gian văn hóa của 7 dân tộc anh em, gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú, với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Tất cả đã trở thành “chất liệu” quý để tỉnh Thanh Hóa phát triển du lịch “Hương sắc bốn mùa”, với các dòng sản phẩm du lịch nổi bật là: nghỉ dưỡng biển, văn hóa - lịch sử - tâm linh, sinh thái cộng đồng. Cùng với đó là một số sản phẩm du lịch bổ trợ khác như: nông nghiệp, trải nghiệm, sự kiện, mạo hiểm, mua sắm... đáp ứng xu hướng và nhu cầu của du khách.
Hiện nay, việc định vị thương hiệu là giải pháp quan trọng để du lịch Thanh Hóa gia tăng năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế điểm đến trên bản đồ du lịch quốc gia. Theo đó, bộ nhận diện thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” đã nhanh chóng được xây dựng và công bố ngày 11/3/2022 (trước thời điểm du lịch cả nước chính thức mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19). Sologan “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” như một lời khẳng định sự đa dạng, phong phú về tài nguyên du lịch; mời chào, khích lệ du khách muôn phương đến trải nghiệm và khám phá du lịch Thanh Hóa bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu. Đây được xem là cơ sở quan trọng góp phần nhận diện, nâng tầm thương hiệu du lịch Thanh Hóa trong giai đoạn mới, tạo sự đồng bộ trong quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch đến với Thanh Hóa.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa luôn đứng trong top đầu của cả nước về thu hút khách du lịch. Trong năm 2023, toàn tỉnh đón 12,485 triệu lượt khách, vượt 4% kế hoạch năm; tổng thu du lịch đạt 24,505 nghìn tỷ đồng. Tiếp đà tăng trưởng, 4 tháng đầu năm 2024, du lịch Thanh Hóa đã đón gần 5 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023, tổng thu du lịch đạt hơn 7,3 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó cho thấy, thương hiệu điểm đến tốt không chỉ tạo niềm tin, thu hút du khách mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy du lịch tăng trưởng nhanh và bền vững.
Quảng bá bộ nhận diện thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024.
Trên cơ sở kết quả đạt được, tỉnh Thanh Hóa đã, đang đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch, tiếp cận thị trường mục tiêu. Trong đó tập trung vào thị trường du lịch trọng điểm ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Vào tháng 4/2024, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch với chủ đề “Một hành trình - Nhiều trải nghiệm” (sự kiện bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024); đồng thời xúc tiến - kết nối du lịch Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố đồng bằng Sông Hồng mở rộng. Qua đó, không chỉ quảng bá sâu rộng hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”, mà còn là hoạt động thiết thực cho chiến lược phát triển du lịch.
Tại Hội nghị Xúc tiến - kết nối du lịch Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố đồng bằng Sông Hồng mở rộng, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao kết quả mà du lịch Thanh Hóa đạt được trong những năm gần đây. Đồng thời khẳng định: Với tài nguyên du lịch đặc sắc, hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã, đang đầu tư, dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động, du lịch Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến xa hơn nữa, trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước. Tuy nhiên, phát triển du lịch trong tình hình mới, tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, có chất lượng và tính cạnh tranh cao. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác giá trị văn hóa trong phát triển du lịch nhằm định vị thương hiệu điểm đến một cách bền vững. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trọng tâm là đẩy mạnh quảng bá bộ nhận diện thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2024-12-21 07:52:00
Du lịch Thanh Hóa có gì hút khách trong tháng cuối cùng của năm?
-
2024-12-20 18:55:00
Phát triển du lịch gắn với chợ truyền thống
-
2024-05-10 11:55:00
Hướng tới khai thác có hiệu quả du lịch trekking
Nào, mình cùng đi Sầm Sơn...
Lý do lượng khách và doanh thu du lịch Thanh Hóa đứng đầu cả nước trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Về với không gian văn hóa lịch sử núi rừng Chí Linh
Đến xứ Thanh kỳ nghỉ lễ vừa rồi, bạn đã kịp trải nghiệm điểm đến mới Vlasta - Sầm Sơn cực hot chưa?
Du lịch hè xứ Thanh: Nhiều trải nghiệm thú vị
Để du lịch sự kiện tăng sức hút
Công viên vui chơi giải trí được mong chờ nhất Sầm Sơn chuẩn bị ra mắt
Quan tâm phát triển sản phẩm du lịch biển kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe
Thanh Hóa đạt doanh thu du lịch cao nhất cả nước dịp nghỉ lễ 30/4-1/5