(Baothanhhoa.vn) - Với vị trí địa lý nơi “đầu sóng ngọn gió”, hàng năm phải hứng chịu bão gió kèm theo nước biển dâng cao, đời sống của Nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Song, với ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, thống nhất, cách làm sáng tạo, 70 năm qua Đảng bộ xã Quảng Thái (Quảng Xương) đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở từng giai đoạn cách mạng, từng bước đưa xã nhà thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tiến lên các bậc thang phát triển mới.

Đảng bộ xã Quảng Thái: Dấu ấn 70 năm xây dựng và phát triển

Với vị trí địa lý nơi “đầu sóng ngọn gió”, hàng năm phải hứng chịu bão gió kèm theo nước biển dâng cao, đời sống của Nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Song, với ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, thống nhất, cách làm sáng tạo, 70 năm qua Đảng bộ xã Quảng Thái (Quảng Xương) đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở từng giai đoạn cách mạng, từng bước đưa xã nhà thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tiến lên các bậc thang phát triển mới.

Đảng bộ xã Quảng Thái: Dấu ấn 70 năm xây dựng và phát triểnĐảng bộ xã Quảng Thái (Quảng Xương) xác định đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ và khai thác, đánh bắt thủy, hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Ảnh: Ngân Hà

Nhớ thuở tiền nhân “khai ấp lập làng”

Nếu là người con sinh ra, lớn lên ở xã Quảng Thái, có lẽ ai cũng biết đây là mảnh đất được khai phá theo chính sách “ngự binh ư nông” của triều đại nhà Lê sơ. Và để tưởng nhớ công lao đánh đuổi giặc của 2 ông Tô Chính Đạo và Uông Ngọc Châu - người có công với nước, khai phá, lập làng, dân làng đã lập đền thờ hương khói 2 ông đời đời.

Cầm cuốn lịch sử Đảng bộ xã Quảng Thái vừa được biên soạn bản thảo lần 3, ông Cao Tiến Việt, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã cũng là thành viên trong ban sưu tầm tư liệu để viết nên cuốn lịch sử Đảng bộ xã, tự hào: Để soạn thảo ra cuốn lịch sử đảng bộ này là cả sự tâm huyết, trách nhiệm. Ban chỉ đạo, ban sưu tầm tư liệu lịch sử Đảng bộ xã đã ngày đêm sưu tầm, thu thập, tổng hợp và nghiên cứu tài liệu, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhân chứng lịch sử và cán bộ qua các thời kỳ. Đến nay, cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Thái, giai đoạn 1954-2024 đã chính thức ra mắt.

Theo ông Cao Tiến Việt, sử sách chép lại, vào cuối thế kỷ XV, thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), việc khai khẩn của vùng đất Quảng Thái ngày nay đều do binh lính đảm nhiệm, nhằm tự túc lương thực và nộp tô cho Nhà nước. Ban đầu có tên gọi là sở Đồn Điền và làng Hà Đông thuộc huyện Quảng Xương. Trải qua quá trình hình thành và thay đổi tên gọi cũng như địa giới hành chính, đến năm 1953-1954, huyện Quảng Xương tiến hành giải thể 17 xã lớn để thành lập 47 xã mới. Theo đó, tháng 10/1954, xã Quảng Lộc (lớn) chia tách thành 5 xã: Quảng Thái, Quảng Lĩnh, Quảng Lộc, Quảng Lưu, Quảng Lợi. Danh xưng (tên gọi) Quảng Thái có từ đây và được giữ nguyên cho đến ngày nay.

Ngày đầu thành lập, xã Quảng Thái gồm 2 làng: Đồn Điền, Hà Đông và xóm Vượng Hải (một xóm của thôn Lê Hương, xã Quảng Lộc). Dân số có 1.953 người. Trong đó, làng Đồn Điền do ông Tô Chính Đạo và ông Uông Ngọc Châu lập ra vào năm 1473 - thời vua Lê Thánh Tông.

Sách Địa chí huyện Quảng Xương chép: “Năm 1470-1471, Lê Thánh Tông thân chinh đem quân đi chinh phạt quân Chiêm Thành quấy nhiễu biên giới phía Nam, đại thắng trở về. Một cánh quân do 2 ông Tô Chính Đạo và Uông Ngọc Châu chỉ huy, vua sai ở lại Thanh Hóa cùng binh lính làm đồn điền... Khi mất, hai ông được triều đình ban sắc lệnh cho dân làng lập đền thờ hương khói đời đời. Đối với làng Hà Đông, theo gia phả họ Hoàng, họ Trần, làng thành lập khoảng đầu đời Lê Thái Tổ (1428-1433). Người đầu tiên đến khai phá đất đai để sinh cơ lập nghiệp là một người dòng họ Hoàng Bá (Hoàng Quý công).

“Có thể nói, từ những buổi đầu thành lập, người dân hai làng Đồn Điền và Hà Đông cần cù lao động, chinh phục thiên tai, cải tạo vùng đất cát khô ven sông Rào trở thành vùng thuần nông trồng lúa, màu và đánh bắt cá biển; xây dựng nên xóm làng trù phú, dân đông, vật thịnh. Truyền thống ấy được thể hiện trong việc “nghiêng đồng đổ nước ra sông” và “vắt đất ra nước thay trời làm mưa”, quai đê chống lụt, thau chua rửa mặn” - ông Cao Tiến Việt nói.

Đến khi có ánh sáng của Đảng

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi khi ôn lại những chặng đường lịch sử của Đảng bộ xã Quảng Thái, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thái Phạm Sỹ Hùng, tự hào nhấn mạnh: “Trải qua quá trình dựng làng, lập xóm, các thế hệ cư dân Quảng Thái đã chung sức, đồng lòng, cần cù sáng tạo lao động sản xuất, kiên cường anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, để xây dựng quê hương. Nhất là từ ngày đi theo Đảng làm cách mạng, mỗi bước trưởng thành của Đảng bộ xã Quảng Thái gắn liền với những đóng góp, hy sinh của Nhân dân toàn xã qua các thời kỳ”.

Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, trong giai đoạn lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước đều ghi dấu những mốc son chói lọi về tinh thần anh dũng, lòng yêu nước nồng nàn, không chịu khuất phục trước áp bức, bóc lột, bất công của các thế hệ người dân Quảng Thái. Tổng kết các cuộc kháng chiến cứu quốc, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Thái đã đóng góp cho đất nước hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn người con của Quảng Thái tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công tiếp vận, công tác trên các chiến trường. Trong đó có 93 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hàng chục người mang thương tật, di chứng chiến tranh trong mình suốt đời.

Với những đóng góp trên, Đảng và Nhà nước đã truy tặng 3 mẹ danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng thưởng cho các tập thể và cá nhân huân, huy chương kháng chiến, huân chương chiến công các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nếu người Quảng Thái đã từng thành công trong công cuộc “khai hoang trị thủy” từ thuở mở cõi, đến đóng góp sức người, sức của cho 2 cuộc chiến tranh thì công cuộc “biến đất thành vàng” từ năm 1986 đến nay đã và đang làm nên diện mạo, sức sống mới trên vùng quê Quảng Thái.

Từ một xã nền kinh tế ngư - nông nghiệp tự cung, tự cấp thấp kém, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Quảng Thái không ngừng vươn lên từng bước xây dựng nền kinh tế có bước tăng trưởng cao. Đặc biệt, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Quảng Thái lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 3 chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm, đó là đẩy mạnh tạo môi trường thuận lợi để đầu tư phát triển du lịch sinh thái biển và du lịch tâm linh; tập trung nguồn lực xây dựng xã NTM nâng cao; thôn NTM kiểu mẫu; nâng cao chất lượng phương tiện khai thác, cải tiến ngư lưới cụ, tăng hiệu quả đánh bắt, phát triển dịch vụ thương mại hậu cần nghề cá.

Đảng bộ, chính quyền xã Quảng Thái đã xác định đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ và khai thác đánh bắt thủy, hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Địa phương tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi kêu gọi, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư; đặc biệt là con em địa phương để đầu tư trên các lĩnh vực: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, nhà hàng, khách sạn; kinh doanh bất động sản... Đến năm 2023, toàn xã đã có 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống, nghỉ dưỡng, thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, xã đã được công nhận xã NTM năm 2014, trong giai đoạn này xã đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM để tiến tới XDNTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; năm 2023 đã xây dựng được 1 thôn NTM kiểu mẫu. Xã đã đấu mối, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư mua sắm ngư lưới cụ để vươn khơi bám biển... Các hoạt động phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Bình quân thu nhập đầu người của xã trong năm 2023 đạt 65,3 triệu đồng, phấn đấu năm 2024 đạt 68 triệu đồng trở lên.

Về văn hóa - xã hội, từ một địa phương có đến 90% dân số mù chữ trong chế độ thực dân phong kiến, đến nay toàn xã đã phổ cập xong giáo dục tiểu học và THCS, hàng trăm người có trình độ trên đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Cả 3 cấp trường trên địa bàn đều đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ngày càng phát triển. Đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hóa phong phú, lành mạnh, truyền thống văn hóa làng, xã được gìn giữ và phát huy, góp phần vào việc “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”...

Có thể nói, qua 70 năm xây dựng và phát triển, từ năm 1947, xã Quảng Thái có 4 đảng viên đầu tiên, sinh hoạt tại chi bộ Hồng Phong (Quảng Lộc cũ). Đến năm 1954, Chi bộ xã Quảng Thái được thành lập với 12 đảng viên, chia thành 2 tổ đảng. Đến năm 2024, Đảng bộ xã đã có 322 đảng viên, sinh hoạt tại 16 chi bộ nông thôn và cơ quan trong xã. Đảng bộ xã Quảng Thái trải qua 27 nhiệm kỳ đại hội, mỗi kỳ đại hội, đảng bộ được kiện toàn ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều năm liền đảng bộ và chính quyền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Đến tháng 6/2024, đảng bộ đã có 118 đồng chí được trao tặng Huy hiệu 65 - 60 - 55 - 50 - 45 - 40 - 30 tuổi Đảng.

“Phát huy những thành tích đã đạt được trong 70 năm qua, với truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương được hun đúc trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Thái quyết tâm xây dựng quê hương có nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất và văn hóa của Nhân dân được nâng cao, diện mạo nông thôn từng bước đổi mới, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, CNH, HĐH nông thôn do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - Bí thư Đảng ủy xã Phạm Sỹ Hùng nhấn mạnh.

Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]