Điều động, luân chuyển cán bộ để “luyện sắt - mài kim” (Bài 2): Tôi luyện để trưởng thành
Xây dựng đội ngũ cán bộ, quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, gắn với phát hiện, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, sàng lọc cán bộ yếu kém, đang được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa quan tâm quy hoạch để có một đội ngũ cán bộ chủ chốt “vững tư tưởng, sắc chuyên môn” góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh “kiểu mẫu” của cả nước.
Đồng chí Lê Hồng Quang, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn (người đứng thứ 3 từ phải sang) kiểm tra tình hình sản xuất của đồng bào Mông bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy. Ảnh: Minh Hiếu
“Sắt” nơi vùng khó
Là một trong những cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động luân chuyển, đồng chí Lê Hồng Quang, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn bộc bạch: Là người con vùng biển, khi đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, tháng 9/2022 tôi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động lên giữ cương vị Phó Bí thư Huyện ủy và được giới thiệu để HĐND huyện Quan Sơn bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện. Trước khi nhận quyết định điều động, bản thân chưa từng được đặt chân đến huyện miền núi biên giới Quan Sơn nên có nhiều điều bỡ ngỡ. Những tháng đầu lên công tác, tôi đã dành phần lớn thời gian thực tế tại cơ sở, nắm bắt đời sống và phong tục, tập quán của người dân. Trong tháng đầu tiên, tôi đã đến được 93/94 bản, khu phố trên địa bàn huyện, gặp gỡ các bí thư chi bộ, trưởng bản, khu phố để nắm bắt tình hình, tâm tư của người dân.
Qua những chuyến “điền dã” ấy, khi đã nắm rõ về tiềm năng thế mạnh của địa phương, tại các cuộc họp đồng chí Quang đã đề xuất với Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, thực hiện thắng lợi mục tiêu “5 vững”, gồm: Giữ vững tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong toàn hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong huyện; Giữ vững lòng dân, giữ vững niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, vận động của MTTQ và các đoàn thể; Giữ vững tinh thần cách mạng, tiến công, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường đi lên từ bàn tay, khối óc, từ tiềm năng, thế mạnh, từ truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; Giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; Giữ vững an ninh, môi trường rừng đầu nguồn, giữ vững an ninh nguồn nước.
Một trong những giải pháp mới mẻ được đồng chí Quang dày công tổ chức triển khai là xây dựng thành công các điểm đến du lịch cộng đồng, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Bởi, Quan Sơn có tiềm năng rất lớn và không phải nơi nào cũng có để phát triển du lịch. Đồng chí Quang tâm sự: "Cá nhân tôi được luân chuyển đến đơn vị mới công tác, với vai trò là lãnh đạo chủ chốt, mình không có anh em họ hàng nên trong quá trình thực hiện tránh được tình trạng nể nang... Trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên thì làm việc ở đâu cũng phải dốc toàn tâm, toàn lực để hoàn thành nhiệm vụ; trong quá trình làm việc không bị ràng buộc bởi dòng họ, gia đình, anh em thân cận, nên làm việc vô tư, trung thực, khách quan.
10 năm được điều động luân chuyển, kinh qua nhiều chức vụ từ Phó Chủ tịch UBND huyện đến Chủ tịch UBND huyện rồi Bí thư Huyện ủy Ngọc Lặc, đến tháng 6/2022, đồng chí Lê Văn Tuấn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định điều động về giữ chức Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn. Với kinh nghiệm sau nhiều năm công tác từ huyện miền núi, về với Triệu Sơn là huyện đồng bằng bán sơn địa cũng là thử thách với đồng chí Tuấn. Tuy vừa được công nhận là huyện NTM nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của huyện vẫn còn đạt thấp; chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả thấp... Việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu còn chậm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển... Chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao vào đầu tư trên địa bàn huyện. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy cơ sở và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao; kết quả phát triển đảng chưa đáp ứng yêu cầu...
Để thực hiện mục tiêu phấn đấu Triệu Sơn đến năm 2025 được công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao và đến năm 2030 trở thành thị xã theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, với cương vị là người đứng đầu, đồng chí Tuấn đã cùng với Ban Thường vụ Huyện ủy tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhất là 28 chỉ tiêu, 3 chương trình trọng tâm và 2 khâu đột phá. Từ đó, xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, khả thi để thực hiện quyết liệt, hiệu quả; với tinh thần tiến công không lùi bước, đồng chí Lê Văn Tuấn đã cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Triệu Sơn họp bàn và lựa chọn những việc trọng tâm, trọng điểm làm trước tạo nền cho bước phát triển “dài hơi” của huyện trong tương lai.
Với khí thế là huyện vừa được công nhận NTM, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đang đồng thuận cao, xác định giao thông phải đi trước một bước, đồng chí Tuấn cùng với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức các hội nghị để thảo luận đề ra Nghị quyết về “Tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông trên địa bàn huyện Triệu Sơn, giai đoạn 2022-2025”. Sau nhiều lần thảo luận, ngày 22/7/2022, Ban Chấp hành Huyện ủy Triệu Sơn đã ban hành Nghị quyết số 12 lấy việc vận động người dân hiến đất mở rộng đường giao thông liên thôn, xã làm yếu tố then chốt, nền tảng quan trọng để thực hiện. Sau gần 2 năm thực hiện nghị quyết, toàn huyện Triệu Sơn đã hiến đất, mở rộng được 406km đường (vượt kế hoạch đề ra); diện tích hiến đất là 42ha; số thôn đã thực hiện hiến đất là 254/254 (đạt 100%); số hộ đã hiến đất là 13.134 hộ. Tính riêng năm 2023 Nhân dân trong huyện đã hiến được 212km chiều dài các tuyến đường và diện tích đạt 23 ha. Bên cạnh đó, số tiền các mạnh thường quân, chủ yếu là người con quê hương làm ăn xa quê ủng hộ địa phương xây dựng NTM khoảng hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra người dân địa phương đã đóng góp khá lớn của cải vật chất và hàng nghìn ngày công lao động miễn phí để thực hiện phá dỡ nhà, công trình phụ, tường rào, mở đường thôn, ngõ xóm. Đồng chí Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn chia sẻ: “Cái được lớn nhất trong xây dựng NTM nâng cao của huyện không chỉ là con số hiến được bao nhiêu đất, mà chính là được lòng dân".
Đồng bộ và mạnh mẽ
Nhằm đánh giá lại công tác điều động, luân chuyển cán bộ và chuẩn bị một bước về cán bộ cho đại hội nhiệm kỳ 2025-2030, tháng 3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí được điều động luân chuyển. Tại buổi gặp mặt, nhiều cán bộ được điều động luân chuyển đã bày tỏ những tâm tư, tình cảm trong quá trình công tác tại các địa phương, đơn vị được phân công.
Là cán bộ nữ, năm 2020, khi đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đồng chí Lương Thị Hoa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định điều động phân công giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa, sau gần 3 năm công tác tại huyện đồng bằng Thiệu Hóa, đồng chí Hoa đã cùng tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa tập trung lãnh đạo trở thành huyện NTM. Đến tháng 3/2023, đồng chí được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định điều động lên huyện miền núi Như Xuân giữ chức Bí thư Huyện ủy. Tại hội nghị gặp mặt cán bộ được điều động luân chuyển, đồng chí Hoa tâm sự: Chủ trương điều động luân chuyển cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có “Bốn cái được” lớn nhất đối với người được luân chuyển, đó là được thử thách với môi trường mới; được phát huy trình độ của bản thân; được cọ xát tiếp cận nhiều công việc từ thực tiễn và được học hỏi, cống hiến vì sự nghiệp chung.
Còn đối với đồng chí Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, thì luân chuyển cán bộ không chỉ giúp người được luân chuyển trưởng thành, có kinh nghiệm thực tiễn, mà còn giúp Ðảng bộ, chính quyền nơi cán bộ luân chuyển đến khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước củng cố đội ngũ cán bộ theo hướng chuẩn hóa; lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Ðảng bộ, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh.
Từ kinh nghiệm bản thân khi được điều động làm Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn, đồng chí Lê Văn Tuấn khẳng định: "Qua thực tế tại cơ sở, tôi đã thu hoạch được rất nhiều kinh nghiệm, giúp bản thân trưởng thành hơn, nhất là trong vai trò người đứng đầu cấp ủy. Thực hiện nhiệm vụ luân chuyển, phải chịu thiệt thòi về tình cảm do xa nhà, xa gia đình, nhưng tôi luôn xác định quyết tâm vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ðảng đã tin tưởng, giao phó".
Từ năm 2015 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã điều động, luân chuyển 204 lượt cán bộ có quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, quy hoạch lãnh đạo chủ chốt các ban, sở, ngành, MTTQ và đoàn thể cấp tỉnh, quy hoạch lãnh đạo chủ chốt các huyện, thị xã, thành phố... để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn, chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện, công tác nhân sự đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đó, điều động, luân chuyển từ cấp tỉnh về cấp huyện 76 cán bộ; điều động, luân chuyển từ huyện này sang huyện khác 29 cán bộ; điều động từ cấp huyện về cấp tỉnh 58 cán bộ; điều động từ ngành này sang ngành khác 41 cán bộ.
Công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện nghiêm túc theo một quy trình thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy định, ngày càng đi vào nền nếp và nhận được sự quan tâm, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của các địa phương và của tỉnh; qua đó, cơ bản khắc phục được tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị.
Đồng chí Phạm Mai Anh, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: Công tác luân chuyển cán bộ của Đảng bộ tỉnh trong thời gian qua đã bám sát các quy định của Bộ Chính trị và văn bản, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, thực hiện ngày càng đi vào nền nếp. Công tác luân chuyển cán bộ đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu. Trong thời gian luân chuyển, hầu hết cán bộ đã phát huy vai trò, trách nhiệm, sở trường công tác, tiếp cận nhanh với nhiệm vụ mới; trưởng thành hơn trong nhận thức; có phương pháp chỉ đạo, điều hành sâu sát, toàn diện hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhìn chung, công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, từng bước khắc phục được tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở địa phương, góp phần đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, toàn diện hơn. Sau thời gian luân chuyển, qua đánh giá cán bộ, nhiều đồng chí được xem xét bổ nhiệm những vị trí, chức vụ cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh.
Mặc dù công tác luân chuyển cán bộ của Thanh Hóa đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Đó là việc luân chuyển từ xã, phường, thị trấn này sang đảm nhận giữ chức vụ chủ chốt của xã, phường, thị trấn khác còn hạn chế. Hay như chế độ, chính sách chưa thực sự động viên đối với cán bộ luân chuyển. Một khó khăn nữa là công tác luân chuyển cán bộ làm công tác Đảng, mặt trận, đoàn thể sang khối quản lý nhà nước và ngược lại còn ít, chưa phát huy hết khả năng, sở trường của cán bộ. Một trong những vấn đề mà cán bộ luân chuyển tâm tư nhất là bản thân được sử dụng như thế nào sau khi luân chuyển. Bởi đã có nhiều trường hợp, cán bộ luân chuyển hết thời hạn, nhưng không có vị trí mới để bổ nhiệm. Thực tiễn công tác cán bộ cho thấy, việc đánh giá, xếp loại cán bộ sau luân chuyển có ý nghĩa rất quan trọng, là nhân tố quyết định sự đúng đắn của tiến trình xây dựng kế hoạch, quy hoạch sau luân chuyển để tiếp tục bố trí, sử dụng cán bộ đúng, phù hợp với yêu cầu cách mạng. Xếp loại đúng mới có thể xây dựng kế hoạch đúng và bố trí, sử dụng đúng cán bộ. Do đó, xây dựng kế hoạch sau luân chuyển là vấn đề khó, rất quan trọng và không được coi nhẹ khâu nào, mặt nào. Kế hoạch sau luân chuyển, nếu được xây dựng tốt sẽ là cơ sở cho việc sắp xếp, luân chuyển cán bộ tiếp theo được tốt hơn. Như vậy, cần có quy trình với những bước đi phù hợp để làm cho việc luân chuyển cán bộ nói riêng, công tác tổ chức cán bộ nói chung thực sự hiệu quả.
Minh Hiếu
Bài 3: "Kim" sáng từ "lửa".
{name} - {time}
-
2024-12-15 17:58:00
Đột phá về hạ tầng đô thị
-
2024-12-15 13:39:00
“Đòn bẩy” khơi thông nguồn lực cho phát triển
-
2024-10-08 11:50:00
Cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp
Phát huy vai trò các cấp công đoàn viên chức trong tham gia cải cách hành chính
Điều động, luân chuyển cán bộ để “luyện sắt - mài kim” (Bài 1): “Thử lửa” ở cơ sở
Quyết tâm giải quyết hồ sơ quá hạn
Đổi mới vì sự hài lòng của người dân
Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ cơ sở, đảng viên tiêu biểu, cốt cán vùng đồng bào có đạo huyện Mường Lát
Đảng bộ huyện Thạch Thành chăm lo công tác phát triển đảng viên
Đảng bộ huyện Ngọc Lặc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND
Xã Thiệu Giao phát huy QCDC khơi dậy “lòng dân - sức dân”
Đông Sơn nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng