(Baothanhhoa.vn) - Ngay khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, môn Giáo dục địa phương đã trở thành môn học bắt buộc ở các cấp học của giáo dục phổ thông. Không thể phủ nhận tính ưu việt của môn học, thế nhưng, sau 3 năm triển khai thực hiện, môn học này đang gặp không ít khó khăn, bất cập.

Dạy học môn Giáo dục địa phương - nhìn từ thực tiễn

Ngay khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, môn Giáo dục địa phương đã trở thành môn học bắt buộc ở các cấp học của giáo dục phổ thông. Không thể phủ nhận tính ưu việt của môn học, thế nhưng, sau 3 năm triển khai thực hiện, môn học này đang gặp không ít khó khăn, bất cập.

Dạy học môn Giáo dục địa phương - nhìn từ thực tiễnMột giờ học bộ môn Giáo dục địa phương của cô, trò Trường THCS Yên Trường (Yên Định).

Đánh giá qua quá trình giảng dạy của cán bộ, giáo viên các nhà trường cho thấy, môn học Giáo dục địa phương cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức hữu ích về nơi sinh sống, về truyền thống văn hóa của địa phương, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước... Nội dung môn học hướng đến sự phát triển năng lực học sinh thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, thực tế của mỗi địa phương trên cơ sở tích hợp các vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực từ vấn đề địa lý, lịch sử đến văn hóa... và gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung với thực tiễn. Xét về mặt chủ trương và nội dung môn học, vai trò, vị thế của môn Giáo dục địa phương đang rất được đề cao ở Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và nếu được đầu tư, chú trọng đúng mức thì môn học này sẽ giúp cho học sinh hiểu biết được những điều bổ ích, thú vị ở địa phương mình. Thế nhưng, quá trình giảng dạy môn học này đang nảy sinh không ít khó khăn, bất cập. Trong đó, thiếu giáo viên và sách giáo khoa giảng dạy là những khó khăn lớn nhất hiện nay.

Cô giáo Lê Thị Sâm, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Trường (Yên Định), cho biết: “Giáo viên phù hợp để phân công giảng dạy môn Giáo dục địa phương phải là giáo viên giảng dạy môn Lịch sử, Địa lý. Nhưng do thiếu giáo viên nên ban giám hiệu nhà trường đã quyết định phân công một hiệu phó phụ trách giảng dạy môn học này”. Cũng theo cô Sâm, do thiếu giáo viên, trong khi sách giáo khoa đối với lớp 7 và lớp 8 chưa có nên việc giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn. Hiện các bài giảng ở lớp 7 và lớp 8 đều do giáo viên tự mày mò tìm tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau để soạn giáo án. Đặc biệt, ở môn học này ngoài những bài giảng, học sinh cần được tham gia trải nghiệm thực tế để đạt hiệu quả hơn. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, Trường THCS Yên Trường chưa tổ chức được hoạt động này.

Qua khảo sát thực tế, đến thời điểm hiện nay, môn Giáo dục địa phương cũng là môn duy nhất trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chưa có sách giáo khoa ở một số khối lớp thuộc cả 3 cấp tiểu học, THCS và THPT. Đại diện lãnh đạo các nhà trường và giáo viên trực tiếp giảng dạy cho rằng, là môn học bắt buộc nhưng sách giáo khoa phát hành quá chậm trễ nên việc thực hiện giảng dạy gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Cô giáo Trần Thị Thơ, Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Vận (Thiệu Hóa), cho hay: “Đây là một môn học bổ ích với nhiều chủ đề hấp dẫn giúp nâng cao hiểu biết của học sinh về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa... của quê hương. Từ đó bồi dưỡng, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống trong mỗi học sinh. Tuy nhiên, đây là môn học mới nên giáo viên vẫn còn lúng túng khi tài liệu tham khảo còn hạn chế, sách giáo khoa ở khối lớp 7, lớp 8 chưa được phát hành, mặc dù năm học đã diễn ra được gần 2 tháng”.

Được biết, để khắc phục tình trạng chưa có sách giáo khoa, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã chuyển file tài liệu giáo dục địa phương xuống cho các trường giảng dạy. Tuy nhiên theo nhận định của nhiều giáo viên, việc học chay, học qua tài liệu điện tử khi sách giáo khoa không có để đọc, chuẩn bị và tìm hiểu kỹ bài học khiến học sinh khó tiếp thu. Vì vậy, các nhà trường đều mong muốn sớm có sách giáo khoa cũng như hướng dẫn cụ thể hơn với việc kiểm tra, đánh giá nội dung môn học này.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Giáo dục địa phương là một trong những nội dung mới được dạy ở tất cả các cấp học, từ lớp 1 đến lớp 12. Tài liệu giáo dục địa phương được giao cho Sở GD&ĐT các tỉnh biên soạn, trình UBND cấp tỉnh thẩm định, sau đó báo cáo về Bộ GD&ĐT phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi biên soạn, thẩm định, đến nay tài liệu vẫn chưa được in ấn, phát hành. Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giáo đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Sở GD&ĐT đã hoàn thành tài liệu giáo dục địa phương và được Bộ GD&ĐT phê duyệt theo tiến độ, song vướng mắc ở khâu in ấn, thẩm định giá nên chưa thể phát hành bản cứng sách giáo khoa ở một số khối lớp tới học sinh và giáo viên.

Theo nhận định, việc ban hành nội dung giáo dục địa phương sẽ tiếp tục còn chậm trễ trong những năm học tiếp theo. Lứa học sinh đầu tiên cơ bản là không có sách giáo khoa hoặc chậm trễ, hoặc phải học trên file PDF là những bất cập cần được sớm khắc phục để các nhà trường, giáo viên và học sinh yên tâm học tập, giảng dạy đáp ứng tốt nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Bài và ảnh: P.S



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]