(Baothanhhoa.vn) - Ngày 29-6-2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã chính thức được xướng tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho một bệnh nhân nữ ở huyện Quan Sơn. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 19 ca ghép thận và hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép thận, trong đó có nhiều ca ghép khó như một phép màu kỳ diệu hồi sinh nhiều cuộc đời.

Điều kỳ diệu của cuộc sống đến từ những ca ghép thận

Ngày 29-6-2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã chính thức được xướng tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho một bệnh nhân nữ ở huyện Quan Sơn. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 19 ca ghép thận và hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép thận, trong đó có nhiều ca ghép khó như một phép màu kỳ diệu hồi sinh nhiều cuộc đời.

Điều kỳ diệu của cuộc sống đến từ những ca ghép thậnMột ca ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Một cuộc sống mới đang đến là tâm sự của chị Tr.Th.P., xã Trường Giang (Nông Cống) sau khi được ghép thận thành công hồi cuối tháng 11-2020, với quả thận được hiến từ người bố đẻ của mình.

Chị Tr.Th.P. được phát hiện suy thận mạn từ tháng 1-2020 và phải chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần từ tháng 3-2020. Ngoài ra, thời điểm đó chị còn bị viêm gan B. Sau thời gian điều trị 3 tháng, có kết quả xét nghiệm virus viêm gan B ở ngưỡng cho phép ghép thận. Với quyết tâm của ban lãnh đạo bệnh viện và tất cả các thành viên trong ê-kíp ghép thận của bệnh viện, sau thời gian sàng lọc và điều trị trước ghép, bệnh nhân được ghép thận thành công bởi các phẫu thuật viên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, dưới sự giám sát của các chuyên gia của Trung tâm Ghép tạng - Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.

Điều đặc biệt ở cặp ghép này là người nhận thận có hiệu giá kháng thể cao (87%). Theo kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng, việc triển khai ghép thận cho bệnh nhân có hiệu giá kháng thể cao như trường hợp bệnh nhân Tr.Th.P., ở bệnh viện tuyến tỉnh là một việc tương đối khó khăn. Để ca ghép thành công, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, hậu cần và cần tiên lượng trước tất cả các kịch bản có thể xảy ra sau ghép vì khả năng thải ghép ở bệnh nhân này tương đối cao. Với sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực, trang thiết bị, ca phẫu thuật ghép thận của bệnh nhân diễn ra theo dự kiến. Sau ghép, sức khỏe cả người cho và người nhận hoàn toàn ổn định, chức năng thận ghép và các chỉ số cận lâm sàng trong giới hạn bình thường và nhanh chóng hồi phục, trở về với cuộc sống thường ngày.

Chị Tr.Th.P. chia sẻ: Tôi rất vui mừng khi đã được ghép thận thành công, giờ đây không còn phải mệt mỏi vì chạy thận cũng như hao tốn tiền bạc, tinh thần, sức khỏe nữa, đã thắp lên hy vọng về cuộc sống mới cho tôi.

Còn với anh N.V.T., 28 tuổi, ở huyện Vĩnh Lộc, phát hiện suy thận mạn do viêm cầu thận từ tháng 12-2021, thời điểm này anh đang làm công nhân xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Từ một nam thanh niên lao động khỏe mạnh, anh sút cân nhanh chóng và rơi vào trạng thái lo lắng, hoảng loạn bởi vì không có sự bất hạnh nào hơn khi biết mình bị mắc căn bệnh không chữa khỏi được, cuộc sống sau này sẽ gắn liền với bệnh viện và chiếc máy lọc máu chu kỳ. Điều trị một thời gian tại Hàn Quốc, thấy bệnh tình không ổn, sức khỏe không bảo đảm, anh đã về Việt Nam. Anh T. cũng đến nhiều bệnh viện trên cả nước để chữa bệnh với mong muốn sức khỏe của mình được cải thiện hơn. Tuy nhiên, đến tháng 12-2022, bệnh của anh tiến triển thành bệnh thận mạn giai đoạn 5 phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Sự thất vọng, chán nản bởi tâm trạng mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, anh T. dần kém tuân thủ điều trị, có những hôm đến ngày lọc máu mà anh không còn muốn đến bệnh viện, tâm lý buông xuôi. Vì vậy, dẫn đến bị suy tim, khó thở khi đi lại, ăn uống kém, chân tay sưng phù, cơ thể bị suy nhược. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tư vấn ghép thận là phương pháp điều trị phù hợp và tốt nhất đối với anh tại thời điểm này.

Điều kỳ diệu của cuộc sống đến từ những ca ghép thậnCác bác sĩ thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân trước khi ra viện.

Sau khi thực hiện xét nghiệm sàng lọc người hiến thận là các thành viên trong gia đình, các bác sĩ kết luận thận của người chị gái phù hợp để ghép cho anh T. Ngày 6-4, ê-kíp ghép thận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành phẫu thuật ghép thận cho cặp ghép của 2 chị em. Sau hơn 6 giờ phẫu thuật, ca ghép đã thành công ngoài mong đợi. Sau ghép, sức khỏe của cả anh T. và chị gái đều tiến triển tốt. Người chị xuất viện sau mổ 1 tuần, sức khỏe ổn định. Anh T. được về nhà sau ghép gần hai tuần, quả thận mới hoạt động tốt, các chỉ số xét nghiệm của thận ghép trong giới hạn bình thường. Anh tiếp tục điều trị duy trì sau ghép và tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ.

Khi xuất viện, anh T. chia sẻ: Tôi rất xúc động trước tình cảm của người thân trong gia đình và sự tận tụy của các y, bác sĩ. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành gửi tới gia đình và các y, bác sĩ, những người đã dành cho tôi trọn vẹn sự yêu thương. Thời gian trước và sau ghép thận là phần cuộc đời đáng nhớ nhất của tôi. Tôi sẽ luôn biết ơn những người đã cho tôi được một lần nữa sinh ra trong cuộc đời này. Tôi cũng muốn nói lời cảm ơn đến người đặc biệt nhất cuộc đời mình - chị gái tôi và anh rể đã hy sinh cho tôi một phần cơ thể để tôi tiếp tục được sống một cuộc đời khỏe mạnh.

BSCKII Hán Thị Bích Hằng, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu cho biết: Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu tiến bộ vượt bậc của y học. Đáng tự hào hơn giờ đây bệnh nhân đã được ghép thận ngay tại tỉnh nhà. Đây là cơ hội tốt nhất đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không thể hồi phục. Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá, là phép màu kỳ diệu của cuộc sống giúp cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng có thêm cơ hội được sống bình thường, được tiếp tục những ước mơ còn dang dở. Hiện tại có gần 500 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo chu kỳ tại Trung tâm Thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà người bệnh mệt mỏi và chi phí tốn kém. Vì vậy, việc duy trì, phát triển và làm chủ kỹ thuật ghép thận tại tuyến tỉnh sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Bài và ảnh: Hà Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]