“Điểm đến xanh” - xu hướng được du khách lựa chọn
Trong rất nhiều lựa chọn, du lịch “xanh” với những “điểm đến xanh” tiếp tục được đông đảo du khách ưu tiên lựa chọn. Không nằm ngoài xu hướng phát triển, một số “điểm đến xanh” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã, đang không ngừng nỗ lực làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch.
Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh) - “điểm đến xanh” được du khách yêu thích bởi những trải nghiệm gắn liền với thiên nhiên trong lành.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, Vườn Quốc gia (VQG) Bến En (Như Thanh) được biết đến là điểm đến xanh, có sự đan xen của nhiều dạng địa hình đồi núi, sông, suối, hồ... Điểm đến này cách trung tâm huyện Như Thanh 9km về phía Tây, với tổng diện tích tự nhiên gần 15 nghìn ha. Trong đó đặc trưng nổi bật nhất là hệ sinh thái rừng nhiệt đới thường xanh trên núi đất thấp, trên núi đá vôi và hệ sinh thái sông, suối, hồ. Khi đến đây, du khách rất thích thú với trải nghiệm đi xuồng ngắm hồ sông Mực - nơi bảo tồn, phát triển lý tưởng của các loài thủy sinh và cá nước ngọt. Nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, kể từ năm 2023 đến nay, Ban Quản lý VQG Bến En đã phát triển thêm các hoạt động trải nghiệm gắn với tìm hiểu thiên nhiên tại đảo thực vật, được du khách đón nhận và đánh giá cao. Chỉ tính riêng trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nơi đây đã đón và phục vụ hơn 4 nghìn khách du lịch.
Giám đốc Ban Quản lý VQG Bến En Lê Công Cường cho biết: “Du lịch xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu để VQG Bến En phát triển du lịch bền vững trong tương lai. Nhằm định hướng và xây dựng VQG Bến En trở thành một trong những điểm du lịch xanh, hấp dẫn, chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc độc đáo, chúng tôi đã xây dựng “Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng VQG Bến En, giai đoạn 2021-2030”. Trong đó tập trung phát triển một số loại hình, sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch mạo hiểm... Mục tiêu phát triển các hoạt động du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đồng thời góp phần đẩy mạnh khả năng thích ứng, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu”.
Với những khách yêu thích du lịch xanh thì cùng với VQG Bến En, khi đến Thanh Hóa còn rất nhiều lựa chọn khác như: Pù Luông (Bá Thước); bản Mạ (Thường Xuân); nông trại Golden Cow (Thường Xuân); làng du lịch Yên Trung (Yên Định); mô hình nông nghiệp trồng cây ăn quả công nghệ cao (Thạch Thành, Thọ Xuân)... Đặc biệt, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông ngày càng khẳng định thương hiệu du lịch “điểm đến xanh” bởi cảnh quan tự nhiên và kiến trúc các khu nghỉ dưỡng gắn liền với văn hóa, thiên nhiên bản địa. Nhờ vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, nơi đây đã đón được gần 140 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 34.750 lượt; doanh thu ước đạt trên 209 tỷ đồng.
Có thể nói, cùng với việc triển khai, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp là đối tượng quan trọng nhất kiến tạo nên “điểm đến xanh”, trải nghiệm xanh cho du khách. “Có thể nói để tạo nên một “điểm đến xanh” cần nguồn kinh phí rất lớn, tốn nhiều thời gian, công sức hơn so với một sản phẩm du lịch thông thường. Tuy nhiên, hiểu được giá trị của phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bền vững, hầu hết các khu nghỉ dưỡng tại Pù Luông đã, đang được đầu tư theo xu hướng phát triển du lịch xanh một cách nghiêm túc. Chính vì vậy, các nhà đầu tư rất mong muốn các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm, định hướng, tạo ra một môi trường phát triển lành mạnh, để doanh nghiệp tiếp tục cố gắng, đưa du lịch Thanh Hóa không chỉ là lựa chọn của du khách trong nước mà còn là điểm đến yêu thích của khách quốc tế” - ông Đỗ Đức Mạnh, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden (Bá Thước) chia sẻ.
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Thanh Hóa đã, đang đứng trước rất nhiều cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển du lịch xanh. Tuy nhiên, để doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển rất cần “trợ lực” từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện, môi trường, chính sách phát triển du lịch xanh. Trước hết là trong công tác định hướng phát triển sản phẩm, chia sẻ các dữ liệu, dự báo du lịch xanh... để doanh nghiệp tham khảo, xây dựng sản phẩm, kiến tạo nên môi trường du lịch xanh một cách hiệu quả và bền vững.
Bài và ảnh: Lê Anh
{name} - {time}
-
2024-12-13 13:10:00
Sẵn sàng đón khách dịp Tết Dương lịch
-
2024-12-13 10:09:00
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn làng nghề
-
2024-07-08 14:59:00
Điểm danh địa chỉ 5 Khách sạn, Homestay Vinhomes Ocean Park 1, 2, 3 giá rẻ
Sầm Sơn: Đến để yêu và nhớ
Phát triển du lịch bền vững từ cách tiếp cận thị trường nguồn
Du lịch biển Hải Tiến “khoác áo mới”
Nghị quyết về phát triển du lịch: Đánh thức tiềm năng du lịch huyện Vĩnh Lộc
Giá vé Công viên nước Sun World Sầm Sơn - VIETTOUR3MIEN
Liên hoan văn hóa ẩm thực xứ Thanh năm 2024 để lại ấn tượng trong lòng du khách
Tin vui từ du lịch
Gần 9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2024
Lựa chọn du lịch Nha Trang dễ dàng với vé máy bay giá rẻ từ Traveloka