Đa dạng, hấp dẫn các hoạt động du lịch trải nghiệm
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch xứ Thanh ngày càng trở nên hút khách bởi nhiều trải nghiệm thú vị, khác biệt. Đáng chú ý, kể từ khi du lịch mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 (ngày 15/3/2022) đến nay, hoạt động trải nghiệm ở các khu, điểm du lịch ngày càng đổi mới, đa dạng, từ trải nghiệm đồng quê cho đến các hoạt động trải nghiệm cảm giác mạnh, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.
Làng du lịch Yên Trung (Yên Định) thu hút khách du lịch bằng những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn.
Phát triển du lịch trong tình hình mới, những năm gần đây các địa phương, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã không ngừng sáng tạo, đổi mới và hoàn thiện 3 dòng sản phẩm chủ lực gồm: du lịch biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái cộng đồng. Theo đó, nhiều dịch vụ du lịch, trải nghiệm mới đã được phát triển, đưa vào khai thác, phục vụ du khách như: trình diễn nhạc nước tại Quảng trường biển, phố đi bộ, chợ đêm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố (TP Sầm Sơn); tour du lịch Đảo Mê, các trò chơi cảm giác mạnh như đua xe địa hình, đua xe công thức 1, trượt cỏ, bắn súng sơn, trượt zipline... (thị xã Nghi Sơn); tour du lịch đảo Nẹ, dù lượn (Hoằng Hóa); du lịch trải nghiệm tại Làng du lịch Yên Trung (Yên Định); trekking, chèo thuyền (Bá Thước)...
Trong đó, Làng du lịch Yên Trung (Yên Định) ngày càng khẳng định sức hút đối với du khách bởi đa dạng hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, thú vị. Với tổng diện tích khoảng 25ha, làng du lịch bao gồm khu nghỉ dưỡng sinh thái và khu sản xuất nông nghiệp sạch. Đối với khu nghỉ dưỡng sinh thái được thiết kế gần gũi với thiên nhiên và đa dạng các kiểu kiến trúc như: villa, bungalow, nhà du mục, nhà thuyền, nhà sàn và phòng cánh diều. Và một trong những điểm nhấn đặc sắc của làng du lịch đó là không gian làng quê Bắc bộ xưa, với cổng làng, bến nước, cầu đá... Cùng với đó là đa dạng hoạt động trải nghiệm như: bắt cá, thả diều, cưỡi ngựa, bắn cung, đạp vịt, chèo thuyền kayak, bóng nước, đốt lửa trại, chiếu phim ngoài trời,... mang đến cho du khách kỳ nghỉ thực sự thư giãn, ý nghĩa.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc điều hành Làng du lịch Yên Trung, cho biết: “Mặc dù mới đưa vào hoạt động kể từ tháng 6/2020, song đến nay chúng tôi đã đón được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Gần đây nhất, kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024 chúng tôi đã đón và phục vụ trên 2,5 nghìn lượt khách. Trong thời gian tới, cùng với các hoạt động trải nghiệm hiện có chúng tôi sẽ nghiên cứu phát triển thêm một số trải nghiệm mới, trong đó chú trọng vào nhóm sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa truyền thống. Hướng tới xây dựng điểm đến trở thành một trong những sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên của tỉnh”.
Cùng với các khu, điểm du lịch mới, khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn giờ đây được nhắc đến như một điểm đến của sự kiện và những lễ hội tưng bừng. Tiếp nối thành công của lễ hội du lịch biển là các sự kiện đặc sắc như: Chuỗi sự kiện nghệ thuật Sun Fest độc đáo dịp cuối tuần; lễ hội carnival đường phố; trình diễn nhạc nước tại Quảng trường biển;... mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt, hấp dẫn. Nhờ đó, năm 2023 TP Sầm Sơn đã đón gần 8 triệu lượt khách, chiếm khoảng 2/3 tổng lượt khách đến Thanh Hóa. Với mục tiêu trở thành thành phố của lễ hội, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, TP Sầm Sơn sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa vào khai thác thêm các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, đồng thời hình thành dịch vụ kinh tế đêm nhằm đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm, thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao và tăng thời gian lưu trú.
Cũng trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng thu hút khách thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch. Với hơn 70 sự kiện được tổ chức ở khắp các địa phương, khu, điểm du lịch đã góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”. Mặt khác, thông qua các sự kiện văn hóa, lễ hội đã mang đến những không gian văn hóa, trải nghiệm đặc sắc, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Theo kế hoạch, trong năm 2024 tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức 145 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, mùa xuân gắn với các lễ hội truyền thống; mùa hè nổi bật với các sự kiện tại các khu, điểm du lịch biển; mùa thu - đông sẽ diễn ra các giải thể thao, công bố các tour du lịch mạo hiểm (trekking tour) và các lễ hội truyền thống gắn với du lịch sinh thái - cộng đồng. Đối với chiến lược phát triển du lịch dài hạn, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm phát triển du lịch toàn diện, bền vững. Trong đó, đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trọng điểm, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm mua sắm,... nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt, đẳng cấp, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đông đảo khách du lịch hàng đầu cả nước.
Bài và ảnh: Lê Anh
{name} - {time}
-
2024-11-21 13:56:00
COP29: Hơn 50 quốc gia cam kết phát triển du lịch thân thiện với môi trường
-
2024-11-21 09:16:00
Top khách sạn, resort hàng đầu ở Cát Bà được yêu thích trên Traveloka
-
2024-02-02 09:45:00
Khám phá du lịch văn hóa theo cách riêng
Chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng
Con đường truyền thông trong du lịch
Chuyện ghi bên Thành Nhà Hồ
Thanh Hóa công bố các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch năm 2024
Nghỉ dưỡng, chữa lành - xu hướng du lịch trong năm 2024
“Đánh thức” Pù Luông
Tour Nhật Bản ngắm hoa anh đào độc đáo không thể bỏ lỡ
Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch
Các huyện miền núi chuẩn bị đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán