Chuyên gia cảnh báo cẩn trọng trước diễn biến khó lường của giá vàng
Một loạt câu hỏi đã được đặt ra về tình hình giá vàng trong nước như: Những động thái của cơ quan quản lý tác động ra sao đến thị trường? Người tiêu dùng cần “ứng xử” ra sao trước diễn biến này?
Người dân mua bán vàng trên phố Trần Nhân Tông trưa 10/5. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Sau nhiều phiên tăng mạnh liên tiếp, giá vàng trong nước đã xô đổ các kỷ lục trước đó. Giá USD cũng tăng lên mức kịch trần.
Trước những biến động mạnh, Ngân hàng Nhà nước buộc phải can thiệp, đáng chú ý là việc triển khai 5 phiên đấu thầu vàng miếng; trong đó có 2 phiên thành công nhằm tăng cung cho thị trường.
Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa thể một sớm một chiều phát huy ngay hiệu quả để hạ nhiệt thị trường. Đã xuất hiện tình trạng người dân đổ xô xếp hàng mua bán vàng.
Một loạt câu hỏi đã được đặt ra: những động thái của cơ quan quản lý tác động ra sao đến thị trường? Cần thêm những biện pháp dài hơi nào khác nữa để giảm áp lực cho thị trường vàng và tỷ giá trong tương lai? Người tiêu dùng cần “ứng xử” ra sao trước diễn biến này?
Xoay quanh vấn đề trên, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Tiến sỹ Vũ Đình Ánh.
- Thưa ông, giá vàng vừa qua đã liên tục tăng nóng. Ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp can thiệp? Ông đánh giá ra sao về những tác động của động thái này đến thị trường?
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh: Ngay sau những phiên tăng nóng của giá vàng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tổ chức đấu thầu lại vàng miếng từ ngày 22/4. Tuy nhiên, trong số 5 phiên đấu thầu được tổ chức thì chỉ 2 phiên được tổ chức thành công với khối lượng vàng trúng thầu là 3.400 lượng cho mỗi phiên.
Tuy khối lượng trúng thầu không nhiều nhưng động thái này cũng phát đi tín hiệu về việc bắt đầu khôi phục lại kênh cung cấp vàng SJC ra thị trường. Điều này sẽ tác động đầu tiên lên giá vàng, thu hẹp chênh lệch cung cầu, giúp tái lập lại kênh phân phối để ổn định thị trường vàng.
Quan trọng hơn nữa khi giá vàng trong nước, kể cả vàng SJC cũng như vàng nhẫn, so với giá vàng quốc tế lên tới hàng triệu, thậm chí có những thời điểm lên tới trên 10 triệu đồng/lượng thì việc đấu thầu sẽ giúp xử lý khoảng cách chênh lệch quá lớn như trên.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là qua động thái này Ngân hàng Nhà nước đã chính thức tuyên bố sẽ can thiệp vào thị trường vàng, không để có những vi phạm nguyên tắc thị trường như trong thời gian trước đây.
Nhiều người xếp hàng để chờ đến lượt mua, bán vàng tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
- Việc tăng cung vàng miếng thông qua giải pháp đấu thầu vàng được kỳ vọng sẽ giúp làm hạ nhiệt thị trường vàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc này có thể gây áp lực đối với tỷ giá. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh: Tôi được biết rằng 16.800 lượng vàng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra tổ chức đấu thầu đợt này không phải là lượng vàng SJC mới, mà là lượng vàng đang có sẵn trong kho. Như vậy, chúng ta không phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, dập vàng miếng để tổ chức đấu thầu.
Ngoài ra, nếu muốn điều tiết thị trường vàng, nhất là vàng SJC, rõ ràng chúng ta vẫn phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng đáp ứng nhu cầu trong nước và đây là chuyện bình thường.
Hiện nay, Việt Nam đang thặng dư thương mại rất lớn, cán cân thanh toán mặc dù có những yếu tố rủi ro nhưng vẫn đang khá tích cực. Và một điểm quan trọng nữa là cả thế giới cũng như ở Việt Nam, người ta luôn coi vàng là một bộ phận cấu thành của dự trữ ngoại hối và thậm chí tính thanh khoản của vàng cũng như giá trị ổn định của vàng trong nhiều trường hợp còn ổn định hơn nhiều các loại ngoại tệ và những giấy tờ có giá khác.
Do đó, tôi cho rằng việc dùng ngoại tệ để nhập khẩu vàng cân đối thị trường là một chuyện hoàn toàn bình thường cả về mặt lý thuyết, thực tế và đặc điểm thị trường.
Thêm nữa, hiện nay chúng ta đang độc quyền về vàng miếng SJC. Toàn quyền nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng SJC hay thậm chí là nhập khẩu vàng vào Việt Nam để sử dụng làm vàng trang sức vẫn thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, trong cân đối quản lý cả ngoại hối và quản lý vàng, Ngân hàng Nhà nước có toàn quyền để xử lý việc này vì lợi ích của cả nền kinh tế cũng như của xã hội.
- Ông dự báo thế nào về biến động trên thị trường vàng và ngoại tệ thời gian tới?
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh: Thị trường vàng và tỷ giá hối đoái của Việt Nam đang chịu một số áp lực lớn. Thứ nhất, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) do dự hạ lãi suất hay không trong bối cảnh lạm phát vẫn đang ở mức cao có thể khiến đồng USD lên giá so với rất nhiều các đồng tiền khác, bao gồm đồng Việt Nam. Áp lực đối với tỷ giá hối đoái của Việt Nam theo đó sẽ tiếp tục dâng cao.
Thứ hai, trong khi Mỹ, các nước châu Âu và nhiều nền kinh tế phát triển khác liên tục tăng lãi suất trong mấy năm qua, thắt chặt chính sách tiền tệ thì ở Việt Nam chỉ tăng 2 lần vào năm 2022, sau đó giảm đến 4 lần vào năm 2023.
Điều này cũng khiến đồng Việt Nam mất giá so với các đồng tiền chủ chốt, bao gồm đồng USD.Thứ ba, ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là một số nền kinh tế hàng đầu thế giới, đang tiếp tục thay đổi cái kết cấu dự trữ ngoại hối, thay vì dự trữ giấy tờ có giá hoặc các đồng ngoại tệ mạnh thì họ dự trữ vàng.
Nhu cầu vàng vì thế tiếp tục tăng kéo theo kênh đầu tư vàng trở nên hấp dẫn hơn, giá vàng sẽ tăng.
- Theo ông, cần phải làm gì để giảm áp lực và tránh cú sốc cho thị trường vàng và ngoại tệ về lâu dài?
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh: Trước tiên, chúng ta đã tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng thành công nhằm cung cấp thêm nguồn cung vàng để cân đối cung cầu.
Thêm nữa, có thể tổ chức đấu thầu vàng thường xuyên, liên tục, có thể tác động trực tiếp vào giá vàng SJC và qua đó tác động đến giá của vàng nhẫn 9999, thậm chí tác động tới cả nguồn cung của vàng nguyên liệu sử dụng để sản xuất vàng trang sức.
Đối với tỷ giá hối đoái, cần có dự báo sớm để ứng phó kịp thời trước những quyết định về chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Chúng ta cũng hoàn toàn có thể can thiệp trực tiếp tới tỷ giá thông qua bán ngoại tệ. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam là đạt trên dưới 100 tỷ USD và như vậy chúng ta đang có công cụ rất tốt để can thiệp vào thị trường.
Chưa kể các yếu tố về cán cân thương mại, cán cân vốn hay cán cân thanh toán vẫn trong chừng mực nhất định, có những yếu tố tích cực.
Ngoài ra, chính sách tỷ giá hối đoái cần phải được xem xét, đánh giá lại về tác động của tỷ giá hối đoái đối với tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, đầu tư, đối với các kênh thu hút nhà đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp ở nước ngoài vào Việt Nam. Căn cứ vào đó sẽ có biện pháp can thiệp một cách đúng lúc, mức độ hợp lý.
- Ông có lời khuyên ra sao đối với nhà đầu tư và người dân trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều biến động khó lường?
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh: Đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, thông thạo thị trường, có thể khẳng định những đợt "sóng" vàng và tỷ giá vừa qua là một cơ hội đầu tư. Trong thời gian tới họ có thể tiếp tục tận dụng những biến động tiếp theo để tăng khả năng sinh lời cho khối tài sản đang nắm giữ.
Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư không chuyên hay chỉ mua vàng, mua ngoại tệ để tích lũy, lời khuyên của tôi là cần hết sức cẩn trọng, cân nhắc để tránh rơi vào bẫy “mua đỉnh bán đáy”.
Còn đối với những người có nhu cầu thật sự về ngoại tệ để thanh toán, giải quyết vấn đề kinh doanh hoặc mua vàng phục vụ nhu cầu đời sống như cưới hỏi, trao tặng..., họ có thể tranh thủ những đợt sóng ngắn, khi giá vàng, tỷ giá tạm hạ nhiệt để mua vào.
Đơn cử như thời điểm ngày 23/4 vừa qua khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng, giá vàng đã ngay lập tức sụt đến mấy triệu cho mỗi lượng. Hoặc như với ngoại tệ, nhiều phiên gần đây Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm.
Đây là tín hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng chấp nhận bán ngoại tệ ra để bình ổn tỷ giá hối đoái. Vậy những người có nhu cầu mua thật sự có thể quan sát thông tin và đưa ra những quyết định vào thời điểm phù hợp.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-05 09:25:00
Kinh tế nông, lâm nghiệp mở hướng phát triển bền vững
-
2025-01-05 07:20:00
“Nước rút” nối thông tuyến cao tốc bắc-nam
-
2024-05-10 16:34:00
Tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong trường học
Hội thảo đầu bờ giống lúa Thiên ưu 8 thế hệ mới tại xã Thượng Ninh
Phá vỡ mọi kỷ lục, thương hiệu SJC vọt lên ngưỡng 92,2 triệu đồng
Liên kết chăn nuôi gà bền vững
Phấn đấu có ít nhất 10 doanh nhân Việt vào danh sách ’tỷ phú đôla thế giới'
Hội thảo đầu bờ giống lúa J02 tại xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc)
Giảm hơn 1.400 đồng/lít, giá xăng RON95-III lùi về ngưỡng 23.544 đồng
Thiệu Hóa tăng cường giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án
TS Võ Trí Thành: Đà Nẵng hút giới đầu tư, nhân lực chất lượng cao để trở thành đô thị đáng sống đẳng cấp châu Á
Phát triển tiêu chí sản xuất ở những xã vừa về đích nông thôn mới kiểu mẫu