(Baothanhhoa.vn) - Đầu tư, phát triển cơ sở vật chất (CSVC) và thiết bị dạy học sẽ tạo ra tiềm năng sư phạm to lớn cho hoạt động dạy và học. Với ý nghĩa đó, nhiều năm qua, việc đầu tư xây dựng CSVC trường, lớp học đã được ngành giáo dục, chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà.

Đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Đầu tư, phát triển cơ sở vật chất (CSVC) và thiết bị dạy học sẽ tạo ra tiềm năng sư phạm to lớn cho hoạt động dạy và học. Với ý nghĩa đó, nhiều năm qua, việc đầu tư xây dựng CSVC trường, lớp học đã được ngành giáo dục, chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà.

Đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dụcKhuôn viên Trường Tiểu học Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang, sạch, đẹp, an toàn.

Năm 2021, Trường Tiểu học Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) được UBND thành phố và chính quyền địa phương đầu tư gần 21 tỷ đồng để xây mới 24 phòng học và nhiều hạng mục quan trọng như: chỉnh trang khuôn viên sân trường, sân chơi, bãi tập, mua sắm mới một số trang thiết bị cho các phòng học, phòng chức năng... Sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng, đến nay nhà trường có đầy đủ các phòng hiệu bộ, phòng bộ môn, phòng chức năng; khuôn viên sân trường, bồn hoa, cây cảnh sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Các phòng của thư viện được bố trí riêng biệt, có phòng đọc, kho sách, phòng thiết bị cùng thư viện xanh mở rộng không gian đọc sách, thân thiện, gần gũi với học sinh, phục vụ tốt nhất nhu cầu của giáo viên và học sinh.

Đặc biệt, 26 phòng học của nhà trường đều được trang bị ti vi màn hình lớn hoặc máy chiếu, một số lớp còn có máy chiếu phi vật thể phục vụ dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Tâm, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trong đầu tư CSVC, cùng với nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Nhiều năm gần đây, tỷ lệ học sinh xếp loại về năng lực, phẩm chất luôn đạt 100%; tỷ lệ học sinh lên lớp và hoàn thành chương trình tiểu học đạt gần 100%...

Mặc dù điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành giáo dục, diện mạo Trường Tiểu học Hà Lan (thị xã Bỉm Sơn) ngày càng khởi sắc. Cô Trần Thị Nụ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Lan cho biết: Nhiều năm trước, việc dạy và học của thầy, trò nhà trường gặp không ít khó khăn do phòng học xuống cấp, khuôn viên nhà trường trũng thấp... Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của tỉnh, UBND, phòng GD&ĐT thị xã và chính quyền địa phương, những khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ. Đặc biệt, từ tháng 4-2022 nhà trường được đầu tư xây dựng khu nhà hiệu bộ và các phòng học chức năng; tiếp đó tháng 11-2022 khởi công xây dựng thêm khu nhà 3 tầng với 12 phòng học. Đây là niềm vui và cũng là mong đợi của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường trong nhiều năm qua.

Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiều chủ trương, mục tiêu đổi mới GD&ĐT. 5 năm qua, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng nhiều đề án, chính sách phát triển CSVC trường lớp học mang lại hiệu quả thiết thực, như: chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non; sắp xếp mạng lưới các trường THPT công lập; đầu tư CSVC, trang thiết bị dạy học giai đoạn 2021-2025 cho các trường THPT, THCS&THPT để đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025... Từ việc thực hiện các chủ trương, chính sách, nhiều trường học đã được đầu tư các hạng mục phòng, lớp học, nhà hiệu bộ, trang thiết bị dạy và học... theo hướng khang trang, hiện đại. Toàn tỉnh đã xây dựng 26 trường THPT đạt chuẩn quốc gia với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng; trang bị đồ dùng dạy học cho 24 trường THPT với kinh phí 16 tỷ đồng; xây nhà ở nội trú cho 32 trường với tổng kinh phí 151 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 189 phòng học cho các trường mầm non, tiểu học thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn từ nguồn Trái phiếu Chính phủ... Ngoài ra, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các nhà trường với tổng kinh phí gần 275 tỷ đồng...

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nhiều năm qua, ngành giáo dục, chính quyền các địa phương không ngừng khuyến khích, huy động các nguồn lực, nguồn vốn trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và nhà đầu tư dưới nhiều hình thức như góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng... góp phần giải quyết khó khăn trong đầu tư CSVC cho giáo dục. Hiện, các trường học trên địa bàn tỉnh phần lớn có khuôn viên xanh, sạch, đẹp hướng đến hiện đại. Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt 89,29%; toàn tỉnh có 1.684/1.986 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 84,79%. Trong đó, cấp mầm non có 572/678 trường (đạt tỷ lệ 84,36%); tiểu học 544/597 trường (đạt tỷ lệ 91,12%); THCS 518/612 trường (đạt tỷ lệ 84,64%); THPT 50/99 trường (đạt tỷ lệ 50,51%)...

Kết quả này đã góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục, nhất là đối với những trường thuộc vùng khó khăn không có điều kiện kêu gọi xã hội hóa giáo dục. Đánh giá của Sở GD&ĐT cho thấy, những năm gần đây, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi của học sinh các cấp học, bậc học đều tăng. Hiện, 100% xã, phường đều đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập tiểu học cấp độ 3, đạt chuẩn phổ cập THCS. 5 năm gần đây, Thanh Hóa liên tục trong tốp đầu của giáo dục cả nước về kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế các môn văn hóa. Chất lượng giáo dục khu vực miền núi cũng có bước chuyển rõ rệt, với nhiều học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh các môn văn hóa, qua đó, từng bước giảm sự chênh lệch giữa miền núi với miền xuôi về chất lượng giáo dục. Kết thúc học kỳ I năm học 2022-2023, chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được duy trì ổn định. Thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh, khối THCS có 1.240 học sinh đạt giải, đạt tỷ lệ 54,94%; khối THPT có 2.082 học sinh đạt giải, đạt tỷ lệ 54,3%; khối giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có 127 học sinh đạt giải, đạt tỷ lệ 50,4%...

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]