Để cái “bắt tay” du lịch đi vào thực chất (Bài cuối): Đổi mới cùng phát triển
Để thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch không chỉ dừng lại ở những cái “bắt tay”, nhiều giải pháp thiết thực đã được Thanh Hóa và các địa phương trong mỗi hành trình liên kết đề ra. Trong đó, tập trung làm mới sản phẩm hiện có, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch đặc sắc hay hợp tác phát triển tuyến du lịch xanh... là những giải pháp trọng tâm nhằm cùng nhau đẩy mạnh phục hồi, tăng tốc phát triển.
Vườn quốc gia Bến En (Như Thanh) - điểm đến xanh hấp dẫn du khách.
Nâng giá trị sản phẩm liên kết
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tới nhiều tuyến du lịch kết nối sẽ tiếp tục được hoàn thiện, gia tăng giá trị, đưa du khách đến trải nghiệm ở nhiều địa phương trong cùng hành trình. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu du khách và xu thế tất yếu trong quá trình liên kết - đó là sự đổi mới toàn diện từ số lượng đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, những năm gần đây du lịch Thanh Hóa đã không ngừng làm mới sản phẩm hiện có. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện 3 dòng sản phẩm chủ lực (du lịch biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái cộng đồng), đồng thời đưa vào khai thác một số sản phẩm, điểm đến vui chơi, giải trí mới, đầy sức hút.
Đối với các khu du lịch biển, nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn đã được đưa vào khai thác trong thời gian gần đây như: Công viên nước Sun World Sầm Sơn, Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội, phố đi bộ, chợ đêm... (TP Sầm Sơn); tour du lịch Nghi Sơn - Đảo Mê, các trò chơi xe địa hình, đua xe công thức, trượt cỏ, bắn súng sơn, trượt zipline... (tại thị xã Nghi Sơn). Đặc biệt, nhiều hoạt động lễ hội lớn như: Lễ hội khinh khí cầu, lễ hội đường phố Lala Town... và các dịch vụ vui chơi, giải trí lần đầu tiên có mặt tại Thanh Hóa như bảo tàng kem, mê cung ánh sáng, bể bơi bốn mùa (tại Flamingo Ibiza Hải Tiến, Hoằng Hóa)... Chính những trải nghiệm đầy mới mẻ này đã tạo nên sức hút chưa từng có cho các khu du lịch biển xứ Thanh, đồng thời tạo nên sự khác biệt trong cùng sản phẩm du lịch biển so với một số địa phương trong khu vực.
Cùng với du lịch biển, sản phẩm du lịch văn hóa là một trong những điểm nhấn quan trọng của du lịch xứ Thanh. Trong thời gian qua, nhiều dự án đầu tư, tu bổ di tích đã được thực hiện, góp phần nâng tầm giá trị di tích. Đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, hệ thống loa thông minh, thuyết minh tự động... tại một số trọng điểm du lịch văn hóa như: Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân); Di tích lịch sử đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn); Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc)... đã mang đến cho du khách những trải nghiệm hoàn toàn mới. Là mảnh ghép quan trọng của sản phẩm du lịch văn hóa, nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống được tổ chức quy mô, góp phần tạo sức hút cho sản phẩm du lịch “đặc thù” này.
Ngoài những điểm du lịch đã quen thuộc, sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng xứ Thanh đang mang đến cho du khách những “trải nghiệm xanh”, gắn liền với khai thác yếu tố văn hóa bản địa. Nổi bật phải kể đến là Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước). Tiếp theo là những điểm đến được khai thác, phát triển trong thời gian gần đây như bản Mạ, bản Vịn (Thường Xuân); bản Năng Cát - thác Ma Hao (Lang Chánh); bản Chanh (Quan Sơn); bản Bút, bản Hang (Quan Hóa); làng Lập Thắng (Ngọc Lặc)...
Gắn với “chuyển đổi xanh”
Theo “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 đã xác định rõ: “Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững"...
Quảng trường biển Sầm Sơn giúp tăng sức hấp dẫn cho du lịch xứ Thanh.
Với đầy đủ 3 vùng sinh thái, sở hữu nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng với các di tích lịch sử, Thanh Hóa được đánh giá là một trong những điển hình trong phát triển du lịch xanh. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng hay văn hóa tâm linh, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều điểm đến phát triển du lịch xanh theo mô hình nông trại kết hợp trải nghiệm như nông trại Golden Cow (Thường Xuân); nông trại Happy Farm (Thiệu Hóa); nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc (TP Thanh Hóa); làng du lịch Yên Trung (Yên Định); trang trại Giáo dục và Sinh học hữu cơ T-Farm (Đông Sơn)... Cùng với đó, Vườn quốc gia Bến En (Như Thanh) hay Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân) cũng dần được phát triển trở thành những trọng điểm “du lịch xanh” của tỉnh, hấp dẫn hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan trong những năm gần đây.
Giám đốc Ban Quản lý vườn quốc gia Bến En Lê Công Cường cho biết: “Trước đây lượng khách đến Vườn quốc gia Bến En khá hạn chế. Từ năm 2022 đến nay xu hướng “du lịch xanh” lên ngôi đã giúp điểm đến thu hút khoảng 20.000 nghìn lượt khách mỗi năm. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục phát triển thêm những trải nghiệm gắn liền với thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học điểm đến”.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển “du lịch xanh”, một số địa phương trọng điểm trong hành trình liên kết du lịch với Thanh Hóa như: Sơn La, Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh vùng Đông Nam bộ... hiện đang tích cực triển khai phát triển đa dạng “sản phẩm du lịch xanh”, “điểm đến xanh” gắn với chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Trong đó, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu (Sơn La) được vinh danh là “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới”. Ngoài ra, Quảng Nam và Ninh Bình là hai địa phương tiên phong thực hiện thí điểm dán nhãn xanh cho “Doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa”.
Thực tế, đến nay nhiều khu nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng, các địa phương trong cả nước nói chung đã chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo; phát triển các sản phẩm xanh; sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường như thay túi nilon bằng túi giấy, không sử dụng ống hút nhựa, sử dụng nước đóng chai thủy tinh, thu gom và phân loại rác từ nguồn... Các hoạt động bảo vệ môi trường trong kinh doanh dịch vụ du lịch từ việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa đã nhận được phản hồi tốt từ phía khách du lịch.
Tuy vậy, quá trình triển khai trong thực tế gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do cuộc sống ngày càng hiện đại, tiện nghi. “Chuyển đổi xanh” một cách sâu rộng, toàn diện trong lĩnh vực du lịch từ điểm đến tới sản phẩm, dịch vụ... là hoàn toàn không thể, song Thanh Hóa cùng với các địa phương trong mỗi hành trình liên kết đã, đang cố gắng để tránh “tăng trưởng nóng”, đồng thời từng bước bắt nhịp, thúc đẩy hình thành nên các tuyến du lịch xanh, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2024-12-13 13:10:00
Sẵn sàng đón khách dịp Tết Dương lịch
-
2024-12-13 10:09:00
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn làng nghề
-
2024-08-16 12:01:00
Quảng bá văn hóa bản địa qua homestay
Du lịch Thanh Hóa có gì mới trong những tháng cuối năm?
Để cái “bắt tay” du lịch đi vào thực chất (Bài 1): Muốn đi xa hãy đi cùng nhau
Hanotours chia sẻ kinh nghiệm du lịch Châu Âu
Lam Kinh - Điểm đến yêu thích của du khách
Xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch mới thu hút du khách đến với TP Thanh Hóa
“Nâng hạng” cho du lịch Thanh Hóa
Hình ảnh của Halong Marine Plaza - Điểm đến giải trí, du lịch và mua sắm
Trải nghiệm du lịch Qatar với hãng bay 5 sao chuẩn quốc tế
Đặt ngay Tour du lịch Nhật Bản trọn gói giá rẻ tại Lữ hành Việt Nam