(Baothanhhoa.vn) - Là khu vực giao thoa về kinh tế - văn hóa - xã hội giữa vùng đồng bằng - trung du và miền núi của tỉnh, huyện Thọ Xuân đang trở thành trung tâm kinh tế - xã hội có vai trò động lực phát triển kinh tế – xã hội khu vực phía Tây của tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thọ Xuân - “ Mảnh đất vàng” cho các nhà đầu tư

Là khu vực giao thoa về kinh tế - văn hóa - xã hội giữa vùng đồng bằng - trung du và miền núi của tỉnh, huyện Thọ Xuân đang trở thành trung tâm kinh tế - xã hội có vai trò động lực phát triển kinh tế – xã hội khu vực phía Tây của tỉnh Thanh Hóa.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thọ Xuân đến năm 2040.

Trong đó, Khu Công nghiệp – Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng nằm trong trục tứ giác kinh tế của tỉnh với thế mạnh cho phát triển toàn diện các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch, thương mại, dịch vụ.

Toàn cảnh đô thị Thọ Xuân nhìn từ trên cao.

Về giao thông, huyện Thọ Xuân được đầu tư đồng bộ, hiện đại gồm đường bộ, đường sông và đường hàng không. Các tuyến giao thông kết nối mạnh mẽ với các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh và cả nước qua đường Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ, đường cao tốc Bắc – Nam, sân bay Thọ Xuân và cảng nước sâu Nghi Sơn. Về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, huyện đã xây dựng Khu Công nghiệp – Nông nghiệp Công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng và 2 cụm công nghiệp là cụm công nghiệp Xuân Lai và thị trấn Thọ Xuân. Trong đó, Khu Công nghiệp - Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng – Một trong trục tứ giác kinh tế của tỉnh, với tổng diện tích gần 1.600 ha, là khu công nghiệp - nông nghiệp đa ngành, sử dụng công nghệ cao, được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có thể tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách hiệu quả và tích cực. Toàn bộ khu vực này được kết nối trực tiếp với Khu Kinh tế Nghi Sơn bởi tuyến đường giao thông dài 69 km, tạo thành hành lang phát triển từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn.

Về nông nghiệp, nơi đây có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, dồi dào nguồn nước, đã được đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, thuận lợi cho phát triển kinh tế chăn nuôi và trồng trọt, là điều kiện quan trọng để Thọ Xuân phát triển nông nghiệp công nghệ cao và trở thành trọng điểm về chế biến các sản phẩm nông nghiệp tạo nên chuỗi giá trị trong sẩn xuất và chế biến.

Thị trấn Thọ Xuân ngày càng khang trang, hiện đại.

Về văn hoá - du lịch, huyện Thọ Xuân không chỉ sản sinh ra nhiều nhân vật lịch sử kiệt xuất, mà còn là nơi phát triển những tín ngưỡng văn hóa đa dạng và phong phú. Trong huyện có tới trên 300 công trình kiến trúc văn hóa, tâm linh. Những đình, chùa, miếu, mạo, những đền đài lăng tẩm... được phân bổ khắp huyện, với quy mô, kiến trúc đa dạng, gắn với nhiều huyền sử, tạo nên một Thọ Xuân với không gian văn hóa đẫm sắc màu huyền thoại. Đặc biệt Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh từ lâu đã đi vào tiềm thức người dân đất Việt như một điểm hẹn trở về với nguồn cội; nơi khởi nguồn của những chiến tích hào hùng, cái nôi của khởi nghĩa Lam Sơn; nơi phát tích của dòng họ Đế vương đã có công bình ngô giữ nước.

Với những gì đang có, Thọ Xuân đang là địa phương phát triển năng động với nhiều chính sách mở trong thu hút đầu tư. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 – 2018 đạt 15,6%. Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2018 ước tính là trên 8.000 tỷ đồng, tỷ trọng chiếm khoảng 40% nền kinh tế, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 18%. Hiện trên địa bàn huyện có 541 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp đều có đóng góp cao cho ngân sách và tạo việc làm cho trên 7.000 lao động ở địa phương. Đặc biệt, việc nhiều nhà đầu tư quốc tế và các tập đoàn hàng đầu trong nước đến nghiên cứu đầu tư và gắn bó lâu dài với mảnh đất này đã làm thay đổi diện mạo của huyện và là minh chứng rõ nét nhất về môi trường đầu tư hấp dẫn của huyện. Và chỉ mới đây, ngày 14-11, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức đoàn công tác nghiên cứu khảo sát, đầu tư dự án Khu liên hợp hàng không tại huyện Thọ Xuân do đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn. Tại đây, Công ty CP Tập đoàn FLC dự kiến trong giai đoạn 2018-2023 sẽ đầu tư một khu liên hợp đa chức năng xung quanh một cụm cảng hàng không quốc tế quy mô lớn nhằm khai thác tối đa lợi thế gần cảng vận chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế. Theo đó, Tập đoàn FLC sẽ đầu tư khu vực rộng trên 3.000 ha và đây sẽ trở thành một khu liên hợp dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, đẳng cấp, đồng bộ, quy mô lớn xung quanh khu vực Cảng Hàng không Thọ Xuân, tạo nên một cực phát triển mới cho Thanh Hóa bên cạnh kinh tế biển, công nghiệp và khu dịch vụ du lịch biển phía Đông. Khu liên hợp này gồm 5 dự án: Dự án 1 là khu dịch vụ cảng hàng không, được tổ chức theo mô hình liên hoàn từ kho vận và logistic hàng không, khu bảo trì bảo dưỡng máy bay quốc gia, khu dịch vụ ngoại quan, khu sản xuất, chế biến đồ ăn cho hành khách, khu mua sắm phi thuế quan quy mô lớn, giúp Cảng Hàng không Thọ Xuân trở thành cảng vận chuyển hành khách và hàng hóa nội địa và quốc tế lớn nhất khu vực Bắc miền Trung. Dự án 2 là Khu công nghiệp công nghệ cao sẽ tập trung thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao như linh kiện bán dẫn, phụ kiện điện tử, điện thoại, linh kiện máy bay, các đồ vật dụng phục vụ cho ngành hàng không... hướng tới xuất khẩu qua Cảng Hàng không Thọ Xuân. Dự án 3 là khu du lịch nghỉ dưỡng và đô thị giáo dục đẳng cấp quốc tế bao gồm các hạng mục nghỉ dưỡng cao cấp cho du khách quốc tế, từ sân golf, khu khách sạn và resort 5 sao, khu trung tâm hội nghị quốc tế, khu trại hè quốc tế, khu chăm sóc sức khỏe chủ động, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Thọ Xuân. Và khu đô thị giáo dục với ba cụm học viện chính là đào tạo nghề hàng không, đào tạo nghề khách sạn, đào tạo nhân công và chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp. Dự án 4 là khu nông nghiệp công nghệ cao hướng tới khai thác quỹ đất lớn tập trung, với các nhà chế biến sâu của các vùng nông nghiệp trong toàn tỉnh Thanh Hóa, xuất khẩu nông sản qua cảng hàng không quốc tế và trung chuyển hàng hóa tới các thị trường lớn khác trong nước. Dự án 5 là khu đô thị phụ trợ tiện nghi, đầy đủ hạ tầng xã hội cho các cư dân mới đến làm việc và sinh sống tại khu phức hợp.

Máy bay về Cảng hàng không Thọ Xuân.

Dự án triển khai sẽ là điều kiện để huyện Thọ Xuân sớm trở thành điểm sáng hấp dẫn tiếp theo của tỉnh Thanh Hóa. Không dừng lại ở đó, để có chiến lược phát triển lâu dài và định hướng cho các nhà đầu tư trong lựa chọn lĩnh vực, hình thức đầu tư và triển khai các dự án trên địa bàn, huyện Thọ Xuân đã nghiên cứu lập đề án quy hoạch xây dựng vùng huyện Thọ Xuân đến năm 2040. Trong đó, tầm nhìn đến khoảng giữa thế kỷ 21, Thọ Xuân trở thành thành phố và là một trong những đô thị trung tâm của tỉnh Thanh Hóa, phát triển theo tiêu chí Thịnh vượng – Nhân văn – Bền vững, với các mô hình phát triển thông minh, sinh thái, vì chất lượng cuộc sống; là nơi đáng sống, phát triển và gìn giữ những giá trị văn hóa hiện đại và truyền thống Xứ Thanh.

Giai đoạn đầu sẽ dần phát triển các tụ điểm dân cư hiện có thành các khu vực đô thị hóa, tập hợp các khu, cụm công nghiệp và các dịch vụ, thương mại cấp vùng tại khu vực đô thị tập trung tại Lam Sơn, Sao Vàng, Thị trấn Thọ Xuân, phố Neo, Phố Đầm, Xuân Lai, Xuân Lập, Tứ Trụ, Vạn Lại. Các khu vực đô thị như trên là hạt nhân phát triển theo các giai đoạn, dần kết nối với nhau thành một vùng nội thị của Thành phố Thọ Xuân.

Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng được quy hoạch là Khu CN sử dụng công nghệ cao phát triển theo hướng thu hút đầu tư FDI, phát triển công nghiệp phụ trợ trong các ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, dược phẩm, thiết bị vật tư y tế...

Khu Nông nghiệp công nghệ cao của Công ty CP mía đường Lam Sơn.

Phát triển đa dạng nền nông nghiệp theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển công nghiệp tạo ra chuỗi giá trị. Trong đó, tái cơ cấu nông nghiệp vùng huyện Thọ Xuân dựa trên đặc điểm tự nhiên và phát triển của từng phân vùng: Tiểu vùng Lam Sơn – Sao Vàng phát triển thành các Khu Nông nghiệp Công nghệ cao; Tiểu vùng Đông Hữu ngạn phát triển các cánh đồng lúa quy mô lớn, năng suất chất lượng cao; Tiểu vùng Tả ngạn phát triển đa dạng hóa nông – lâm – nghiệp, thủy sản, kết hợp với phát triển trang trại và nông nghiệp đa canh “vĩnh cửu” trên cơ sở các hệ sinh thái rừng – đồi – mặt nước.

Phát triển du lịch thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng huyện Thọ Xuân dựa trên tài nguyên văn hóa – lịch sử đặc sắc và cảnh quan sinh thái tự nhiên, tạo thành một vùng du lịch phong phú và hấp dẫn.

Có vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng kết nối, nguồn cung lao động dồi dào, chi phí cạnh tranh, thị trường tiếp cận lớn, lãnh đạo huyện luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, lấy sự phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư là sự phát triển của huyện; không ngừng cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn và nỗ lực hết sức tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, hỗ trợ tối đa các điều kiện cần thiết cho nhà đầu tư phát triển là những gì huyện Thọ Xuân đang có để tạo nên sự khác biệt và dấu ấn đối với nhà đầu tư khi đến với nơi đây.

Với tư duy đổi mới, sự năng động, sáng tạo, tầm nhìn chiến lược và có sức cạnh tranh thu hút đầu tư, Thọ Xuân đang dần trở thành nơi đáng sống, làm việc, vui chơi giải trí của người dân và là “mảnh đất vàng” để các nhà đầu tư hiện thực hoá chiến lược đầu tư, cùng xây dựng Thọ Xuân trở thành đô thị trọng điểm và thực hiện khát vọng xây dựng Thanh Hoá thành trung tâm kinh tế lớn của khu vực.


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]