Đề phòng cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tính đến đầu năm 2025, số lượng cây xanh bóng mát (cây xanh đô thị) được quản lý, chăm sóc tại các khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh khoảng 367.089 cây, trong đó có hơn 75.000 cây bóng mát trên đường phố. Riêng tại các phường thuộc địa bàn TP Thanh Hóa cũ (nay là các phường Hạc Thành, Hàm Rồng, Nguyệt Viên, Quảng Phú...) đã có khoảng trên 40.000 cây xanh được trồng trên vỉa hè các tuyến phố, công viên. Cây xanh ở các phường trung tâm được người dân, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan trồng ở nhiều thời điểm khác nhau nên khá đa dạng về chủng loại, mang lại bóng mát, làm đẹp phố phường, cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão, nỗi lo cây xanh gãy đổ cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn.
Đơn vị chức năng cắt tỉa cây xanh trên đường Dương Đình Nghệ (phường Hạc Thành) trước mùa mưa bão.
Còn nhớ vào tháng 9/2024, cơn bão số 3 (bão Yagi) không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh ta nhưng mưa lớn kèm gió giật mạnh đã khiến cho hàng trăm cây xanh bóng mát trên các tuyến đường như: Trần Phú, Đinh Công Tráng, Lê Thánh Tông, Dương Đình Nghệ, Đại lộ Lê Lợi, khu vực Quảng trường Lam Sơn... bị bật gốc, gãy đổ. Đáng chú ý, thời điểm đó, một nam thanh niên điều khiển xe máy đi trên đường, khi di chuyển qua đường Quang Trung, phường Đông Vệ (cũ) bị cây đổ đè lên người, không thể thoát ra ngoài. Cũng may, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời, phối hợp cùng người dân giải cứu và đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu. Cũng trong rạng sáng ngày hôm đó, nhiều tuyến đường bị ách tắc cục bộ do cây đổ chắn ngang đường. Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa đã phải huy động lực lượng để nhanh chóng xử lý số lượng cây xanh bị bật gốc, đổ gãy. Thời điểm đó, nhiều người cũng cho rằng, nguyên nhân chính khiến cây gãy đổ nhiều là do cây không được cắt tỉa cành, không được hạ thấp độ cao.
Thực tế, nhiều năm trở lại đây, tại các tuyến phố trung tâm, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa thực hiện trồng, chăm sóc và quản lý hệ thống cây xanh theo hợp đồng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Riêng trong năm 2025, công ty đã ký hợp đồng thực hiện cắt tỉa, hạ thấp độ cao cho khoảng 1.500 cây xanh đô thị, chủ yếu tập trung ở các tuyến phố thuộc các phường trung tâm. Đó là những cây nặng tán, nghiêng, cây có cành khô, sâu mục, mọc lệch tán... Đơn vị đã phối hợp khảo sát, đánh giá thực tế, tập trung cắt tỉa theo đúng kỹ thuật, cân đối tán để vừa bảo đảm bóng mát, vừa hạn chế nguy cơ gãy đổ khi mưa to, gió lớn. Đơn vị còn chủ động chằng chống, bảo vệ cho hệ thống cây xanh được sinh trưởng, phát triển tốt. Xây dựng phương án phối hợp cùng các đơn vị chức năng trên địa bàn chuẩn bị nhân lực, máy móc, ứng trực, sẵn sàng xử lý các sự cố đột xuất, giải tỏa kịp thời nếu có cây gãy, đổ sau mưa, bão.
Theo ông Lê Xuân Hoằng, chuyên viên phụ trách mảng công viên cây xanh, Phòng Kế hoạch, kỹ thuật, vật tư (Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa), cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, đơn vị đã cắt tỉa, hạ độ cao được khoảng 1.000 cây. Công ty đang tiếp tục thực hiện các phần việc, phấn đấu hoàn thành trên 80% khối lượng được giao trước mùa mưa bão”.
Cây xanh gãy đổ trong khu vực đô thị tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về tài sản, tính mạng của người dân. Vì vậy, việc cắt tỉa cây xanh gọn gàng, gia cố chắc chắn trước mùa mưa bão để phòng tránh cây xanh gãy đổ là chuyện cần làm, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến gần. Tuy nhiên, mỗi năm, số lượng cây xanh được cắt tỉa, khống chế chiều cao có hạn, hầu hết chỉ tập trung ở một số tuyến đường trung tâm, trong khi đó số lượng cây xanh cần cắt tỉa thực tế còn lớn hơn rất nhiều.
Trước thực tế đó, đòi hỏi các đơn vị có liên quan cần tăng cường kiểm tra, khảo sát, phát hiện sớm những cây xanh nguy hiểm để có biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh đô thị cũng như sự an toàn cho cộng đồng. Người dân cũng cần có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ cây xanh trước nhà, trước trụ sở cơ quan, tham gia ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Khi phát hiện cây xanh có nguy cơ gãy đổ, cần thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý cây xanh để kiểm tra, xử lý, phòng tránh những vụ việc đáng tiếc có thể bất ngờ xảy ra.
Bài và ảnh: Việt Hương
{name} - {time}
-
2025-07-19 19:17:00
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn 38 xã của tỉnh Thanh Hóa
-
2025-07-19 16:30:00
Thanh Hóa triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3
-
2025-07-19 14:21:00
Thanh Hóa là một trong các tỉnh có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Wipha