Còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 294 của HĐND tỉnh
Nghị quyết số 294/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII (gọi tắt là Nghị quyết 294 - PV) được xem là biện pháp mạnh, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân, nhằm huy động các cấp chính quyền tập trung, kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng dự án được giao đất, cho thuê đất chậm tiến độ. Sau hơn 1 năm, việc thực hiện nghị quyết này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo chuyển biến rõ nét, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng dự án chậm tiến độ trong thời gian dài song vẫn chưa được xử lý dứt điểm, hoặc chưa thu hồi được đất trên thực địa.
Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn (Ngọc Lặc) đã dừng xây dựng từ năm 2010, nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Thực hiện Nghị quyết 294, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong công tác quản lý đất đai tại các dự án được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn. Đồng thời thành lập tổ rà soát tiến độ các dự án. Theo đó, đến ngày 10/11/2023, trên địa bàn tỉnh có 212 dự án chậm tiến độ sử dụng đất quá 24 tháng. Trong đó có 114 dự án đã được gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng và gia hạn bất khả kháng; 98 dự án đang được Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh để được xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất theo quy định. Tính từ năm 2014 đến đầu tháng 11/2023, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi đất 21 dự án, trong đó đã có 7 khu đất đã được đưa vào đầu tư mới, 2 khu đất đã lập phương án đấu giá...
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, thanh tra, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai dự án theo quy định của pháp luật. Thực hiện rà soát, tổng hợp, phân loại các dự án giao đất, cho thuê đất, dự án vi phạm Luật Đất đai, dự án được gia hạn, dự án đã được thuê đất nhưng qua nhiều năm nhà đầu tư không triển khai thực hiện dù đã được gia hạn nhiều lần. Ví như, thị xã Nghi Sơn đã rà soát, phân loại 36 dự án chậm tiến độ. Theo đó, có 7 dự án đã quá thời gian được gia hạn nhưng vẫn chưa hoàn thành xây dựng các công trình, 24 dự án chưa quá thời gian gia hạn 24 tháng, 1 dự án đã chấm dứt hoạt động, 1 dự án bị thu hồi đất, 1 dự án chậm tiến độ sử dụng đất nhưng do nguyên nhân khách quan, hoàn toàn không thuộc lỗi nhà đầu tư, 2 dự án chậm 24 tháng kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa. Trên địa bàn huyện Nông Cống có 58 dự án đầu tư kinh doanh đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với 41 dự án đã giao, cho thuê 233,1 ha đất. Trong số này có 15 dự án chậm tiến độ...
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc có hiệu quả của nhiều sở, ngành, địa phương, công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại các dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua việc đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, nhiều chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Đồng thời kiên quyết xử lý dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai, ngăn chặn tình trạng nhà đầu tư găm đất dự án để chuyển nhượng kiếm lời.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tình trạng dự án chậm tiến độ nhiều năm, nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Mà nổi cộm là Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn tại huyện Ngọc Lặc. Dự án này được UBND tỉnh cho thuê đất từ năm 2009, chủ đầu tư tiến hành thi công được một số hạng mục như tường bao, cọc nhồi..., rồi dừng từ năm 2010 đến nay. Hiện tại khu dự án chỉ là một bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, gây lãng phí tài nguyên đất đai, nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Bên cạnh đó, còn tình trạng dự án đã có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh nhưng vẫn chưa thực hiện được việc thu hồi ngoài thực địa. Theo Báo cáo số 865/BC-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về hoạt động chất vấn, kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, trong số 21 dự án được UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất vẫn còn 5 khu đất chưa thu hồi được trên thực địa. Cụ thể là Dự án xây dựng vườn ươm tại phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa); Dự án xưởng sản xuất, kinh doanh, gia công cơ khí Thanh Xuân tại phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn); Dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung tại xã Yên Phú (Yên Định); Dự án nhà máy sản xuất ferocrom các bon cao tại xã Tân Khang (Nông Cống); Dự án sản xuất gạch ngói tại xã Đông Văn (Đông Sơn).
Hiện trạng của Dự án xây dựng vườn ươm tại phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) là nơi tập kết rác thải.
Lãnh đạo nhiều huyện cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng dự án đã có quyết định thu hồi đất, nhưng chưa thu hồi được trên thực địa là do chưa liên hệ, đấu nối được với chủ đầu tư để thực hiện các thủ tục còn lại theo quy định của pháp luật. Thậm chí theo báo cáo của UBND huyện Yên Định trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, thì vẫn còn tình trạng chủ đầu tư cố tình không chấp hành quyết định thu hồi đất.
Cũng theo Báo cáo số 865/BC-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh, thì chính quyền một số địa phương chưa làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về đất đai theo thẩm quyền. Công tác thanh, kiểm tra còn chưa thường xuyên, kịp thời. Còn tình trạng địa phương chỉ phối hợp với đoàn kiểm tra của tỉnh để kiểm tra, chưa chủ động trong công tác này. Vậy nên mới có tình trạng địa phương không nắm bắt chính xác trên địa bàn có bao nhiêu dự án vi phạm. Trên thực tế, khi phóng viên tìm hiểu thực địa dự án, nhiều cán bộ cấp xã gặp khó khăn trong việc xác định địa điểm. Đây vừa là tồn tại, hạn chế, vừa là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 294.
Đáng chú ý, qua các buổi giám sát chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về hoạt động chất vấn, kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay tại các sở, ngành, địa phương, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, nguyên nhân trên mới chỉ là “ngọn” của vấn đề. Còn gốc vấn đề nằm ở chỗ việc lựa chọn nhà đầu tư còn hạn chế, dẫn đến việc dự án được giao cho doanh nghiệp không đủ năng lực để triển khai. Và khi thực hiện rà soát, xử lý hoặc kiến nghị xử lý thì địa phương gặp khó khăn do số lượng cán bộ làm công tác quản lý đất đai ở cơ sở còn ít; các quy định, văn bản hướng dẫn thi hành luật đôi khi chồng chéo...
Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (xin được dấu tên) cho rằng: “Việc khó khăn trong công tác xử lý các dự án chậm tiến độ không những gây lãng phí tài nguyên đất đai, mà nhiều nhà đầu tư xin đầu tư vào địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhưng huyện không còn quỹ đất để bố trí”.
Bàn về giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về đất đai tại các dự án giao đất, cho thuê đất trong thời gian tới, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cho rằng các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện cần thường xuyên rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án để kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phối hợp trong kiểm tra, thanh tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất của các dự án sau khi được chấp thuận đầu tư, giao đất, cho thuê đất. Kiên quyết không chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án mà chủ đầu tư yếu kém về năng lực tài chính, quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều địa phương cũng cho rằng, đồng hành, hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cũng là biện pháp quan trọng để ngăn chặn tình trạng dự án đầu tư chậm tiến độ...
Bài và ảnh: Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2023-12-26 10:17:00
Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn
Sức bật từ hạ tầng giao thông nông thôn
Ai sẽ là người đặt tên cho “Siêu Dự án”?
Góp phần quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm dịch vụ của Agribank
Phát huy thế mạnh phát triển dịch vụ logistics
Cơ duyên ra đời của “Sao Mai Center”
Chú trọng phát triển kinh tế vườn hộ
Góp phần cải thiện, nâng cao đời sống hội viên
Sẵn sàng nguồn cung hàng hóa cho thị trường dịp cuối năm
Dược phẩm Tâm Bình - Doanh nghiệp tiêu biểu vì sự phát triển dược liệu Việt